Gemineds có nhiều sao băng rất sáng
Theo Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA). khác với hầu hết các trận mưa sao băng khác có nguồn gốc từ các sao chổi, Geminids là mưa sao băng xuất phát từ những mảnh vụn của một tiểu hành tinh có tên là 3200 Phaethon. Đây là một tiểu hành tinh nhỏ có đường kính khoảng 5 km và chuyển động quanh Mặt Trời trên quỹ đạo có chu kỳ 1,4 năm.
Những mảnh vụn của tiểu hành tinh này để lại trên đường đi của nó khi tới gần Mặt Trời là rất nhiều thiên thạch nhỏ. Hàng năm, khi Trái Đất của chúng ta đi qua khu vực quỹ đạo bị cắt ngang bởi dòng thiên thạch này, các thiên thạch đi vào khi quyển Trái Đất với vận tốc hơn 100.000 km/h và cháy sáng trên tầng cao khí quyển, tạo thành những vệt sao băng mà chúng ta có thể quan sát được từ mặt đất.
Geminids không chỉ được chú ý bởi lượng sao băng nhiều mà còn bởi thường có nhiều sao băng rất sáng.
Để quan sát trận mưa sao băng này, bạn cần xác định được khu vực trung tâm của nó. Đó là chòm sao Gemini, hay chính xác hơn là khu vực lân cận sao Castor - ngôi sao sáng thứ hai của chòm sao này.
Vào những đêm tháng 12 này, bạn có thể thấy chòm sao Gemini mọc lên từ khoảng 20h (8h tối) ở hướng Đông và lên rất cao vào giữa đêm trước khi dịch chuyển dần về chân trời phía Tây. Điều đó có nghĩa là mưa sao băng có thể được quan sát trong cả đêm. Mặc dù vậy, thời điểm lý tưởng hơn vẫn là sau nửa đêm.
Nếu không bị ô nhiễm bởi khói, bụi và ánh sáng cũng như trời không nhiều mây, bạn sẽ dễ dàng tìm thấy vị trí của chòm sao Gemini này qua hai sao sáng nhất của nó là Pollux và Castor. Pollux - ngôi sao sáng nhất của chòm sao này dễ được nhận ra không chỉ vì độ sáng của nó mà còn bởi nó là một trong số 6 ngôi sao tạo thành Lục giác mùa đông.
Khả năng xuất hiện mưa sao băng rơi đầy trời như tuyết?
Hội Thiên văn Hà Nội (HAS) cho biết, bão sao băng năm 1833 từng xuất hiện rơi đầy trời như tuyết. Đây được coi là một trong những trận mưa sao băng tráng lệ nhất từng được ghi nhận. Nhiều báo cáo mô tả rằng, các vệt sao băng xuất hiện "dày như tuyết rơi trong một trận bão tuyết". Người ta ước tính có tới 20 sao băng bay ngang bầu trời mỗi giây.
Đó là một đêm tháng 11 với hơn 100.000 vệt sao băng dường như xuất phát từ một vị trí trong chòm sao Leo (Sư tử). Trước đây, các nhà thiên văn học coi sao băng là một hiện tượng quá tầm thường để chúng ta tập trung nghiên cứu nghiêm túc. Với màn trình diễn tuyệt vời này, ngành thiên văn học nghiên cứu về sao băng đã chính thức được mở ra.
"Bạn có thể cảm nhận đôi chút về bão sao băng 1833 bằng cách bước ra bầu trời vào tối nay và quan sát mưa sao băng Geminids đang trong thời gian cực điểm. Năm nay, ánh Trăng sáng sẽ cản trở ít nhiều tới buổi quan sát của bạn. Mặc dù thế, với khoảng 120 - 150 vệt sao băng lướt qua bầu trời vẫn khiến Geminids là một trận mưa sao băng mà bạn không thể bỏ lỡ", HAS cho biết.