Tin liên quan
Lính trẻ ra hiện trường
Thiếu úy Nguyễn Thành Đạt (sinh năm 2000) dẫn con chó O Ly đi vòng qua bãi sạt cùng đồng đội của mình đang đưa chó ra hiện trường là dòng suối cạn ở thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên). Con chó Da Da, O Lít, La Du, A Tơn không phóng qua dòng nước chảy róc rách mà cứ lội bì bõm, ánh mắt hướng thẳng về phía trước. Thiếu úy Đạt quê ở huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, là “lính mới” và lần đầu tiên đưa chó nghiệp vụ tham gia tìm kiếm cùng đồng đội. Ở hướng tìm kiếm tại thôn Nậm Tông (xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà), phần lớn là lính trẻ mang quân hàm Thiếu úy như Đỗ Văn Nghĩa, Hù A Chức, Hồ Văn Nguồn, Hồ Chính Đạt. Một số lính trẻ là người đồng bào vùng cao đã quen với địa hình, thời tiết, khí hậu, vì vậy, dù trải qua những giây phút nguy hiểm nhưng anh em vẫn bình tĩnh thực hiện nhiệm vụ.
Trong 2 ngày 18 và 19/9, mưa đã ngớt đổ xuống thôn Làng Nủ, vì vậy, dòng suối đã thu hẹp lại và âm thanh xào xạc của nước đã bớt vang lên. Sau cơn lũ quét, tiếng nước trở thành nỗi ám ảnh rất lớn của người dân. Lực lượng tham gia tìm kiếm trên dòng suối cạn đều được quán triệt: “Hết sức chú ý, bùn vẫn có thể bất ngờ ập xuống. Khi nghe kẻng báo động, lập tức lao ngay lên bờ”. Tôi háy mắt với con O Lít, do Thiếu úy Vàng Văn Thái (dân tộc Thái) điều khiển, nó lập tức tỏ vẻ thân thiện, hít hít vào không khí, sau đó tiếp tục đi phăm phăm về phía chân núi Con Voi.
Dưới ánh mặt trời, dòng suối cạn trông có vẻ vô hại, nhưng huấn luyện viên và chó nghiệp vụ phải đi đúng vệt nước chảy. Có khi một bàn chân đặt lệch ra khỏi đường đi thì bùn lầy lập tức ngập lút tới đầu gối và phải dừng lại để rút chân lên. Con O Ly có vẻ khá nhanh nhẹn, khi bước chân của nó đặt xuống bãi đất có vẻ mềm lũn, nó rút nhanh ra và đặt sang vị trí khác rồi tiếp tục tiến nhanh về phía trước.
Trong lều trại Nậm Tông
Nếu ở điểm sạt lở thôn Làng Nủ, lực lượng quân đội được đồng bào dân tộc Tày cho mượn nhà để làm nơi trú quân thì ở Nậm Tông lại ngược lại. Phân đội gồm 8 cán bộ cùng 5 chó nghiệp vụ đi dọc theo con sông ròng rã nhiều giờ đồng hồ để tiếp cận thực địa. Con đường nằm sát mé sông càng hiện rõ sự tàn phá của thiên nhiên và con người trở nên vô cùng nhỏ bé. Thiếu úy Đỗ Văn Nghĩa là người vùng cao nên dắt con chó Tuni Sia chui qua các bãi sình lầy, cây đổ, bùn đất văng đầy. Thượng tá Dương Văn Trường, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng, trưởng đoàn vừa đi vừa quan sát đất đá, sườn núi, bờ sông để cùng anh em cảnh báo tình hình.
hiện trường ở Nậm Tông, bùn lầy từ trên cao tụt xuống vùi lấp ngôi làng có 15 hộ, 80 nhân khẩu. Vụ sạt lở đã vùi lấp hoàn toàn 8 nhà khiến 5 người chết, 13 người mất tích và 11 người bị thương. Trong thời điểm trên, tại thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu cũng xảy ra vụ sạt lở đất làm 3 người mất tích, 3 người bị thương, lũ cuốn trôi hoàn toàn 7 ngôi nhà.
