Quyết định từ Apple trong việc dựa vào cơ sở hạ tầng đám mây của Google là đáng chú ý vì Nvidia sản xuất các chip AI được săn đón nhất hiện nay. Nvidia chiếm khoảng 80% thị phần chip AI, trong khi Google, Amazon và các hãng điện toán đám mây khác có thị phần khiêm tốn ở lĩnh vực này.
Trong tài liệu nghiên cứu, Apple không nêu rõ rằng không sử dụng chip Nvidia. Thế nhưng, mô tả về phần cứng và phần mềm liên quan đến các tính năng AI của Apple không đề cập đến phần cứng Nvidia.
Apple bình luận không ngay lập tức khi được Reuters liên hệ.
Trong tài liệu nghiên cứu về việc đào tạo các mô hình AI của mình, Apple cho biết đã sử dụng hai loại bộ xử lý tensor (TPU) của Google được tổ chức thành các cụm chip lớn. Để xây dựng mô hình AI hoạt động trên iPhone và các thiết bị khác, Apple đã dùng 2.048 bộ xử lý TPUv5p. Với mô hình AI máy chủ của mình, Apple đã triển khai 8.192 TPUv4.
Nvidia không thiết kế TPU mà tập trung vào các bộ xử lý đồ họa (GPU) thường được sử dụng rộng rãi cho các nỗ lực AI.
Không giống Nvidia, vốn bán các chip và hệ thống của mình như những sản phẩm độc lập, Google bán quyền truy cập TPU thông qua Google Cloud Platform của mình. Khách hàng quan tâm đến việc mua quyền truy cập phải xây dựng phần mềm qua Google Cloud Platform để sử dụng các TPU này, tương tự cách mua thời gian tính toán từ Amazon Web Services hoặc Microsoft Azure.
Google Cloud Platform là nền tảng điện toán đám mây mạnh mẽ, cho phép các cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức xây dựng, triển khai và quản lý các ứng dụng và dịch vụ trên cơ sở hạ tầng của Google.
Google Cloud Platform như một trung tâm dữ liệu khổng lồ mà bạn có thể thuê để lưu trữ dữ liệu, chạy các ứng dụng và thực hiện nhiều tác vụ khác. Thay vì phải mua và quản lý các máy chủ vật lý, bạn chỉ cần thuê các tài nguyên cần thiết từ Google Cloud Platform và trả phí theo lượng sử dụng.
Vào tháng 6, Reuters từng đưa tin Apple sử dụng các TPU nhưng không tiết lộ toàn bộ mức độ phụ thuộc phần cứng Google cho đến khi công bố tài liệu nghiên cứu hôm 29.7. Google không phản hồi câu hỏi của Reuters và Nvidia từ chối bình luận.
Kỹ sư Apple cho biết có thể tạo ra các mô hình AI lớn hơn và tinh vi hơn với các chip của Google so với hai mô hình mà họ đã thảo luận trong tài liệu.
Apple đã dựa vào các chip được thiết kế bởi Google thay vì Nvidia để xây dựng cơ sở hạ tầng phần mềm AI mới của mình
Tại WWDC hôm 11.6, Giám đốc điều hành Apple - Tim Cook đã giới thiệu Apple Intelligence, bộ tính năng AI mới sẽ cải tiến toàn bộ thiết bị của công ty.
Công ty cho biết Apple Intelligence trên iPhone sẽ giúp người dùng "nâng cao khả năng viết" trên mọi thứ, từ email, tin nhắn và tài liệu đến tóm tắt nội dung đoạn ghi âm và cải tiến trợ lý ảo Siri. Apple cũng đạt được thỏa thuận với OpenAI để tích hợp chatbot ChatGPT sâu hơn vào các hệ điều hành của mình gồm iOS 18, iPadOS 18 và macOS Sequoia.
Trong tài liệu kỹ thuật được công bố ngay sau WWDC, Apple tiết lộ rõ rằng Google trợ giúp đắc lực cho hành trình của nhà sản xuất iPhone để bắt kịp các đối thủ ở lĩnh vực AI.
