Tin liên quan
Hôm qua, lần đầu tiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thừa nhận ông đang muốn đẩy cuộc xung đột Nga – Ukraine vào sâu lãnh thổ Nga, đồng thời khẳng định đó là hành động công bằng và cũng là lời đáp trả việc Nga đã sử dụng vùng Kursk để tấn công sang vùng Sumy của Ukraine.
“Hôm nay, Tổng tư lệnh Syrskyi đã báo cáo nhiều lần về tình hình tiền tuyến và các hành động Ukraine, nhằm đẩy xung đột sang lãnh thổ Nga. Tôi cảm ơn mọi đơn vị của Lực lượng vũ trang Ukraine đã thực hiện được điều này. Ukraine đang chứng minh rằng họ thực sự biết cách gây áp lực cần thiết lên Nga", ông Zelensky nói.
Theo các phương tiện truyền thông, binh sĩ và các khí tài quân sự Ukraine vẫn đang được tăng cường đến khu vực biên giới với Nga để đẩy mạnh các nỗ lực tấn công xâm nhập. Các cuộc pháo kích, tấn công tên lửa bằng máy bay không lái vẫn được Ukraine tiến hành từ khu vực Sumy sang Kursk. Hôm qua, một mảnh vỡ tên lửa của Ukraine đã rơi trúng một nhà dân, khiến 13 người bị thương, trong đó có 2 người đang trong tình trạng nguy kịch.
Quyền thống đốc của vùng Kursk Alexei Smirnov đã ra lệnh sơ tán dân thường nhanh hơn ở những khu vực có nguy cơ bị tấn công, đặc biệt là quận Belovsky. Theo Bộ Tình trạng khẩn cấp, đến này 10/8, Nga đã sơ tán hơn 76.000 người tại Kursk đến thành phố Oryol cách đó 140km, nhằm đảm bảo an toàn cho người dân vùng chiến sự.
Bộ Quốc phòng Nga đã tiến hành nhiều cuộc không kích tấn công quân Ukraine bên trong khu vực Kursk và bên kia biên giới, nhằm ngăn chặn từ xa các nỗ lực xâm nhập. Nga cũng liên tục điều thêm quân tới khu vực này.
Giữa lúc căng thẳng biên giới Nga – Ukraine leo thang phức tạp, hôm qua, Nga và Ukraine lại tiếp tục đổ lỗi cho nhau về một đám cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng cho nhà máy điện hạt nhân Da-pô-ri-di-a lớn nhất châu Âu – vốn đang do Nga kiểm soát.
Phía Nga cho rằng, Ukraine đã tiến hành một vụ tấn công bằng máy bay không người lái và gây ra một đám cháy lớn ở một tháp làm mát của Nhà máy điện hạt nhân. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã cáo buộc Ukraine cố tình phá hủy nhà máy và gieo rắc “khủng bố hạt nhân”.
Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine lại cáo buộc Nga đã tự châm lửa cho vụ cháy, trong khi công ty Energoatom của Ukraine nhận định, vụ cháy có thể do hành động bất cẩn từ Nga.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc, có nhân viên tại hiện trường cho biết, đã nhận được báo cáo sau khi nghe thấy nhiều vụ nổ lớn. Dù cháy lớn, gây hư hại nghiêm trọng về vật chất, song cả Nga, Ukraine và IAEA đều xác nhận mức phóng xạ quanh nhà máy điện hạt nhân vẫn đang ở mức bình thường sau vụ việc, do cả 6 tổ máy đều đang ở trạng thái ngừng hoạt động, không có nguy cơ nổ hơi nước.