Đảng Cộng hòa của Mỹ thay đổi chiến lược

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Việc chiều ý ông Donald Trump trong nỗ lực siết chặt quy định bỏ phiếu có thể khiến đảng Cộng hòa gặp khó trong cuộc khủng hoảng ngân sách chính phủ trước thềm bầu cử.
Đảng Cộng hòa của Mỹ thay đổi chiến lược
Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, đảng viên Cộng hòa. Ảnh: MSNBC.

Đảng Cộng hòa tại Hạ viện đang thay đổi chiến lược để tránh việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.

Cụ thể, các hạ nghị sĩ đảng này hiện nhắm đến dự luật chi tiêu tạm thời trong 3 tháng thay vì gia hạn ngân sách 6 tháng, đồng thời loại bỏ điều kiện về quy định bỏ phiếu khỏi dự thảo này.

Dự thảo không được thông qua

Các nhà hoạch định ngân sách hàng đầu đã khởi động một số cuộc đàm phán lưỡng đảng tại cả Thượng viện lẫn Hạ viện. Các nhà lập pháp cũng kỳ vọng nghị quyết tiếp tục (CR) sẽ kéo dài ngân sách chính phủ đến tháng 12.

“Chúng tôi hướng tới mục tiêu đơn giản thôi, đạt được CR một cách gọn gàng nhất có thể, đính kèm những điều kiện mà cả hai phía đều đồng thuận”, Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Tom Cole nói.

Thời điểm công bố dự luật vẫn chưa được xác định. Các nhà đàm phán cần làm rõ chi tiết xoay quanh các điểm thu chi bất thường và liệu Quốc hội có sử dụng gói viện trợ khẩn cấp cho thiên tai trong dự thảo lần này hay không.

Một số nguồn tin từ Quốc hội cho rằng Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson và các đồng minh của ông trong Ủy ban Ngân sách Hạ viện sẽ công bố CR vào ngày 22/9 (giờ địa phương).

Nếu CR được công bố vào khoảng thời gian nói trên, các nhà lập pháp của Hạ viện sẽ có đủ thời gian để cân nhắc và bỏ phiếu vào ngày 24 hoặc 25/9.

Cựu Tổng thống Donald Trump đã cố đính kèm điều kiện hạn chế đối tượng bỏ phiếu vào dự thảo ngân sách chính phủ. Ảnh: New York Times.

Trả lời báo giới, ông Johnson cho biết bản thân chưa đưa ra bất kỳ quyết định nào về quy mô và hình thức của dự thảo sắp tới.

Chủ tịch Hạ viện bảo vệ nỗ lực thông qua dự thảo thu chi 6 tháng kết hợp với điều kiện về quy định bỏ phiếu do ông Trump đề xuất, vốn đã bị bác bỏ hôm 18/9, nhưng thừa nhận đã đến lúc cần phải thay đổi hướng đi.

“Hai mục tiêu mà chúng tôi hướng đến là duy trì quỹ chính phủ và đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành”, ông Johnson nói. “Tôi thất vọng khi cuộc bỏ phiếu hôm 18/9 đã bác bỏ dự thảo đó, giờ chúng tôi phải quay lại với lối đi được thảo sẵn trong sách giáo khoa thôi”.

“Chúng tôi có nhiều ý tưởng, các nhà lập pháp đang thảo luận một cách sâu sắc nhưng tôi chưa đưa ra quyết định cuối cùng, chúng tôi vẫn còn nhiều thời gian”, ông Johnson nói thêm.

“Chủ tịch Hạ viện đã cố gắng để tận dụng tối đa đòn bẩy, nhưng một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa đã tham gia cùng đảng Dân chủ và phá hủy nỗ lực ấy”, Hạ nghị sĩ Mario Díaz-Balart nói.

Đảng viên Dân chủ và Cộng hòa ở lưỡng viện đều dự đoán cuộc khủng hoảng ngân sách sẽ dẫn đến một giải pháp CR “gọn gàng” giúp duy trì ngân sách chính phủ đến tháng 12.

Đảng Dân chủ, và thậm chí cả một số đảng viên Cộng hòa, cho biết họ sẽ không ủng hộ một giải pháp ngân sách tạm thời kéo dài đến năm 2025, bao gồm dự luật về định danh cử tri được gọi là Đạo luật Bảo vệ Quyền bầu cử của người Mỹ (SAVE).

Tuy nhiên, dự thảo hiện tại, nếu được thông qua và triển khai, khả năng cao sẽ khiến ông Johnson gặp rắc rối với một bộ phận đảng viên cứng rắn của phe bảo thủ, trong đó có ông Trump, vốn đã thúc giục các nhà lập pháp Cộng hòa bỏ phiếu chống lại bất kỳ biện pháp chi tiêu nào không bao gồm Đạo luật SAVE.