Để xây dựng các mô hình AI nền tảng (mô hình ngôn ngữ lớn), các kỹ sư Apple đã sử dụng khung phần mềm riêng với hàng loạt phần cứng, cụ thể là các GPU của mình và những TPU chỉ có trên nền tảng đám mây Google.
Khung phần mềm (framework software) là một cấu trúc được sử dụng để xây dựng phần mềm. Nó bao gồm các đoạn mã được viết sẵn cùng các thư viện, file hình ảnh và tài liệu tham khảo được đóng gói thành một gói. Gói này có thể sửa đổi để phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng dự án.
Nói cách khác, khung phần mềm giống như bộ khung cơ bản cho một ngôi nhà, mà bạn chỉ cần bổ sung nội thất theo mong muốn để hoàn thiện nó. Khung phần mềm giúp các nhà phát triển có thể:
- tiết kiệm thời gian và công sức: Nhờ sử dụng các mã có sẵn, các nhà phát triển không cần phải viết lại mã từ đầu cho những chức năng cơ bản, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho việc phát triển phần mềm.
- Tăng tính nhất quán: Cung cấp một cấu trúc chung cho việc phát triển phần mềm, giúp đảm bảo tính nhất quán trong mã và giảm thiểu lỗi.
- Dễ dàng bảo trì: Việc sử dụng khung giúp cho việc bảo trì phần mềm dễ dàng hơn, vì các nhà phát triển có thể dễ dàng sửa đổi và cập nhật mã.
- Tăng khả năng tái sử dụng: Các thành phần của khung phần mềm có thể được tái sử dụng trong nhiều dự án khác nhau, giúp tiết kiệm thời gian và công sức cho các nhà phát triển.
Google đã sản xuất TPU trong khoảng 10 năm và công khai thảo luận về việc hai phiên bản chip thế hệ thứ 5 của mình có thể được sử dụng để đào tạo mô hình AI. Google cho biết TPU thế hệ thứ 5 cung cấp hiệu suất có thể cạnh tranh với chip AI Nvidia H100.
Tại hội nghị dành cho nhà phát triển I/O giữa tháng 5, Google thông báo TPU thế hệ thứ 6 sẽ ra mắt vào năm nay. Bộ xử lý này được thiết kế đặc biệt để chạy các ứng dụng AI và đào tạo các mô hình ngôn ngữ lớn. Google đã xây dựng nền tảng phần mềm và phần cứng điện toán đám mây xung quanh chúng.
Khi Steve Jobs giới thiệu chiếc iPhone đầu tiên vào năm 2007, đó là một thời điểm mang tính bước ngoặt trong lịch sử Apple với sự tham gia của giám đốc điều hành một công ty khác ở Thung lũng Silicon: Google.
Eric Schmidt, Giám đốc điều hành Google vào thời điểm đó, đã tham gia cùng Steve Jobs trên sân khấu tại hội nghị Macworld như một biểu tượng cho mối liên kết ngày càng tăng giữa hai công ty của họ. Steve Jobs là cựu Giám đốc điều hành Apple, qua đời ngày 5.10.2011 do bệnh ưng thư tuyến tụy.
Năm 2005, Apple và Google đã đạt được thỏa thuận biến công cụ tìm kiếm của đối tác thành tùy chọn mặc định trên trình duyệt Safari của Mac.
Apple đã đưa Google lên vị trí hàng đầu với tư cách công cụ tìm kiếm cốt lõi trên iPhone - thiết bị mà hãng đặt cược vào tương lai của mình. Đó là mối quan hệ được cho đã quyết định ai sẽ thống trị mạng internet của nước Mỹ kể từ đó.
Khi iPhone ngày càng phổ biến trên khắp Mỹ, phạm vi tiếp cận của Google cũng lan rộng, giúp công cụ tìm kiếm vốn đã thống trị này trở nên phổ biến hơn.
Thỏa thuận này hiện là trọng tâm vụ kiện chống độc quyền của chính phủ Mỹ chống lại Google vào năm 2020, nhưng nó đã định hình cách người Mỹ trải nghiệm internet và mang lại lợi nhuận cực kỳ cao cho Apple. Google phải trả hơn 20 tỉ USD cho Apple vào năm 2022 để duy trì thỏa thuận.
