Con tôi 5 tuổi, từ bé đến nay tôi chưa tẩy giun cho cháu lần nào. Tôi nghe nói mỗi năm nên tẩy giun cho trẻ 2 lần. Như vậy có đúng không và nên tẩy giun bằng thuốc nào cho tốt? Tôi xin cảm ơn.
Chào chị,
Thông thường, trẻ 24 tháng trở lên là nên cho uống thuốc tẩy giun. Trẻ nhỏ hay bò, nghịch sờ tay dưới đất rồi đưa lên miệng nên nguy cơ nhiễm giun rất cao, do đó nên tẩy giun 6 tháng 1 lần. Không chỉ ở trẻ nhỏ mà cả ở người lớn ở điều kiện vệ sinh sạch sẽ cũng nên tẩy giun mỗi năm 1 lần. Với người hay ăn rau sống, tiết canh thì 6 tháng/lần.
Các thuốc điều trị giun hiện nay về cơ chế tác dụng có thể chia làm 3 nhóm chính: nhóm làm giun bị chết và bị tống ra ngoài cơ thể theo phân; nhóm không làm giun bị chết mà chỉ làm chúng tê liệt không còn khả năng bám vào thành ruột và bị nhu động của ruột đưa ra ngoài; nhóm phá hủy cơ thể giun, làm tiêu giun.
Các thuốc điều trị giun thế hệ mới đều ở nhóm thứ 3, với nhiều ưu điểm là khá an toàn, có hiệu lực với nhiều loại giun và có dạng sử dụng thuận tiện. Trên thị trường hiện nay có một số thuốc hay được sử dụng để điều trị giun là:
Mebendazole viên 500mg, được chỉ định sử dụng khi nhiễm một hoặc nhiều loại giun như giun đũa, giun tóc, giun móc, giun kim, giun lươn. Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là một viên duy nhất. Không dùng thuốc cho trẻ em dưới 2 tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan.
Albendazole viên 200mg tác dụng tương tự mebendazole, ngoài ra còn có tác dụng cả với sán lá, sán dây, ấu trùng sán lợn. Liều dùng cho người lớn và trẻ em trên 2 tuổi là 2 viên/ngày dùng trong 3 ngày. Không dùng thuốc cho phụ nữ có thai và cho con bú, trẻ em dưới 2 tuổi.
Pyrantel pamoat có tác dụng với giun đũa, giun kim, giun móc, liều trung bình 10mg/kg. Không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú, người suy gan.
Sử dụng thuốc điều trị giun chỉ là việc tiêu diệt giun chứ không có tác dụng phòng tránh nhiễm giun. Vì vậy cần hết sức chú ý giáo dục cho trẻ thực hiện chế độ vệ sinh trong mọi mặt của cuộc sống. Trước khi sử dụng bất cứ một loại thuốc trị giun nào cần có ý kiến của bác sĩ.