Kinh tế Thái Nguyên đi qua nửa chặng đường của năm 2024 với nhiều tín hiệu lạc quan. Giá trị xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh ước đạt 15,4 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, xuất khẩu địa phương lại chỉ đạt 348,3 triệu USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ (kế hoạch năm 2024 đạt 800 triệu USD)… Để thúc đẩy xuất khẩu nói chung, trong đó có xuất khẩu địa phương, cần tiếp tục có sự hỗ trợ, đồng hành từ các cơ quan chuyên môn.
Lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nêu kiến nghị Sở Công Thương hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp.
Giá trị xuất khẩu của khối địa phương trong tỉnh chủ yếu từ các doanh nghiệp sản phẩm may mặc như: Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG; Công ty CP Đầu tư và Phát triển TDT; Công ty may Thagaco;... 6 tháng đạt 259,5 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Đây được đánh giá là mức tăng thấp.
Nhóm hàng cơ khí (dụng cụ, phụ tùng xe máy, phụ tùng ô tô…) xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Mỹ, Italia, Nhật Bản và một số nước thuộc EU duy trì giá trị xuất khẩu ổn định, đạt khoảng 15 triệu USD. Các nhóm hàng hóa có giá trị xuất khẩu ước tính giảm so với cùng kỳ như: Sản phẩm từ sắt thép 15,2 triệu USD, giảm 8,2%; chè các loại đạt 0,3 triệu USD, giảm 66,9%.
Một số nguyên nhân khiến giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp địa phương trên địa bàn giảm là do ảnh hưởng lớn từ khó khăn của nền kinh tế thế giới; các chính sách thắt chặt tiền tệ để chống lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế tại nhiều quốc gia khiến nhu cầu tiêu dùng và đầu tư giảm mạnh. Đơn hàng một số đơn vị may mặc xuất khẩu đã phục hồi nhưng thấp hơn so dự kiến kế hoạch đề ra. Tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ đẩy giá cước tàu biển có thời điểm tăng gấp đôi, thậm chí gần gấp 3 tại một số tuyến; giá nguyên liệu vật tư tăng kéo theo chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, nhận định: Xuất khẩu địa phương chỉ chiếm tỷ trọng khoảng 3% trong giá trị xuất khẩu hàng hóa chung của tỉnh. Những tháng đầu năm nay, xuất khẩu may mặc có tăng nhưng không cao. Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG tăng trên 10%, các doanh nghiệp nhỏ khác mức tăng thấp hơn. Bên cạnh đó, các mặt hàng kim khí không có sự tăng trưởng cao nên xuất khẩu địa phương không đạt kỳ vọng. Từ dự báo thị trường năm nay, tôi hy vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các sở, ngành, địa phương đồng hành với doanh nghiệp thì tỉnh sẽ hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu đề ra của năm, trong đó có xuất khẩu.
Đúng như nhận định của ông Nguyễn Văn Thời, thời gian qua, UBND tỉnh quyết liệt chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh cải cách hành chính, hỗ trợ đồng hành cùng doanh nghiệp. UBND tỉnh thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm nắm bắt tình hình hoạt động của doanh nghiệp, tổng hợp phân loại những khó khăn, vướng mắc để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh trực tiếp làm việc và có hướng giải quyết.
Để các doanh nghiệp có điều kiện quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các địa phương, đơn vị thường xuyên tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại ngoài nước. Từ năm 2023 đến nay đã có hàng chục doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tham gia giới thiệu sản phẩm tại các chương trình xúc tiến thương mại tại Nhật Bản, Đức, Bulgaria, Hy Lạp, Thụy Điển, Italia, Đức, Australia…
Chi cục Hải quan Thái Nguyên cũng đẩy mạnh công tác cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh để nắm bắt, tiếp cận các nhà đầu tư mới tại các khu công nghiệp trên địa bàn để kịp thời tư vấn về chính sách đầu tư, thủ tục hải quan… ngay từ khi doanh nghiệp chưa phát sinh hoạt động xuất, nhập khẩu.
“Với phương châm làm hết việc chứ không hết giờ, Chi cục bố trí cán bộ, công chức làm việc kể cả ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, lễ, tết để thông quan nhanh chóng hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp", ông Nguyễn Đăng Chinh, Chi cục trưởng Chi cục Hải Quan Thái Nguyên, chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Để đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu đề ra trong đó có lĩnh vực xuất khẩu, từ nay đến cuối năm, chúng tôi tiếp tục bám sát tình hình thế giới cũng như sản xuất của doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp phù hợp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư và doanh nghiệp hoạt động sản xuất.
Các dự báo cũng cho thấy, một số thị trường xuất khẩu có tăng trưởng nhưng chưa mạnh, tình hình xung đột chính trị, lạm phát kinh tế vẫn sẽ tác động tiêu cực đến sản xuất công nghiệp trong nước và hoạt động xuất khẩu. Bởi vậy, bên cạnh những nỗ lực của chính quyền các cấp trong đồng hành, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cộng đồng doanh nghiệp cũng cần tiếp tục bám sát thị trường để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đảm bảo ổn định và tăng trưởng.