Một nguồn tin giấu tên nói với The Hill rằng ông Johnson đã thảo luận với ông Trump về cuộc khủng hoảng ngân sách chính phủ.

Nỗ lực lưỡng đảng

Sự thay đổi trong hướng đi của ông Johnson nhiều khả năng sẽ nhận được sự ủng hộ từ Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer.

“Nhiều đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện đủ thông minh để hiểu rằng nếu chính phủ phải đóng cửa thì trách nhiệm sẽ thuộc về đảng của họ”, ông Schumer nói. “Họ nhận ra rằng trên phương diện lập pháp, ông Trump chả biết gì”.

Lãnh đạo phe đa số Thượng viện Chuck Schumer. Ảnh: The Hill.

Các thượng nghị sĩ cho biết họ trông đợi phía Hạ viện sẽ thống nhất được một dự thảo vào ngày 25 hoặc 26/9 để Thượng viện có thời gian thảo luận và thông qua dự luật trước ngày 30/9, khi nguồn ngân sách chính phủ cạn kiệt.

“Hy vọng Hạ viện sẽ chuyển sang kế hoạch B và cho chúng tôi thứ gì đó để làm việc”, Whip John Thune, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đến từ South Dakota, nói. “Tôi nghĩ mọi người đều sẽ được lợi nếu Hạ viện hành động trước”.

Một phụ tá đảng Cộng hòa cho biết các nhà lập pháp hàng đầu, bao gồm ông Schumer và Lãnh đạo phe Thiểu số Thượng viện Mitch McConnell, đã dành cho ông Johnson “một sự tôn trọng nhất định” để quản lý những người bảo thủ trong hội nghị đảng Cộng hòa tại Hạ viện - những người đã yêu cầu một nghị quyết tiếp tục kéo dài 6 tháng kết hợp với Đạo luật SAVE.

Nhưng sau khi dự thảo nói trên không được Hạ viện thông qua hôm 18/9 với số phiếu 202-220, các phụ tá quốc hội cho biết họ mong đợi ông Johnson sẽ bắt đầu đàm phán nghiêm túc với ông Schumer.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 15534
  1. Bầu cử Mỹ 2024: Sự trở lại lịch sử của ông Trump
  2. Hành trình trở lại Nhà Trắng đầy thuyết phục của cựu Tổng thống Donald Trump
  3. Ông Donald Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Mỹ
  4. Kết quả bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump đang lội ngược dòng ngoạn mục ở Pennsylvania, thắng liên tiếp tại hai bang chiến địa
  5. Bầu cử Tổng thống Mỹ: Ông Donald Trump giành 90 phiếu đại cử tri
  6. Bầu cử Mỹ: Đã có kết quả kiểm phiếu đầu tiên, ông Trump và bà Harris hòa nhau
  7. Hôm nay diễn ra bầu cử Tổng thống Mỹ lần thứ 47
  8. Cuộc mít tinh cuối cùng của ông Trump trước giờ G
  9. Bầu cử Mỹ: Con đường nào dẫn đến chiến thắng cho bà Harris và ông Trump?
  10. Nóng bỏng 7 bang chiến trường trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ
  11. Hành trình đặc biệt của người có thể trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của nước Mỹ
  12. Ông Trump, bà Harris “giành giật” cử tri ở bang chiến trường trước giờ “G”
  13. Bầu cử Mỹ 2024: Ông Donald Trump bất ngờ bị điều tra?
  14. Bầu cử Mỹ tác động thế nào đến các điểm nóng thế giới?
  15. Chiến lược đặc biệt của bà Harris trong chặng nước rút trước Ngày bầu cử
  16. Cử tri Mỹ chọn ông Trump, máy bỏ phiếu ghi nhận cho bà Harris
  17. Những kịch bản không ngờ trong bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  18. Mỹ: Các bang chiến trường ráo riết siết an ninh, tránh kịch bản bất ổn 2020
  19. Bà Harris đưa ra thông điệp đối đầu gay gắt với ông Trump
  20. Bà Harris ra thông điệp cuối gần khu vực xảy ra bạo loạn Điện Capitol
  21. Bầu cử tổng thống Mỹ: Bà Harris bị ông Trump bám đuổi sát nút
  22. Bầu cử Mỹ 2024: Bà Harris bận rộn ở Pennsylvania, ông Trump về New York - “thành trì” Dân chủ
Video và Bài nổi bật