Nhìn lại cơn bão số 3 với những con số ám ảnh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bão số 3 có nhiều điểm dị thường như tăng cấp nhanh, thời gian duy trì siêu bão lâu, không giảm cấp theo quy luật thông thường, hoàn lưu bão cũng bất thường khi gây mưa rất lớn cho khu vực không nằm trong hoàn lưu bão.
Nhìn lại cơn bão số 3 với những con số ám ảnh
Bão số 3 tàn phá khủng khiếp miền Bắc, gây ra nhiều thiệt hại chưa thể thống kê hết. Ảnh: Tuấn Anh

Bão số 3 và hoàn lưu bão đều có những dị thường

Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia vừa có báo cáo Chính phủ về công tác dự báo cảnh báo, thông tin về bão, mưa, lũ lụt, sạt lở đất sau khi cơn bão số 3 tàn phá nhiều khu vực của nước ta.

Về diễn biến của bão số 3. Ngày 3/9, sau khi vào Biển Đông bão số 3 di chuyển chủ yếu theo hướng giữa Tây và Tây Tây Bắc, đến ngày 5/9 bão tăng 8 cấp trong 48 giờ (từ cấp 8 lên cấp 16, cấp siêu bão). Bão số 3 duy trì cấp siêu bão hơn 24 giờ trước khi đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc) và tối ngày 06/9.

Đêm 6/9, bão số 3 đi vào vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, cường độ bão giảm xuống cấp 14, giật cấp 17. Chiều ngày 7/9, bão số 3 đổ bộ vào khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng với cường độ cấp 10÷12, vùng gần tâm bão cấp 13÷14, giật cấp 16-17. Vào hồi 4h sáng ngày 8/9, bão số 3 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Tây Bắc Bộ.

Bão số 3 có nhiều điểm bất thường. Đây là cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực Biển Đông; Là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.

Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường: thông thường khi đi qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường yếu đi nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12÷13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài (12 giờ).

Từ 7h ngày 7/9 đến 7h0 ngày 12/9 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 250÷450mm, có nơi trên 550mm. Tại 83/84 trạm đo, lượng mưa cao hơn 4÷6 lần so với trung bình nhiều năm trong 10 ngày đầu tháng 9. Ví dụ: tại trạm Sa Pa (Lào Cai) ghi nhận 517mm, cao hơn 440%; Lục Yên (Yên Bái) 503mm, cao hơn 461%; Định Hóa (Thái Nguyên) 545mm, cao hơn 677%; Sơn Động (Bắc Giang) 386mm, cao hơn 488% so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Hoàn lưu bão số 3 cũng gây ra nhiều điểm bất thường. Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc bộ. Tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão.

Mưa rất lớn trên diện rộng (gồm nhiều tỉnh) thuộc lưu vực sông Thao, sông Chảy, sông Lô, sông Gâm với cường suất cao (trên 200 mm/ngày), kéo dài nhiều ngày sau khi bão tan; trong đó, có những khu vực xuất hiện lượng mưa trên 200 mm chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ (tại thành phố Yên Bái, đêm 9/9).

Thủy điện Thác Bà được vận hành đặc biệt

Ông Mai Văn Khiêm cho biết, do mưa lớn, từ ngày 08/9/2024 mực nước trên nhiều sông, suối ở Bắc Bộ lên nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Thao, sông Lô, sông Thương, sông Gâm, sông Thái Bình, vùng hạ lưu sông Hồng, sông Lục Nam, sông Hoàng Long... đều vượt báo động 3 (BĐ3), một số sông vượt BĐ3 từ 3÷4m.

Đặc biệt, lũ trên sông Thao tại Lào Cai, Yên Bái đã vượt đỉnh lũ lịch sử tồn tại 53 năm . Đỉnh lũ tại Yên Bái lên mức 35,73m (16h00 ngày 10/9/2024), trên mức BĐ3 3,73m và vượt mức lũ lịch sử năm 1968 là 1,31m.

Ngập úng khắp nơi do hoàn lưu bão gây mưa lớn.

Cùng với đó, lũ trên Hồ thủy điện Thác Bà cũng đạt mức lịch sử, đe dọa đến sự an toàn của đập. Cụ thể, hồ thủy điện Thác Bà được khảo sát, thiết kế từ năm 1959 - 1961, số liệu thủy văn đo đạc lưu lượng thời đó còn có hạn chế nên thiết kế đập tràn có khả năng xả lớn nhất chỉ 3.230m3/s. Trong khi, thực tế lưu lượng lớn nhất về hồ Thác Bà là 5.620m3/s vào lúc 9h00 ngày 10/9, vượt đỉnh lũ thiết kế 0,01% (5.100m3/s) và vượt xa khả năng xả lớn nhất đến 74%.

Theo quy trình vận hành, khi mực nước hồ Thác Bà lên mức 59,60m sẽ chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt để đảm bảo an toàn đập. Thực tế từ 17h00 ngày 10/9, mực nước hồ Thác Bà đã đạt mức 59,62m và chuyển sang chế độ vận hành đặc biệt, sau đó đạt mức cao nhất là 59,84m vào hồi 5h00 ngày 11/9. Theo lý thuyết mực nước kiểm tra của hồ Thác Bà là 61,0m và nếu mực nước thực tế đạt đến ngưỡng này sẽ phải thực hiện các phương án để đảm bảo an toàn đập.

Tại Hà Nội, mực nước sông Hồng cũng ghi nhận mực nước cao nhất trong 20 năm. Các sông thuộc lưu vực sông Hồng, Thái Bình - hệ thống sông lớn nhất miền Bắc cũng xảy ra lũ, ngập lụt trên quy mô rộng lớn với nhiều mức vượt ngưỡng cũng là điều hiếm thấy. Theo thống kê có 20/25 tỉnh, thành phía Bắc xảy ra tình trạng ngập lụt nghiêm trọng.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tổng kết, do mưa lớn nên sạt lở đất, lũ ống, lũ quét đã xảy ra ở nhiều địa phương gây thiệt hại rất nặng nề về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Một số khu vực đã xảy ra lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng, như tại các tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Quảng Ninh...

Đặc biệt là tại Thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người. Nguyên nhân chính là do khu vực miền núi phía Bắc trong 3 tháng qua đã có mưa rất nhiều, cao hơn 40-60% so với trung bình nhiều năm.

"Ở Lào Cai trong tháng 8 có đến 23/31 ngày mưa và ở Yên Bái là 21/31 ngày cũng là điều hiếm gặp. Hầu hết các khu vực, đất đã ngậm no nước, ở trạng bão hòa nên khi có đợt mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày với cường suất cao như vừa qua thì hiện tượng sạt lở đất đã xảy ra tại nhiều nơi. Lào Cai xảy ra lũ quét, mảng sạt lở quy mô lớn, Yên Bái có quy mô mảng sạt lở nhỏ hơn nhưng xảy ra ở nhiều nơi (riêng tại thành phố Yên Bái đã thống kê được trên 1000 điểm sạt lở đất)", ông Mai Văn Khiêm cho biết.

Khoanh vùng chi tiết các điểm nguy cơ sạt lở để cảnh báo

Để phòng ngừa hậu quả mưa bão, thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường để xuất tổ chức các đợt điều tra, khảo sát, tình hình ngập lụt và tại các vị trí đã và đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo.

Rà soát tổng thể, điều chỉnh các quy trình liên hồ chứa các hồ chứa trên cơ sở cập nhật, tính toán, xem xét đầy đủ, toàn diện các tính huống bất thường, khẩn cấp, kịch bản biến đổi khí hậu,… khi đủ điều kiện thì điều chỉnh Quy trình vận hành theo hướng thời gian thực.

