Theo tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn, viện phó viện Sức khỏe tâm thần quốc gia, số người trẻ đến khám vì bị đãng trí, hay còn gọi là mất trí nhớ tạm thời, ngày càng tăng.
30 tuổi đã... “ba ngơ”
Trong mắt bạn bè, đồng nghiệp, tiến sĩ ngành hóa thực phẩm N.V. Xuân, 40 tuổi, là người giỏi giang, thành đạt và có trí nhớ tuyệt vời về những kiến thức trong sách vở. Anh cũng có thể đọc làu làu truyện Kiều không bỏ sót một chữ. Nhưng trong công việc gia đình, Xuân là “chúa hay quên”, như lời nhận xét của vợ anh.
Xuân quên không tắt đèn khi đi làm, quên đến lớp đón con, quên sinh nhật vợ con, quên cả ngày cưới… Tính đãng trí của anh chưa dẫn đến sự cố nghiêm trọng nào trong công việc, song bản thân anh gặp không ít phiền phức khi thường xuyên phải đi tìm giấy tờ, tài liệu. Thậm chí nhiều lần, đồng nghiệp cùng phòng được dịp cười vỡ bụng khi thấy anh hớt hải đi tìm kính, trong khi vẫn đang đeo nó trên mũi.
Mới ngoài 30 tuổi, N.N. Giang, một kĩ sư công nghệ thông tin, đã được bạn bè gắn cho biệt danh “ba ngơ”. Nhiều lần ăn trưa với bạn, anh quên cả xe máy ở quán, lững thững đi bộ về cơ quan. Nguy hiểm hơn, có lần khi đang đấu nối dây điện, người ngợm ngứa ngáy, anh cứ cầm dây điện… gãi xoàn xoạt. Sau lần hút chết vì điện giật, Giang phải đến bệnh viện khám và được bác sĩ cho biết bị mất trí nhớ tạm thời.
Trên thực tế, nhiều người bị đãng trí như anh Giang nhưng lại không hề biết mình mắc bệnh và thường không để ý đến do hoạt động xã hội chưa bị ảnh hưởng nhiều. Theo bác sĩ Dương Đình Phúc, Phó Chủ nhiệm khoa Tâm thần kinh, bệnh viện Quân đội 354, trước đây bệnh đãng trí chủ yếu xuất hiện ở người già, người bị rối loạn tâm thần. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc chứng bệnh này. Đãng trí có thể gây nguy hiểm tính mạng cho những người làm nghề thợ xây, thợ điện, lái xe, bác sĩ…
bệnh đãng trí chủ yếu xuất hiện ở người già, người bị rối loạn tâm thần. Nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc chứng bệnh này
Sinh hoạt điều độ để lấy lại trí nhớ
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho biết, trong cuộc sống hằng ngày, chuyện quên số điện thoại người thân hay gặp người quen nhưng bỗng dưng không nhớ ra tên… là bình thường. Đó có thể là thời điểm trí não không tập trung hoặc do sự kiện nào đó lâu không được nhắc lại nên không thể nhớ ra ngay. Nhưng khi sự việc trên được lặp đi lặp lại thì đó là dấu hiệu của bệnh đãng trí.
Theo bác sĩ Dương Đình Phúc, nguyên nhân của căn bệnh đãng trí có thể là trầm cảm, giai đoạn khởi phát của bệnh tâm thần, sau stress, sang chấn tâm lý… Không khó khăn để điều trị bệnh nếu biết kết hợp dùng thuốc (tùy theo bệnh) và liệu pháp tâm lý. Thế nhưng, nếu không được khám và điều trị đúng hướng, lâu ngày các hậu quả nặng nề sẽ xuất hiện như bệnh lý thần kinh, trầm cảm nặng hơn, thậm chí có thể dẫn đến tự sát.
Tiến sĩ Nguyễn Minh Tuấn cho rằng, cuộc sống bận rộn, nhiều áp lực khiến chứng sa sút trí nhớ trở thành một căn bệnh thời đại. Nhiều người cho rằng nhớ - quên là chuyện bình thường, chỉ cần giảm lượng công việc thì trí nhớ sẽ phục hồi. Có người tự ý mua các loại thuốc bổ thần kinh để uống. Tuy nhiên, cùng với tuổi tác và các tác nhân ngoại cảnh khác (rượu, thuốc lá, stress...), trí nhớ của họ ngày càng giảm và di chứng để lại rất nặng nề.
Để phòng bệnh, phải thay đổi lối sống, biết dẹp bỏ các áp lực, tạo điều kiện nghỉ ngơi, thư giãn, có chế độ dinh dưỡng đầy đủ và chăm tập thể dục thể thao. Còn khi đã bị bệnh, cách tốt nhất là đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn điều trị đúng cách.