Làng Nhân Lý, xã Cao Nhân, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng có truyền thống trồng cau trăm năm nay. Trước đây cây cau là vị cứu tinh, cứu đói cho cả làng. Nhưng giờ cau trong làng "chết dần" từ người trồng cau, họ chuyển nghề buôn cau nơi khác xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thứ nhất Tư lỳ...
Ông Nguyễn Thành Lung, Trưởng làng Nhân Lý dẫn chúng tôi đi thăm vườn cau của các gia đình trong làng còn sót lại, vừa đi ông vừa cho biết, cây cau đã gắn bó với các gia đình trong thôn hàng thế kỷ qua. Cây cau gắn bó như máu thịt đối với người dân. Nhưng giờ đây truyền thống trồng cau của người dân Nhân Lý không còn nữa, cây cau "chết dần" và người dân chặt phá đi để trồng chuối, trồng hồng xiêm. Cây cau làng Nhân Lý giờ chỉ còn trong ký ức đối với người dân.
Nói về thời hoàng kim của cây cau, ông Lung bảo, đó là thời người người, nhà nhà Nhân Lý trồng cau và làm giàu nhờ cau. Về những đại gia cau nổi đình, nổi đám của thế kỷ trước, người làng Nhân Lý có câu: Nhất Tư lỳ, nhì Quý ca, ba Tài tiện.. Giờ họ không còn dựa vào cây cau để sống nữa, vườn cau của họ, giờ đã trở thành vườn... chuối.
Chúng tôi có mặt tại gia đình ông Hoàng Văn Tư (Tư lỳ - 71 tuổi) đúng vào hôm ông thuê người đảo lại mái ngói ngôi nhà cổ. Ông Tư bảo, tất cả cơ ngơi mà gia đình ông có được đều nhờ vào cây cau. Trước đây cây cau Nhân Lý là số một, nổi tiếng khắp nơi trên cả nước. Không có cây gì trồng dễ bằng cây cau. Đất vườn trồng cau rất dễ sống, cau không cần chăm sóc nhiều vẫn tươi tốt và cho hiệu quả kinh tế cao.
Những năm 60 của thế kỷ trước, gia đình ông Tư nhiều cau nhất làng và cũng giàu có nhất nhì làng nhờ quả cau. "Nhờ cây cau mà gia đình tôi có của ăn của để, mười năm về trước gia đình tôi có vài sào cau với hàng nghìn cây cau. Năm 1994 tôi chỉ cần bán 1.000 quả cau là có thể mua được 5 chỉ vàng. Một vụ thu hoạch cau, tôi đã mua được ngôi nhà với giá trị là 10 cây vàng. Thời đó nhà nào có đất trồng cau dễ trở nên giàu có. Đó là thời hoàng kim nhất mà tôi không thể nào quên", ông Tư cho biết.
Cau rụng, người khóc
Từ thời cha ông, gia đình ông Tư đã xem trồng cau là nghề kiếm sống. Vì thế, việc trồng và chăm sóc cây cau là việc được đặc biệt chú trọng. Song mấy năm về trước, không biết vì sao những cây cau trong vườn gia đình ông sau khi ra hoa kết trái, quả cau không lớn được mà dần héo úa và rụng xuống vườn. Xót của một thì tiếc cho nghề của cha ông bị lụi bại mười, ông Tư nhìn trái cau non rụng đỏ vườn mà rơm rớm nước mắt. "Bao đời gia đình tôi trồng cau vẫn phát triển bình thường, nhưng vài năm trước cau lại bị như vậy. Từ nhà tôi, cơn đại dịch dần lan sang các gia đình khác trong làng", ông Tư buồn bã nói.
Vốn là gia đình có thâm niên trồng cau trong làng, ông Tư thực sự hoảng loạn trước việc cau non bị rụng. Ông bắt tay ngay vào việc truy tìm nguồn gốc của căn bệnh. Ông kiểm tra lại nguồn nước, phân bón và cách chăm sóc. Ông Tư bảo, cau là loài không trồng được đất lạ, cau mà gặp sương muối có thể lụi dần và chết. Nhưng tất cả các yếu tố đó đều không xuất hiện trong quá trình ông trồng. Nhiều gia đình nghi ngờ cau rụng non là do thoái hóa giống, nhưng khi thay đổi con giống rồi mà cau vẫn rụng như sung. Đến nỗi ông Tư đã thuê cả máy xúc về múc đất cải tạo đất trong vườn và mất vài năm trời để thử nghiệm, ươm trồng lứa cây cau mới để trồng. Cải tạo cả nguồn nước phục vụ tưới cau. Nhưng rồi cuối cùng cũng không thay đổi được tình hình.