Được kỳ vọng thúc đẩy doanh số dòng iPhone 16, Apple Intelligence lại ra mắt trễ
iPhone đã mang lại hơn một nửa doanh thu cho Apple trong năm tài chính vừa qua, cụ thể là 200,6 tỉ USD trong tổng doanh thu ròng 383,3 tỉ USD.
Công ty sẽ hy vọng Apple Intelligence sẽ gây ấn tượng với người tiêu dùng, có khả năng phục hồi doanh số bán hàng tại các thị trường lớn, gồm cả Trung Quốc. Ở Trung Quốc, rất nhiều người đang sử dụng các smartphone mới từ các công ty trong nước, chẳng hạn Mate 60 Pro của Huawei.
Doanh số iPhone của Apple tại Trung Quốc đã giảm 6,7% trong quý 2/2024 khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ phải đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các đối thủ như Vivo, Oppo và Huawei, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
Sự sụt giảm này nhấn mạnh những khó khăn mà Apple phải đối mặt ở thị trường lớn thứ ba của mình. Tổng doanh số iPhone của Apple trong quý 2/2024 là 9,7 triệu máy, giảm so với mức 10,4 triệu cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Canalys.
Ngược lại, doanh số smartphone Huawei tăng 41% trong quý 2/2024 so với cùng kỳ năm ngoái lên 10,6 triệu máy, được thúc đẩy bởi việc ra mắt dòng Pura 70 vào tháng 4. Dữ liệu từ Canalys cho thấy thị phần smartphone của Apple trong quý 2/2024 ở Trung Quốc giảm xuống còn 14%, từ 16% trong cùng kỳ năm 2023.
Hậu quả là thứ hạng Apple trên thị trường smartphone ở Trung Quốc từ vị trí thứ 3 rơi xuống thứ 6. Tổng doanh số smartphone của tất cả hãng Trung Quốc đã tăng 10% trong quý 2/2024, với Vivo là nhà cung cấp hàng đầu (chiếm 19% thị phần), tiếp theo là Oppo, Honor, Huawei và Xiaomi.
"Các nhà sản xuất smartphone trong nước đã chứng tỏ sự dẫn đầu thị trường, lần đầu tiên trong lịch sử chiếm 5 vị trí hàng đầu tại Trung Quốc đại lục. Trong khi đó, Apple đang phải đối mặt với áp lực tăng trưởng tại Trung Quốc và đang tích cực tập trung vào việc tối ưu hóa quản lý kênh phân phối", Lucas Zhong, nhà phân tích nghiên cứu tại Canalys, cho biết.
Khác với những tin đồn trước đó về việc Apple Intelligence sẽ được ra mắt cùng lúc với iOS 18.0, Mark Gurman (nhà báo công nghệ nổi tiếng của hãng tin Bloomberg) cho biết Apple sẽ dời lịch ra mắt bộ tính năng này sang phiên bản iOS 18.1, dự kiến phát hành vào tháng 10. Dù vậy, người dùng vẫn có thể trải nghiệm trước một số tính năng của Apple Intelligence trong bản beta dành cho nhà phát triển, dự kiến ra mắt ngay tuần này. Một số tính năng khác như Siri tích hợp ChatGPT phải đến mùa xuân năm sau mới trình làng.
Điều này đồng nghĩa người dùng dòng iPhone 16 sẽ không được trải nghiệm Apple Intelligence sau khi mua máy vào tháng 9. Thay vào đó, họ sẽ phải chờ đợi thêm vài tuần sau đó.
Apple Intelligence được kỳ vọng sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy doanh số dòng iPhone 16. Việc dời lịch ra mắt Apple Intelligence sang iOS 18.1 cho thấy Apple đang tập trung hoàn thiện iOS 18.0 trước thời hạn cuối tháng 7. Điều này cũng giúp công ty có thêm thời gian để tập trung sửa lỗi và nâng cao sự ổn định cho hệ điều hành mới.