Theo thống kê, tại vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) có khoảng 100.000 cô dâu Việt, theo đó, thế hệ con lai “mẹ Việt, cha Đài” là khoảng 200.000 người. Hiện nay, việc dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh thế hệ “F2” ở Đài Loan rất phổ biến và được cơ quan chức năng sở tại chú trọng.
Mẹ - người đầu tiên dạy tiếng Việt cho con
Chị Nguyễn Thị Liên Hương, giảng viên tiếng Việt và Văn hóa Việt Nam tại Đại học Đài Loan đã làm việc tại đây được hơn 7 năm. Chồng chị là người Đài Loan, chị luôn tâm niệm phải dạy 3 con nhỏ của mình ngôn ngữ và văn hóa “quê ngoại”. Chị Liên Hương cho biết, do các con còn nhỏ nên chị chưa dạy chữ viết, mà chỉ dạy tiếng Việt theo cách truyền khẩu cho con. Anh Ngô Chí Vĩ, chồng chị, là người có nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, nên vợ chồng chị thường xuyên nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt để các con được nghe và “thẩm thấu”.
Chị Liên Hương cũng đều đặn cho con tham gia các chương trình giao lưu của cộng đồng người Việt tại Đài Bắc (Đài Loan) để các con có ý thức trau dồi ngôn ngữ mẹ đẻ. “Vừa rồi, các cháu được tham gia giao lưu với ca sĩ Hồ Ngọc Hà và Cao Thái Sơn, cùng đông đảo các bé thế hệ F2 trong chương trình giao lưu mừng Xuân tại Đài Bắc. Các cháu đã mặc áo dài truyền thống và biểu diễn bài hát Ba ngọn nến lung linh, được cộng động người Việt tán thưởng” – chị Hương kể.
Theo chị, âm nhạc và văn học là những kênh hữu ích giúp các cháu tiếp cận với tiếng Việt nhanh và hiệu quả nhất. Chị đã hát ru cho các con từ khi chúng còn trong bụng mẹ. Đến giờ, trước khi đi ngủ, chị vẫn thường kể chuyện cổ tích Việt Nam cho các cháu. Chị khuyến khích con, nếu tích cực nói tiếng Việt thì ba mẹ sẽ thưởng quà.
Các con của chị Liên Hương hát tiếng Việt tại buổi giao lưu Xuân 2014 tại Đài Bắc (Ảnh nhân vật cung cấp)
Chị Trần Lâm Phụng là người đang tham gia dạy tiếng Việt cho cộng đồng người Việt tại Đài Loan cho biết, chị sang Đài Loan từ năm 2000, lấy chồng và đã có 2 con nhỏ. Mặc dù nhập quốc tịch Đài Loan song chị vẫn tích cực giảng dạy tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại các trường tiểu học, các đơn vị, tổ chức tân di dân, các trường đại học ở thành phố Cao Hùng và Đài Nam. Chị Phụng cho biết, rất nhiều chị em người Việt đã tình nguyện làm cô giáo dạy tiếng Việt cho cộng đồng thế hệ “F2” tại đây.
“Thông qua các phương tiện truyền thông của VOV, tôi nhắn nhủ các bà mẹ không những dạy tiếng Việt cho con ở nhà, mà hãy đăng ký cho con học tiếng Việt ở trường nếu có thông báo, vì học tiếng Việt được miễn phí, qua đó các cháu hiểu hơn về văn hóa quê ngoại. Sau này các em lớn lên sẽ là những nhịp cầu nối tích cực giữa hai quê” – chị Trần Lâm Phụng chia sẻ.
Những câu chuyện cổ tích Việt Nam được dịch và in thành hai thứ tiếng, được trẻ em con lai tại Đài Loan rất yêu thích
Hiệu quả từ chương trình “Ngọn đuốc tân di dân”
Từ năm 2012, Bộ Giáo dục kết hợp với Sở Di dân Đài Loan triển khai chương trình “Ngọn đuốc tân di dân”. Đây là chương trình dành cho con em của những người di dân mới – thế hệ “F2”, chủ yếu đến từ Trung Quốc đại lục và các nước Đông Nam Á, trong đó Việt Nam là nước có người di dân đến Đài Loan đông nhất và tiếng Việt được nhiều người theo học nhất.
Là một trong những thành viên tổ biên soạn chương trình tiếng Việt, chị Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tiếng Việt được biên soạn thành sách nhiều nhất trong số các thứ tiếng khác như tiếng Thái, Indonesia, Campuchia... Giáo trình này có 2 tập, gồm “Tiếng Việt cơ sở” và “Tiếng Việt nâng cao”, đều dành cho đối tượng từ lớp 1 đến lớp 6. Trong mỗi cuốn có 2 phần nói về bối cảnh Đài Loan và bối cảnh Việt Nam, trong đó lồng ghép những nội dung về văn hóa Việt Nam. Mỗi trường được phát 3 cuốn và trường nào có nhu cầu nhiều hơn sẽ được in tiếp. Giáo viên của chương trình dạy tiếng Việt chủ yếu là những cô dâu Việt đang làm ăn, sinh sống tại Đài Loan.
Tiếng Việt rất hữu ích với thế hệ "F2"
Theo chị Liên Hương, điều đáng nói là chương trình không những kêu gọi thế hệ con lai Việt – Đài theo học, mà mọi đối tượng có nhu cầu học tiếng Việt đều có thể theo học miễn phí.
Nói về hiệu quả chương trình, chị Liên Hương cho biết: “Niềm vui của những người con xa Tổ quốc là được đứng trên bục giảng dạy riếng Việt cho thế hệ con cháu. Do triển khai trên toàn lãnh thổ Đài Loan, nên nhu cầu về giáo viên rất nhiều, vì thế cô dâu Việt ở các thành phố, các tỉnh đều có cơ hội được đứng trên bục giảng. Mỗi lần được tham gia tập huấn và giảng dạy, chị em rất vui vì được quảng bá về văn hóa Việt Nam. Các em nhỏ đến lớp rất háo hứng và được hiểu biết hơn rất nhiều về văn hóa quê ngoại”.