Ấn tượng từ triển lãm tranh “Cấu trúc” của họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau nhiều năm gắn bó sơn mài với các giải thưởng danh tiếng trong nước và quốc tế, họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng đã gây bất ngờ với công chúng khi giới thiệu loạt tác phẩm sơn dầu trừu tượng tại Triển lãm tranh ’Cấu trúc’ tại phòng trưng bày Art Space- số 42- Yết Kiêu (Hà Nội) do Lunet Art thực hiện, khai mạc chiều 20/8.
Ấn tượng từ triển lãm tranh “Cấu trúc” của họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng
Triển lãm “Cấu trúc“ thể hiện những khám phá và thử nghiệm mới của họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng.

Trong 30 năm qua, nói đến Nguyễn Huy Hoàng, giới làm nghề và những người yêu hội họa nước nhà luôn biết đến một họa sĩ sơn mài tài hoa với những tác phẩm sâu lắng, huyền ảo, mang đậm bản sắc văn hóa và triết lý phương đông.

Các tác phẩm của ông tạo ấn tượng sâu sắc, thể hiện những nghiên cứu kỹ lưỡng và các thể nghiệm mới về ý tưởng, bố cục, màu sắc và chất liệu, trong đó là những câu chuyện kể, là cách nhìn thế giới quan, nhân sinh quan về cuộc đời, về số phận, về lịch sử, đất nước, con người Việt Nam và những giá trị văn hóa, nét độc đáo mà ông cảm nhận, phát hiện.

Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ ý tưởng sáng tác tại lễ khai mạc triển lãm "Cấu trúc".

Tranh của Nguyễn Huy Hoàng đã có mặt tại nhiều bộ sưu tập và tạo được tiếng vang ở không ít triển lãm trong nước, ngoài nước. Trong đó, có không ít tác phẩm đã nhận được những giải thưởng lớn như Giải thưởng mỹ thuật ASEAN, Giải thưởng mỹ thuật Việt Nam- ASEAN năm 1998, 1999, Giải thưởng Khu vực I của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Huy chương bạc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 2005.

Điều đặc biệt, tranh sơn mài của ông bao giờ cũng có khuôn khổ kích thước lớn, khoáng đạt, dường như có vậy ông mới thỏa sức vẫy vùng, nói hết được hết ý tưởng sáng tạo của mình.

Tác phẩm tranh sơn dầu trừu tượng "Cấu trúc 1" của Nguyễn Huy Hoàng.

Triển lãm “Cấu trúc” cấu trúc lần này, với những người yêu tranh ông, có thể gọi là một sự đổi mới của Nguyễn Huy Hoàng trong chất liệu sử dụng cũng như bút pháp thể hiện hay nói một cách khác như một khoảng mở lòng để khai phá những cảm hứng mới.

Còn với họa sĩ, ông lại cho đó là khoảng nghỉ, thư giãn ở một môi trường sáng tạo mới ngoài sơn mài như ông cho biết: “Tôi quyết định dành thời gian cho vẽ sơn dầu và chọn trừu tượng bởi ở đó tôi được sáng tạo một cách tùy hứng, không chuẩn bị trước, không phác thảo và chỉ có tấm toan trước mặt để mặc sức biểu hiện cảm xúc giống như cuộc trải nghiệm về cấu trúc và hòa sắc”.

Nói thì như vậy, nhưng chiêm ngưỡng 23 tác phẩm cũng có kích thước lớn hoành tráng của ông tại triển lãm với cách ghi tên kiểu đánh số, từ “Cấu trúc 1” đến “Cấu trúc 23”, người xem có thể thấy đó không đơn thuần là sự thả lỏng cảm xúc. Mỗi tác phẩm mang một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng trong thống nhất về quá trình thực hiện và phong cách.

Thoạt nhìn những đường nét lớn, ngang dọc dường như tùy hứng, chồng lấn lên nhau, nhưng sau đó được hoàn thiện, dẫn dắt theo một hướng cấu trúc nhất định. Nhìn về tổng thể, cả bộ tranh triển lãm mang lại cách nhìn mạch lạc về cấu tứ, bố cục, đường nét, mảng miếng và bảng màu hòa sắc khác nhau.

Tranh sơn dầu trừu tượng "Cấu trúc 2" của Nguyễn Huy Hoàng.

Có ngắm kỹ từng tác phẩm của Nguyễn Huy Hoàng, từ gần cho đến xa, người xem mới dần cảm nhận về một thế giới sống động để có thể hình dung ở đó một thiên nhiên bao la mênh mông, có hang động đến hoang mạc cồn cát chồng lớp, một vũ trụ bao la hằng hà tinh tú và cả đường phố, núi non, sông nước hùng vĩ và cả những thực thể bé nhỏ li ti. Nhìn từ trên cao hay sát gần, mỗi đường nét, mỗi sắc màu, mảng khối không hình hài rõ ràng, đan xen, hòa quyện, tưởng là rối bời mà lại sắp đặt theo một lớp lang, cấu trúc hài hòa.

Nhìn nhận về các tác phẩm trừu tượng của mình tại triển lãm cùng những thay đổi sáng tác khác với những gì mà công chúng thường thấy ở ông trong sơn mài, họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng chia sẻ: “Con người thường gần gũi với những gì thân quen, cho nên luôn đòi hỏi nghệ thuật phải hiểu được và luôn muốn nghệ thuật phải bám vào và phản ánh được điều gì đó đang diễn ra ngoài cuộc sống hoặc mong ước, khát vọng của chính họ. Tranh trừu tượng của tôi khởi đầu cũng xuất phát từ gợi ý bên ngoài, là cuộc chơi của màu sắc, đường nét, bố cục theo dẫn dắt của cảm xúc, mới nhìn thì như không thấy gì để liên tưởng và so sánh nếu không mở rộng tâm hồn đón nhận nó như một bản hòa tấu về sắc màu hội họa”.

Họa sĩ Nguyễn Huy Hoàng và những chia sẻ về hội họa trừu tượng.

Triển lãm mỹ thuật “Cấu trúc” giúp công chúng yêu hội họa có một góc nhìn mới về tiềm năng sáng tạo, sức lao động nghệ thuật của Nguyễn Huy Hòa. Đó là một bất ngờ mới, một khám phá mới về người họa sĩ tài năng để rồi trông chờ ở ông những thành công mới từ đây chứ không chỉ là một khoảng nghỉ trong sự nghiệp sơn mài mà ông theo đuổi.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật