Ngược thời gian, cổ phiếu TMT đã trải qua giai đoạn sụt giảm kéo dài từ giữa năm 2023. Thậm chí, vào phiên 24/5/2024, giá cổ phiếu TMT đã tụt xuống đáy 18 tháng, khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng. Tuy nhiên, từ đó đến phiên 10/6, thị giá cổ phiếu này bất ngờ leo dốc, liên tục tăng và tăng trần.
Theo quan sát, những đợt tăng giá của cổ phiếu TMT lại diễn ra trong giai đoạn hoạt động kinh doanh của công ty không mấy khả quan.
Trong hơn 1 tháng, cổ phiếu TMT đã mất gần 35% giá trị.
TMT Motors tiền thân là Công ty Thương mại và Sản xuất vật tư Thiết bị giao thông vận tải. Hoạt động chính của công ty là sản xuất, lắp ráp và kinh doanh xe ô tô, phụ tùng các loại. TMT Motors từ lâu đã được biết đến là đơn vị có các sản phẩm xe tải nổi tiếng như Cửu Long, Tata, Howo, xe đầu kéo Sinotruk,… có tải trọng lớn.
Công ty này gây chú ý khi tham gia vào thị trường xe điện bằng việc sản xuất, lắp ráp và phân phối mẫu xe điện Wuling Hongguang MiniEV tại thị trường Việt Nam. Được biết, Wuling Mini EV là mẫu xe điện cỡ nhỏ nổi tiếng của Trung Quốc, đạt danh hiệu "ô tô điện cỡ nhỏ bán chạy nhất thế giới 4 năm liên tiếp", kể từ năm 2020 đến hết năm 2023.
Tại Việt Nam, xe được sản xuất, lắp ráp bởi liên doanh TMT Motors và General Motors (GM) – (SAIC – WULING). Trong đó, liên doanh GM – (SAIC – WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam. TMT Motors đã phối hợp với các đại lý, chính thức khai trương hơn 20 đại lý Wuling ủy quyền tại các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Mặc dù giá thành được đánh giá là rẻ nhưng doanh số của TMT Motor lại không như kỳ vọng. Năm 2023, công ty chỉ bán được 591 chiếc xe điện Wuling HongGuang MiniEV ra thị trường, bằng 11% so với kế hoạch doanh số 5.525 chiếc đặt ra trước đó. TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.634 tỷ đồng, giảm 13% và hoàn thành 55% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 95% xuống gần 2,4 tỷ đồng và chỉ hoàn thành 3% kế hoạch.
Sang năm 2024, ngay trong quý I, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 516 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ giá vốn và chi phí, công ty lãi sau thuế gần 270 triệu đồng, giảm mạnh 86% so với mức lãi gần 2 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Cho tới quý II, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 814 tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ. Giá vốn tăng 11% khiến công ty lỗ gộp 49 tỷ, trong khi cùng kỳ vẫn lãi gộp 52 tỷ đồng.
Mặc dù chi phí tài chính giảm một nửa xuống còn 24 tỷ đồng, chi phí bán hàng cũng giảm nhẹ, song chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gấp gần 6 lần lên 13 tỷ đồng. Kết quả, TMT Motors báo lỗ sau thuế 95 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 2 tỷ. Đây cũng là quý lỗ đậm nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, TMT Motors ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.321 tỷ đồng, giảm 13,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 100 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn lãi hơn 1,4 tỷ đồng.
Được biết, năm 2024, TMT Motors đặt mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.645 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 38,5 tỷ đồng, lần lượt tăng 1% và 475% so với năm trước. Với kết quả ảm đạm trong nửa đầu năm, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm.
Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của TMT Motors đạt mức 1.501 tỷ đồng, giảm 668 tỷ, tương ứng giảm 31% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền đạt mức 6 tỷ đồng, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Giá trị hàng tồn kho tính đến cuối quý II là 853 tỷ đồng, giảm 554 tỷ so với thời điểm đầu năm.
Tổng nợ phải trả của TMT Motors ghi nhận 1.163 tỷ đồng, giảm hơn 33% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, nợ vay giảm mạnh 55% xuống còn 571 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 339 tỷ đồng, trong đó lỗ lũy kế 46 tỷ đồng.
Đáng chú ý, ngay sau khi công bố báo cáo tài chính quý II với kết quả tiếp tục lao dốc, trong phiên 31/7, cổ phiếu TMT đã phản ứng mạnh mẽ bằng việc giảm sàn bất ngờ.