Ông Tư cho hay: "Giờ thì tôi đã hết cách rồi, bao đời nay gia đình, làng xã chúng tôi đều chăm sóc cau như vậy, giờ bỗng nhiên cau sinh bệnh thì không biết do đâu. Chăm sóc cau cả năm đến lúc cau ra quả, chỉ cần một tàu lá bị vàng úa, thời gian sau cau non bị rụng. Nhiều lần thế tôi đã bất lực. Muốn giữ nghề truyền thống của gia đình, nhưng không được nữa. Tôi đành phá bỏ cau để trồng cây khác".
Những người dân nơi đây cũng như ông Tư, loay hoay mãi không tìm được hướng chữa bệnh cho cau, nhiều gia đình phá cau trồng chuối. "Phá bỏ cây cau, người dân buồn lắm. Nhưng khi mà nó không mang lại hiệu quả kinh tế, họ đành phải thay đổi cây trồng. Dân làng chúng tôi rất cần các nhà khoa học vào nghiên cứu tìm ra nguyên nhân, giúp làng chúng tôi giữ lại những vườn cau còn lại", ông Lung cho biết.
Ông Nguyễn Thành Lung, Trưởng làng Nhân Lý cho biết, cau trong làng giờ thất thế. |
Tỷ phú cau
Từ nghề trồng cau để kiếm sống, nhưng khi cây cau đang "chết dần", người dân chuyển sang nghề buôn cau nơi khác xuất khẩu sang Trung Quốc. Ông Lung chỉ vào những ngôi nhà cao tầng và bảo, đó là nhờ vào buôn cau, giờ là thời của dân buôn cau.
Ông Lung dẫn chúng tôi vào gia đình anh Hoàng Văn Sự, một trong những tỷ phú phất lên nhờ buôn cau. Tiếp chúng tôi trong căn nhà bề thế mới xây, anh Sự không giấu giếm được niềm vui, anh bảo, tất cả gia sản này đều nhờ vào cau mà có.
Anh Sự có 15 năm thâm niên trong nghề buôn cau, cũng là người buôn bán cau nhiều nhất trong làng. Hiện đang là mùa thu mua cau tươi, mỗi ngày anh đánh vài chuyến hàng, với hơn 30 tấn cau xuất sang cửa khẩu Móng Cái, Trung Quốc. Anh Sự thu mua cau của thương lái từ các xã khác là chủ yếu, cau Nhân Lý mỗi vụ giờ chỉ được vài tấn. Với giá nhập lại của các đầu nậu cau là 25.000đ/kg anh xuất cho các bạn hàng Trung Quốc là 80.000đ/kg. Vì thế mỗi chuyến buôn trừ chi phí, đi đường anh cũng lãi được trên dưới chục triệu đồng.
Mỗi ngày anh Sự xuất hàng vài chục tấn cau sang Trung Quốc. |
Theo anh Sự ở nước ta cau có nhiều nơi, nhưng cau Nhân Lý được các bạn hàng Trung Quốc rất thích mua, bởi cau ăn giòn và thơm. Cau sau khi xuất sang Trung Quốc được chế biến thành kẹo với giá hơn 100.000đ/kg. Dù biết giá trị của cau khi chế biến là rất lớn, mỗi lần xuất cau sang Trung Quốc anh Sự cũng tiếc lắm. Nhiều khi anh nghĩ nếu nước mình có thể chế biến cau thì tốt biết bao, tài nguyên của đất nước không bị "chảy máu".
Không chỉ xuất khẩu cau tươi, anh Sự còn mở nhiều lò sấy khô trên cả nước, tính từ Huế đổ ra phía Bắc ở tỉnh nào anh cũng mở lò sấy, sấy xong anh lại thuê xe tải chở về để xuất khẩu sang Trung Quốc. Anh thực hiện theo chính sách xoay vòng. Từ tháng 2 - 4, anh xuất cau tươi, còn những tháng trong năm anh thuê người sấy khô. Vì thế, trong tay anh có hàng trăm công nhân, làm việc quanh năm suốt tháng không hết việc. Trừ tiền chi phí xe cộ, tiền lương cho công nhân, mỗi năm anh Sự cũng thu nhập hàng tỷ đồng.
Anh Sự cho hay, 15 năm buôn bán cau có nhiều thăm trầm, có những lần gặp rủi ro khiến anh suýt phá sản. "Năm 2006, tôi thu mua 16 tấn cau từ các thương lái chở về, khi bạn hàng trả với giá 68 triệu đồng/tấn tôi không bán, rồi bất ngờ giá xuống thê thảm, cuối cùng tôi phải bán và chịu lỗ 1,6 tỷ đồng", anh Sự nhớ lại.