Nghiên cứu, đề xuất phương án sử dụng một phần dung tích phòng lũ trên mực nước dâng bình thường của hồ chứa lớn, quan trọng để nâng cao khả năng cắt, giảm lũ cho hạ du khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, bất thường (quy định tại Khoản 8 Điều 50 Luật Tài nguyên nước năm 2023).

Thời tiết Bắc Bộ trong những ngày tới, chuyên gia cho biết hiện nay đang có cơn bão Bebinca đang hoạt động ở Tây Bắc Thái Bình Dương, dự báo sẽ đổ bộ vào khu vực phía Đông Trung Quốc, không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Trên Biển Đông hiện đang tồn tại dải hội tụ nhiệt đới (rãnh áp thấp) kết hợp gió mùa Tây nam mạnh sẽ gây mưa cho khu vực Tây Nguyên, Nam Bộ đến ngày 26/9 lượng mưa phổ biến 40÷80mm, thời gian mưa tập trung vào chiều và đêm. Hình thái mưa này không ảnh hưởng lớn đến Bắc Bộ.

Dự báo thời tiết Bắc Bộ trong 7 ngày tới chủ yếu ít mưa, ngày nắng gián đoạn. Riêng giai đoạn từ đêm 15 đến ngày 17/9/2024, khu vực Bắc Bộ trong đó trọng tâm là các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Quảng Ninh và Hải Phòng có mưa vừa, lượng mưa phổ biến 10÷30mm/ngày, cục bộ có mưa to trên 50mm/ngày.

Nguồn Tin:
Tin liên quan: id: 15537
  1. Hàng triệu con gà, lợn chết la liệt, nông dân khóc nghẹn vì tài sản mất trắng
  2. Bão số 3 gây thiệt hại khoảng 40.000 tỉ đồng, GDP 2024 có thể giảm 0,15%
  3. Bộ Giao thông Vận tải thông tin về khắc phục thiệt hại do ảnh hưởng bão số 3
  4. Gần 140.000 nhà bị hư hỏng, hơn 130.000 người phải sơ tán do bão, lũ và sạt lở đất
  5. Trấn Thành và sao Việt ủng hộ hàng tỉ đồng hướng về miền Bắc
  6. Điều chưa biết về GS.TS miền Nam vừa gửi sổ tiết kiệm 1 tỷ đồng ủng hộ vùng bão lũ miền Bắc
  7. 98 người chết và mất tích, 746 người bị thương do bão lũ; thiệt hại kinh tế vô cùng nặng nề
  8. Những hình ảnh đẹp về Công an Hà Nội tập trung hỗ trợ nhân dân khắc phục cơn bão số 3
  9. Tang thương bao trùm ngôi nhà của Thượng uý hy sinh khi phòng chống bão Yagi
  10. Bão Yagi: Sự tàn phá khủng khiếp nhất 30 năm ở phía Bắc
  11. Đồ Sơn tan hoang sau cơn bão
  12. Đường phố Hà Nội tan hoang sau siêu bão Yagi
  13. Toàn cảnh hoang tàn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sau bão số 3
  14. Bão Yagi đã làm 14 người chết, 176 người bị thương
  15. Hà Nội đã có một đêm “vật lộn” kinh hoàng với bão số 3
  16. Thiệt hại do bão Yagi ở Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa phương
  17. Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh - Hải Phòng
  18. Bão Yagi quật đắm thuyền, ngư dân vật lộn với sóng dữ ở Quảng Ninh
  19. Bão số 3: Từ 15-19 giờ ngày 7/9, Thủ đô Hà Nội khả năng có gió giật cấp 9-10
  20. Bão số 3 áp sát đất liền Quảng Ninh - Hải Phòng, Đông Bắc Bộ mưa dồn dập tới tối
  21. Quảng Ninh mưa lớn, gió giật mạnh, hàng quán đóng cửa ứng phó bão Yagi
Video và Bài nổi bật