Ngày chúng tôi cưới nhau, bố mẹ không cho chỉ vàng nào, thậm chí cưới xong phải lo trả toàn bộ tiền chi phí cho bữa tiệc.
Lúc đó, tôi cho là đám cưới của bản thân, bố mẹ khó khăn, không có tiền thì chúng tôi bỏ ra là chuyện bình thường và vui vẻ không có vấn đề gì xảy ra. Nhưng một tháng sau đó, tôi thấy đi ngân hàng rút 500 triệu về mua xe ô tô tải cho em trai chở hàng thì mới biết ông bà không nghèo như tôi nghĩ.
Khi tôi đang bầu bì, tiền không có, mẹ chồng nhắc chúng tôi ra ở riêng để em út lấy vợ. Năm đó, chú út cũng 30 tuổi, lấy được vợ là cả nhà mừng lắm, dù muốn ở lại chúng tôi cũng không thể, phải ra ngoài nhường lại phòng cho dâu mới.
Ngày chú út cưới, chúng tôi rất ngạc nhiên khi bố mẹ cùng lên trao 3 cây vàng cho con dâu. Sau cưới, chồng tôi trách vấn mẹ thì bà nói:
“Mẹ làm gì có tiền mà mua vàng, vàng đó là của Toàn (tên em trai chồng) làm ra rồi đưa cho mẹ giữ và ngày cưới mang lên trao cho đẹp mặt nhà trai”.
Khi chồng tôi chất vấn về khoản tiền 500 triệu bà rút ngân hàng đưa cho chú Toàn mua xe thì bà cũng nói là tiền của chú ấy kiếm được và gửi bố mẹ giữ giúp. Lời mẹ chồng nói thật giả lẫn lộn, không biết đâu mà lần.
Bố mẹ tôi thương hoàn cảnh con gái khó khăn, nếu không được hỗ trợ có lẽ cả đời này sẽ phải ở trọ. Thế là ông bà quyết định cho chúng tôi một suất đất. Khi vợ chồng tôi có đất thì vay tiền anh em bên ngoại và bạn bè mỗi người một ít rồi xây được ngôi nhà nhỏ.
Chúng tôi lên nhà mới được vài tháng thì mới biết tin ông bà nội cho vợ chồng chú Toàn hết mảnh đất 300m2. Khi biết được chuyện, chồng tôi giận lắm và về trách bố mẹ luôn đối xử thiên vị, cùng là con mà lúc nào nhường cái tốt đẹp cho con út, hắt hủi con trưởng.
Bố chồng bảo:
“Anh chị đã có mảnh đất của nhà ngoại cho, cần gì đất nữa mà về tranh chấp với em út. Đất là của chúng tôi, con nào đối xử tử tế thì sẽ sống cùng và cho đất đứa đó”.
Chồng bảo bố mẹ luôn bênh vực bảo vệ con út, sau này ông bà về già thì đi hỏi con út, đừng tới nhờ cậy anh. Khi ấy, bố chồng cũng phũ phàng bảo không cần vợ chồng tôi lo.
Sau vụ đấy, chồng tôi và bố mẹ chồng gần như không nhìn mặt nhau nữa. Tuy 2 nhà cách nhau có 10 cây số nhưng chỉ có ngày bố chồng mất vì ốm nặng thì anh mới về thắp hương. Còn tôi có về thăm nom bố mẹ chồng thì anh mắng mỏ, quyết liệt can ngăn.
Thực ra, bố mẹ chồng đối xử tệ bạc, tôi cũng không ưa gì. Tuy nhiên vì muốn làm tròn chữ hiếu, không muốn con cái bị ảnh hưởng bởi những tính xấu từ người lớn nên dù chồng nói thế nào đi nữa thì những ngày lễ Tết hay có giỗ, tôi vẫn đưa con về nội.
Chồng tôi bảo bố mẹ luôn bênh vực bảo vệ con út, sau này ông bà về già anh sẽ bỏ mặc, không đoái hoài quan tâm. (Ảnh minh họa)
Chủ nhật vừa rồi, lúc đó tôi ở trong bếp thì nghe thấy chồng nói chuyện với ai ở phía ngoài nên ra xem. Đó là mẹ chồng. Lâu lắm rồi bà mới đến nhà, vậy mà chồng tôi không mời vào mà lại chặn ở cửa, không cho vào.
Thái độ của chồng khiến tôi không thể chấp nhận. Tôi hỏi chồng, mẹ đến có việc gì, sao đột nhiên đến nhà với chiếc túi to đùng thì anh bảo:
“Cưng chiều cho lắm vào, vợ chồng Toàn bỏ nhau rồi, nhà cũng bị người ta tịch thu vì nợ nần nhiều. Bây giờ không có chỗ nào ở nên phải mò đến nhà con cả”.
Tôi trách chồng:
“Phải đến bước đường cùng mẹ mới tìm đến nhà mình, vậy mà anh lại đuổi đi. Anh làm thế là bất hiếu đấy. Dù mọi người đối xử bạc với anh bao nhiêu đi nữa, anh vẫn phải đối đãi tốt, vì họ là người sinh thành ra anh, là người thân ruột thịt của anh đấy. Chẳng may con cái nhìn thấy bà lang thang trên đường, bọn chúng cho rằng bố mẹ tệ bạc với bà và sẽ có ác cảm thì sao? Chẳng nhẽ sau này anh cũng muốn con học theo anh à?"
Những lời nói của tôi làm chồng tỉnh táo lại và đón mẹ vào nhà. Thời gian đầu khi mới sống chung, anh vẫn mặt nặng mày nhẹ với mẹ, nhưng đến nay sau 3 tháng, mối quan hệ giữa hai người đã khác hẳn. Thỉnh thoảng nhìn thấy 2 mẹ con anh ấy nói chuyện với nhau, tôi thấy nhẹ lòng hẳn và thầm vui trong lòng.