Anh Hoan 49 tuổi, là giám đốc một công ty ở Hà Nội. Anh được mọi người quý mến, vì nể không chỉ vì năng lực lãnh đạo, giúp anh em có thu nhập ngày một khá, mà còn vì tính rộng lượng và tình cảm, cách đối nhân xử thế đàng hoàng, chính trực. Bởi thế, khi thông tin Hoan thực chất là một kẻ bất hiếu được một số người thì thầm vào tai nhau, hầu như chẳng ai tin.
Người đầu tiên đưa ra tin này là cô thư ký của chính anh Hoan. Thực ra, cô chỉ kể với duy nhất người bạn gái thân trong công ty, nhưng không hiểu sao thông tin vẫn lan rộng. Chuyện là, hôm ấy họ tiếp đối tác tại nhà hàng, gần đến lúc về thì cậu lái xe của Hoan nhận được điện thoại của vợ cho biết con trai bị bỏng. Hoan bèn bảo cậu ta cứ chở con đi cấp cứu. Tan tiệc, cô thư ký chở anh về bằng xe máy. Xe dừng lại trước cổng nhà Hoan thì bố anh, một ông cụ cao gầy, tóc bạc trắng, đã đứng ở cổng từ bao giờ, trán tì vào song sắt như đang chờ đợi.
Thấy vị khách trẻ đẹp lễ phép chào mình, ông cụ bảo: “Cám ơn cô. Cô có thể cho tôi 10.000 đồng để mua xôi không? Tôi đói quá, từ sáng đến giờ chả có gì vào bụng”. Cô gái há hốc mồm, không hiểu gì, chưa biết nói sao thì ông cụ tiếp: “Tôi sinh mấy đứa con, đứa nào cũng thành đạt, nhưng toàn là đồ bất hiếu, bỏ đói bố mẹ già. Bà nhà tôi chết năm ngoái cũng vì đói đấy cô ạ”.
Anh Hoan đứng ngây như phỗng, vẻ mặt đau khổ và nhục nhã, khiến cô thư ký thấy ái ngại và khó xử, vội chào về. Sau đó mấy ngày, chuyện được truyền tai nhau trong công ty, nhưng chẳng ai tin, cho đến khoảng chục ngày sau.
Hôm đó, bố giám đốc Hoan xuất hiện ở công ty, xin gặp con trai. Trong lúc ngồi chờ gọi Hoan từ phòng họp ra, ông cụ bắt chuyện với mấy cô gái ở phòng lễ tân, rồi xin tiền để mua… dầu gió về bóp chân. “Tôi đau khắp mình mẩy các cô ạ, xin thằng con ít tiền mua dầu bóp cho đỡ đau mà nó chẳng cho. Khổ quá, có mấy nghìn chứ bao nhiêu”. Cô lễ tân sinh nghi, không biết đây có phải người giả mạo bố giám đốc? Chợt nhớ đến câu chuyện được truyền tai hôm nọ, cô bèn gọi điện cho thư ký sếp xuống nhận diện.
Cô thư ký xuống, thấy đúng là thân phụ của giám đốc. Ông già thấy cô, trách: “Cô đẹp mà tệ quá, không cho nổi già này mấy nghìn mua xôi. Hôm nay tôi không đói đâu. Cô xem này, dọc đường có người tốt bụng cho tôi nửa cái bánh mỳ đây, đủ ăn trưa rồi. Tôi chỉ xin các cô mấy nghìn mua dầu xoa bóp. Tôi định chờ xin thằng Hoan nhưng chắc nó chẳng cho tôi đâu”…
Khi giám đốc xuất hiện, anh thấy bố mình đang ngồi kể khổ, trên tay là một nắm tiền. Mọi người lỉnh ra, không ai dám nhìn anh.
Mọi chuyện chỉ sáng tỏ vào 2 tháng sau đó, khi mấy người trong công ty đến nhà giám đốc thăm anh ốm. Họ đến đúng lúc cả nhà đang ăn cơm, vợ Hoan đang ép bố chồng ăn thêm nhưng ông cụ gắt lên bảo “no vỡ bụng rồi, đừng nhồi nữa”, rồi về phòng. Thấy khách đến, Hoan ra bàn tiếp. Họ nói chuyện được chừng 15 phút thì bố Hoan lại xuất hiện, chìa tay về phía mấy vị khách: “Các cô chú cho tôi xin vài nghìn mua cái bánh bao được không? Mấy ngày nay chúng nó chả cho tôi ăn gì. Tôi sắp chết đói rồi”.
Thấy mấy nhân viên bàng hoàng nhìn mình, cái nhìn của sự lần đầu tiên thấu hiểu, kèm theo cảm giác có lỗi, Hoan bảo: “Cứ cho ông mấy nghìn đi”. Khi ông cụ rời đi, Hoan mới thở dài: “Bây giờ mọi người tận mắt chứng kiến tôi mới dám tâm sự. Lần trước ở công ty, tôi đành im lặng bởi sợ mọi người nghĩ thanh minh là thú tội. Ông cụ nhà tôi bị thế mấy năm rồi, gặp ai cũng kể khổ và xin tiền, xin ăn. Sểnh ra là cụ ra đường, ra chợ, ai có gì xin nấy”.
Nỗi khổ có bố mẹ già “trở tính”
Bị mang tiếng oan bất hiếu như anh Hoan là một trong nhiều nỗi khổ của những người có bố mẹ già lẫn cẫn. Gia đình ông Thực ở Hà Đông, Hà Nội, vẫn được coi là có phúc bởi mẹ già đã 92 tuổi mà còn rất khỏe, rất ít khi ốm đau, mỗi bữa ăn 3 bát cơm. Ông Thực cũng tự cảm thấy mình may mắn vì đã sắp đến tuổi cổ lai hy mà vẫn còn mẹ. Tuy nhiên, những người trong gia đình ông cũng không ít lần khốn đốn với bà cụ.
Ở cái tuổi cửu tuần, bà cụ như trở lại thời trẻ nít, không chỉ thích dỗi hờn, nũng nịu mà còn… ham chơi. Suốt ngày, cụ đòi đi chơi, nhưng con cái chỉ đủ khả năng đưa cụ đi mỗi hôm một vài lần. Thời gian còn lại, cụ ra sức năn nỉ con cháu mở cửa cho mình đi, sau đó lang thang khắp nhà tìm chìa khóa, tìm không được thì giật cổng, rồi ngồi phệt xuống khóc thút thít.
“Mỗi ngày khi tôi đưa mẹ ra ngoài chơi, cụ cứ xông vào nhà hàng xóm quấּy rốּi, làm phiền họ, hoặc chạy băng qua đường, rất nguy hiểm. Cụ đi chơi không biết mệt, rời mắt một tí là lỉnh mất. Tôi là con, ít tuổi hơn nhiều mà theo mẹ muốn đứt hơi. Phải tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ cụ mới chịu về. Những khi không thể đưa đi, tôi đành khóa cổng để mẹ trong nhà, không dám để cụ đi chơi một mình”, ông Thực chia sẻ.
Ấy thế mà nhiều lần, bằng cách nào đó, bà cụ trộm được chìa khóa “đào tẩu”, hoặc rình lúc có người mở cổng mà sơ ý để lỉnh ra ngoài. Không ít lần, “cuồng chân” quá, cụ còn trèo cổng để trốn đi chơi. “Giờ bảo một bà già ngoài 90 trèo cổng trốn ra ngoài chơi thì ai cũng bảo là bịa đặt, nhưng đó là sự thật. Có hôm tôi chứng kiến mẹ trèo ra đến phía ngoài, vội lấy chìa khóa mở cổng ra để đỡ, nhưng ra đến nơi thì mẹ đã xuống được rồi, chạy tít, sợ tôi bắt được”, ông Thực kể.
Cái thói trốn nhà đi chơi của bà cụ làm cả gia đình không ít phen náo loạn, vì tìm kiếm khắp nơi, mãi mới thấy. Đôi khi bà được hàng xóm dắt về. Có lần, sau gần một ngày trời tìm kiếm, họ mới thấy bà đang hý hửng ngồi xem trẻ con đánh giày ở cái quán cà phê gần Ngã Tư Sở.
Nhà anh Học ở Việt Trì, Phú Thọ lại có nỗi khổ khác. Bố anh, một vị sếp về hưu, sống cả cuộc đời mực thước, gần đây ở tuổi ngoài 80 bỗng trở chứng… dê xồm. Chuyện được nêu ra đầu tiên bởi chị giúp việc ngoài 40 tuổi. Một hôm chị đùng đùng bảo không làm nữa, bởi ông già quấּy rốּi tìnּh dụּc chị.
Nghe nói vậy, cả gia đình anh Học đùng đùng giận dữ. Họ cho rằng chị osin muốn tăng lương nên đặt điều cho ông già cái chuyện không thể có ấy, nên cho chị ta nghỉ luôn, thuê người khác, một phụ nữ 31 tuổi chưa chồng. Mới làm được mấy ngày, cô gái này hốt hoảng mách với vợ Học rằng “ông cứ toàn sờ mông em, đòi thơm em nữa”.
Vợ Học kể với chồng. Cả hai bán tín bán nghi. Chả nhẽ cả 2 ôsin đều tố cáo ông cùng một tội? Đang chưa hiểu nên tin hay không thì chính anh Học chứng kiến cảnh bố mình nhân lúc cô ôsin lau cửa kính, đã đến từ phía sau một tay ôm, một tay bóּp ngựּc cô ta, khiến cô hét toáng lên. Sau khi cô gái bỏ việc, anh chị không dám thuê người giúp nữa.
Tưởng thế là yên, ai ngờ có lần con trai anh đưa bạn gái cùng lớp đại học đến nhà chơi. Cô gái chào ông rất lễ phép. Ông già mỉm cười bảo: “Em xinh quá, ngực to đẹp quá, cho tôi ôm một cái nhé?”. Cô gái đỏ mặt tía tai, chực khóc. Bị mọi người mắng, ông cụ ngạc nhiên bảo: “Đẹp thì tôi bảo đẹp, mọi người mắt mũi làm sao mà không thấy đẹp? Ôm một cái thì có sao đâu?”. Từ đó về sau, gia đình anh Học không bao giờ còn dám mời khách nữ về nhà.
“Thằng con tôi bảo ông già rồi còn dâm ô bệnh hoạn, rằng hồi trẻ ông đạo đức giả, giờ mới lòi đuôi ra, nhưng tôi không nghĩ thế. Đó chỉ là một hệ lụy của tuổi già. Tuy có phiền, nhưng vợ chồng tôi không bao giờ oán giận cụ”, anh Học tâm sự.
“Mình từ bé đến lúc thanh niên gây bao nhiêu chuyện, bố mẹ phải gánh đỡ hết mà có bớt yêu thương, lo lắng cho mình chút nào đâu, giờ mình lẽ nào vì những hành vi do tuổi già lẫn cẫn mà phán xét cụ? Bố mẹ khổ vì mình cả đời, giờ mới làm phiền mình một chút đó, nếu cứ than thân hoặc bỏ mặc cụ thì còn gì là đạo làm con!”.