Thiếu úy Nguyễn Thành Đạt động viên con chó O Ly. Ảnh: Văn Chương
Nguy cơ đối với lực lượng tìm kiếm tại địa điểm này là có một hồ nước khoảng 2.000m2 tiếp tục bị rò nước, nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào. Đội quân khuyển suốt ngày bám hiện trường trong bùn lầy dính bết. Những ngày trời nắng, 11 cán bộ, huấn luyện viên ăn bữa cơm trong ngôi nhà bạt nóng bức. Những ngày mưa đổ, không khí ẩm ướt bốc lên từ mặt đất, quần áo ai cũng bê bết bùn, đất.
Hàng ngày, Thượng úy Nguyễn Tuấn Anh dắt con chó Jun Ka lội bùn đất bì bõm, đêm xuống thì nỗi lo lớn nhất là tiếp tục xảy ra sạt lở. Thượng tá Dương Văn Trường cho biết, dù khó khăn, gian khổ, nhưng anh em vẫn cố gắng cùng các lực lượng tìm kiếm và xác định 14 nạn nhân thiệt mạng. Anh Phàn Văn Mành, dân quân địa phương hàng ngày tham gia tìm kiếm cùng BĐBP. Anh cho biết: “Đội chó nghiệp vụ BĐBP đến và tìm giúp, cứ chỗ nào chó kêu ra hiệu thì BĐBP cắm cờ, sau đó, 3-4 chiếc xe xúc vào đào bới, nhờ đó, đã tìm được nhiều nạn nhân”.
Nhớ lại những giây phút đầu tiên hạ trại và đứng trước đống sạt lở, anh em trong đoàn công tác cho biết, có rất nhiều tình huống phát sinh, đó là nhà bạt nhưng đặt trên nền đất bùn thì làm sao có chỗ nằm nghỉ, rồi lương thực hàng ngày, nước sạch sử dụng... Nhưng qua đó cũng thấy được các đoàn từ thiện đã hỗ trợ rất đắc lực cho lực lượng tìm kiếm, đoàn No Name từ thành phố Hồ Chí Minh ra từ rất sớm cũng đồng hành tìm dấu vết nạn nhân mất tích, nhiều nhà hảo tâm như anh Nguyễn Hồng Lam ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng đã cùng bà con chở hàng cứu trợ ra tận nơi.
Nắng, mưa khắc nghiệt
So với Nâm Tông, địa hình ở thôn Làng Nủ luôn tiềm ẩn nguy cơ cao, đã 2 lần tiếng kẻng báo động vang lên giống như báo động thời chiến tranh khiến người dân rầm rập chạy lên các điểm cao để tránh bùn đất tiếp tục sạt lở. Sau những ngày mưa, cuộc tìm kiếm vào sáng ngày 19/9 là thời điểm thuận lợi nhất, vì trời nắng ráo. Những con chó Da Da, O Lít, La Du, A Tơn... suốt ngày ngập trong bùn lầy, trong đó, có 2 con từng tham gia tìm kiếm các nạn nhân mất tích ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2023 và phần lớn huấn luyện viên là người có nhiều kinh nghiệm. Ngày 17/9 là một ngày khắc nghiệt, vì trong đêm có mưa rất to. Buổi sáng tinh mơ, cả núi rừng ở thôn Làng Nủ vẫn như người ốm sụt sùi vừa qua cơn sốt – đó là âm thanh của nước suối réo vang, tiếng người lao xao trên đường và tiếp tục nhắc đến nguy cơ sẽ có lũ quét vì mưa quá to.
Sư đoàn 316, Quân khu 2 huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ; BĐBP Lào Cai cử hơn 20 lượt cán bộ, chiến sĩ và Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã cử 3 phân đội gồm 27 đồng chí và 13 chó nghiệp vụ trực tiếp tham gia tìm kiếm cứu nạn.
Mỗi ngày rất dài trôi qua, kết quả, lực lượng tìm kiếm đã khoanh vùng 38 vị trí nghi vấn, trực tiếp và phối hợp với các lực lượng tìm kiếm được 13 thi thể nạn nhân, 4 bộ phận thi thể người. Đại tá Nguyễn Quang Thuyên, Hiệu trưởng Trường Trung cấp 24 Biên phòng đã lên tận hiện trường thăm hỏi đồng bào, đôn đốc công tác tìm kiếm và quán triệt: “Dù hy sinh, dù gian khổ, tất cả các đồng chí đều phải cố gắng, quyết tâm cao, hết lòng vì nhân dân phục vụ”.