Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm nay được tổ chức gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Hà Nam. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và đông đảo người dân địa phương tham dự Lễ hội.
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới và cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Sau lễ rước linh vị của vua Lê Đại Hành từ chùa Đọi xuống khu hành lễ, lễ hội Tịch điền được cử hành trang trọng theo trình tự với các màn múa rồng, đọc văn trình, kính cáo tổ tiên xin phép tiến hành khai hội và lễ dâng hương thành kính.
Theo sử sách ghi chép, mùa Xuân năm Đinh Hợi, niên hiệu Thiên Phúc thứ 7 (tức năm 987), vua Lê Đại Hành về chân núi Đọi làm Lễ Tịch điền (cày ruộng) đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, mở ra một trang sử mới cho nền nông nghiệp Việt Nam. Kể từ đó, Lễ hội Tịch điền trở thành một mỹ tục được các triều đại về sau thực hiện một cách thành kính, trang trọng.
Việc tổ chức Lễ hội Tịch điền chứa đựng nhiều phong tục đẹp đẽ của dân tộc Việt Nam, khơi dậy và giáo dục truyền thống văn hóa của dân tộc cho các thế hệ con cháu, nhắc lại truyền thống tốt đẹp của cha ông, từ vua đến người nông dân đều yêu lao động, cần cù lao động trên mảnh đất thân yêu của mình.
Tái hiện hình ảnh vua Lê Đại Hành xuống ruộng đi cày (Ảnh: Tiến Thành/Thanh Niên)
Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân ở tỉnh Hà Nam cho biết: “Lễ hội Tịch điền là truyền thống của quê hương, chúng tôi thấy rất phấn khởi và mong muốn lễ hội này được duy trì đều đặn, qua đó cổ động xây dựng quê hương nông thôn mới ngày càng phát triển”.
Kết thúc lễ hội, một cao niên trong làng khoác Long bào nhập linh khí quân vương, khoan thai đi đường cày đầu tiên. Tiếp đó là những đường cày của đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Hà Nam và huyện Duy Tiên lật lên những lớp đất nâu tơi xốp, hứa hẹn cho những vụ mùa bội thu và cuộc sống ấm no, hạnh phúc