Lần đầu tiên phát hiện hành tinh lạ có “mặt trăng lửa”

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà khoa học NASA vừa phát hiện ra những dấu hiệu chưa từng thấy xung quanh một hành tinh cách chúng ta 635 năm ánh sáng.
Lần đầu tiên phát hiện hành tinh lạ có “mặt trăng lửa”
Hành tinh WASP-49 b (trái) và một mặt trăng lửa nằm giữa nó và ngôi sao mẹ - Ảnh đồ họa: NASA/JPL-Caltech

Nhóm khoa học gia từ Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực (JPL) của NASA đã tìm thấy dấu hiệu của một đám mây natri bí ẩn trong vùng lân cận của WASP-49 b - một hành tinh khí khổng lồ quay quanh ngôi sao cách Trái Đất tận 635 năm ánh sáng.

Đám mây thú vị này có thể đã giúp họ tìm ra mặt trăng núi lửa đầu tiên ngoài hệ Mặt Trời.

Đám mây trôi trên bầu trời của một hành tinh có vẻ là điều bình thường nhưng đám mây của WASP-49 b lại kỳ lạ cả về vị trí lẫn thành phần.

Khi quan sát bằng kính viễn vọng Very Large của Đài quan sát Nam Âu (ESO) tại Chile, nhóm nghiên cứu JPL/NASA phát hiện đám mây xung quanh WASP-49 b nằm cao hơn bầu khí quyển của hành tinh này.

Ngoài ra, hàm lượng natri cao của đám mây và những thay đổi đột ngột về kích thước càng chỉ ra rằng nó đến từ một thiên thể khác.

Cả WASP-49 b và ngôi sao của nó đều chủ yếu bao gồm hydro và heli, chỉ có một lượng nhỏ natri. Trong khi đó, đám mây dường như đến từ một nguồn sản xuất khoảng 100.000 kg natri mỗi giây.

Trong hai lần riêng biệt, các nhà nghiên cứu cũng quan sát thấy sự gia tăng đột ngột về kích thước của đám mây khi nó không ở cạnh hành tinh, nghĩa là nó đang được tiếp nhiên liệu từ một nguồn khác.

Đám mây dường như cũng di chuyển nhanh hơn hành tinh, cho thấy thứ tạo ra nó dường như di chuyển độc lập và nhanh hơn WASP-49 b.

Một bằng chứng khác cho thấy đám mây này độc lập với WASP-49 b là nó không phù hợp với chu kỳ quỹ đạo 2,8 ngày của hành tinh này.

Sử dụng các mô hình máy tính, các nhà nghiên cứu cho thấy sự hiện diện của một mặt trăng ngoài hệ Mặt Trời với quỹ đạo 8 giờ quanh hành tinh này có thể giải thích cho sự bất thường của đám mây.

Và mặt trăng này là một phiên bản ngoài hệ Mặt Trời của mặt trăng Io.

Io là tên một trong 4 mặt trăng lớn của Sao Mộc, thường được gọi là "mặt trăng núi lửa" bởi có hàng trăm ngọn núi lửa đang hoạt động.

Nhờ có Io, chúng ta biết rằng kiểu mặt trăng "địa ngục" như thế có thể tồn tại và có thể sinh ra các đám mây kỳ quặc như những gì đang bay quanh WASP-49 b.

Các nhà khoa học NASA cho biết họ vẫn đang tìm thêm một số dấu hiệu xác thực hơn về sự tồn tại của mặt trăng núi lửa này, cũng như cách để có thể quan sát nó cụ thể hơn.

Nếu được xác nhận, đây sẽ là một khám phá phi thường bởi việc quan sát được một vật thể nhỏ như mặt trăng ở một nơi quá xa xôi như vậy là điều cực kỳ hiếm có.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật