Tin liên quan
Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 5 trường hợp mắc bệnh bạch hầu, gồm 3 ở Hà Giang, 1 ở Nghệ An và 1 ở Bắc Giang. Trong đó ca bệnh ở Nghệ An đã tử vong có thể là nguồn lây gây ra ca bệnh Bắc Giang.
Rất nhiều người được phát hiện có tiếp xúc gần với hai ca bệnh ở Nghệ An, Bắc Giang đang phải áp dụng biện pháp cách ly y tế để theo dõi, nhằm không để bùng phát dịch.
cách ly y tế
Theo Điều 49 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, đối tượng áp dụng biện pháp cách ly y tế gồm người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch thuộc nhóm A và một số bệnh thuộc nhóm B.
Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.
Bạch hầu theo Điều 11, Thông tư 17/2019/TT-BYT, là bệnh nằm 9 bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B phải áp dụng biện pháp cách ly y tế.
Cụ thể, hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định 2957/QĐ-BYT năm 2020 của Bộ Y tế quy định tất cả người bệnh nghi bạch hầu phải được vào viện để cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm vi khuẩn 2 lần âm tính. Mỗi mẫu bệnh phẩm được lấy cách nhau 24 giờ và không quá 24 giờ sau khi điều trị kháng sinh.
Nếu không có điều kiện làm xét nghiệm thì phải cách ly bệnh nhân sau 14 ngày điều trị kháng sinh.
Nguy cơ tử vong cao hơn Covid-19
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, Phó giám đốc bệnh viện bệnh nhiệt đới Trung ương, bệnh bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhất là đối với nhóm người chưa được tiêm chủng vaccine đầy đủ hoặc vaccine đã hết hiệu lực.
“Nguy cơ tử vong đối với người mắc bệnh bạch hầu có thể lên đến 10-20%, cao hơn nhiều so với Covid-19. Tuy nhiên, nguy cơ lây nhiễm của bệnh này thấp hơn so với Covid-19, vì thế khả năng gây ra đại dịch là thấp”, bác sĩ Cấp thông tin.
Do vậy, theo bác sĩ Cấp, người dân không nên chủ quan, nhưng cũng đừng quá hoang mang.
Để chủ động tăng cường phòng, chống bệnh bạch hầu sau khi ghi nhận một trường hợp tử vong tại Nghệ An, ngày 8-7, Cục Y tế dự phòng đã có văn bản đề nghị Sở Y tế hai tỉnh Nghệ An, Bắc Giang chỉ đạo các đơn vị khẩn trương tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu tại cộng đồng, lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh, triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch, tổ chức điều tra và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo quy định.
CDC Nghệ An thành lập Đoàn giám sát, hỗ trợ huyện Kỳ Sơn điều tra dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm tại các bản Phà Khảo, Piêng Hòm, Phà Khốm (xã Phà Đánh).
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu hai Sở Y tế trên chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn; thực hiện tiêm bổ sung, tiêm vét ngay khi có vaccine, lưu ý các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc sinh sống, khu vực đi lại khó khăn.
Bên cạnh đó, rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc điều trị kháng sinh dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; báo cáo UBND tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phục vụ chống dịch.
Trường hợp cần thiết, đề xuất nhu cầu huyết thanh kháng độc tố bạch hầu gửi Bộ Y tế để thực hiện phân bổ, quản lý và sử dụng theo quy định.