Do đó, các phụ huynh cần có phương pháp và cách dạy con thích hợp. Từ đó, để trẻ hiểu và tự sắp xếp công việc một cách hiệu quả nhất.
Quản lý thời gian giúp trẻ phát triển khả năng tự chủ, tự quản lý. Điều này không chỉ giúp trẻ tự tin hơn khi đối diện với các thách thức trong cuộc sống, mà còn biết xây dựng một lối sống lành mạnh và cân bằng.
Phân bổ thời gian hợp lý
Quản lý thời gian là một kỹ năng quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sự thành đạt của mỗi con người. Ông bà ta có câu “Thời gian là vàng bạc” hay “Việc hôm nay chớ để ngày mai” để nói đến sự quý giá của thời gian. Bởi vậy, ngay cả người lớn hay trẻ nhỏ cũng đều cần biết quý trọng thời gian.
Các chuyên gia cho rằng, khi trẻ bước vào độ tuổi lên 3, cha mẹ cần dạy bé quản lý thời gian. Điều này không chỉ giúp bé biết cách sắp xếp công việc, học tập khoa học, mà còn dễ đạt được thành công hơn trong cuộc sống cũng như sự nghiệp sau này.
Quản lý thời gian được hiểu là việc lên kế hoạch để kiểm soát một cách có ý thức thời gian sử dụng cho một hay một số hoạt động cụ thể nhằm tăng hiệu suất. Hay nói cách khác, quản lý thời gian là kỹ năng sử dụng, kiểm soát và phân bổ thời gian khoa học để thực hiện các công việc đạt kết quả tốt nhất.
Thực tế, người có kỹ năng này tốt sẽ biết cách sử dụng quỹ thời gian hiệu quả. Chẳng hạn, trong cùng một khoảng thời gian và một khối lượng công việc hay bài tập, có bé có thể hoàn thành với kết quả tốt nhất nhưng cũng có trẻ không thể hoàn thành, chậm trễ thời gian. Chính vì vậy, ngay từ khi còn nhỏ, nếu trẻ được các phụ huynh cung cấp những kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả, thì lớn lên, các em sẽ dễ dàng đối mặt với hàng loạt áp lực của công việc và cuộc sống.
Ngoài ra, một người làm chủ được thời gian của bản thân thì cũng có thể được xem là người chiếm được nhiều ưu thế hơn trong việc giải quyết mọi vấn đề của cuộc sống. Do vậy, việc cha mẹ tìm ra các phương pháp phù hợp để giúp trẻ hình thành thói quen quản lý thời gian khoa học, hợp lý là vô cùng quan trọng.
Hầu hết trẻ mới lớn thường sắp xếp các công việc trong ngày một cách bản năng, không có sự chủ động trong học tập và thời gian vui chơi giải trí sao cho hợp lý. Do đó, để đưa trẻ vào khuôn khổ và sinh hoạt đúng giờ giấc, kỷ luật, cha mẹ phải hướng dẫn các em cách lên kế hoạch cụ thể cho từng ngày, tuần và tháng. Tất cả các thời gian như giờ ăn cơm, làm bài tập, xem tivi, đi chơi, đi ngủ… đều phải được lên kế hoạch và thống nhất. Điều này sẽ giúp các em phân bổ thời gian hợp lý, học tập hiệu quả và năng suất hơn.
Một trong những lợi ích tuyệt vời của việc dạy trẻ quản lý thời gian là giúp bé hình thành thói quen khoa học. Ảnh minh họa: ITN.
Chị Nguyễn Thị Thanh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, để dạy con quản lý thời gian, vợ chồng chị thống nhất sẽ cùng giúp trẻ học cách liệt kê những việc phải làm sau khi hoàn thành việc học trên lớp. Bé Chíp con chị Thanh cũng được hướng dẫn cách ước tính thời gian sẽ làm xong công việc đó. Ví dụ như: Thứ hai phải đọc xong quyển sách này, thứ ba đi tập bơi…
“Với cách này, vợ chồng tôi nhận thấy, Chíp dần có khả năng ghi nhớ công việc và quản lý thời gian cá nhân hợp lý hơn. Hoặc, khi con phải dậy đi học, thì tôi cũng khuyên bé đặt báo thức để không trễ giờ đến trường”, chị Thanh cho biết.
Về kinh nghiệm dạy con quản lý thời gian, nữ phụ huynh này chia sẻ, khi trao đổi với trẻ, cha mẹ nên nói càng cụ thể càng tốt. Thay vì nói là “lát nữa”, thì phụ huynh có thể sử dụng cụm từ: 5 phút, 10 phút nữa.
“Tôi cho rằng, phải nói rất cụ thể cho trẻ như là một cái mốc thì bé sẽ biết rằng, sau khoảng bao lâu nữa sẽ hết thời gian. Đó là trình tự công việc rất quan trọng. Gia đình chúng tôi nghĩ rằng, nên rèn cho con những thói quen tốt từ nhỏ. Trước khi đi ngủ, con đã biết là sáng mai sẽ cần làm gì. Như vậy, buổi sáng khi cha mẹ gọi con, trẻ cũng sẽ thức dậy dễ dàng hơn.
Trong xã hội hiện đại ngày nay, đúng giờ là một đức tính rất quan trọng. Ngay từ khi trẻ còn nhỏ, chúng ta nên dạy cho con giờ nào làm việc nấy. Sau này khi lớn lên, trẻ sẽ duy trì thói quen đó. Từ đó, việc đúng giờ và giữ đúng lời nói trở nên rất là tự nhiên”, chị Thanh nói.
Trong khi đó, chị Nguyễn Thanh Tâm (Ba Đình, Hà Nội) lại chọn cách hướng dẫn con sắp xếp các công việc theo thứ tự ưu tiên. Nhờ vậy, bé Vy nhà chị Tâm luôn biết nên làm việc nào trước, việc nào sau. Nữ phụ huynh này cho rằng, đây là điều rất quan trọng để trẻ cân đối được công việc và quản lý thời gian hiệu quả hơn. Chẳng hạn, hôm nay trẻ cần phải làm rất nhiều bài tập, nhưng ngày mai lại có tiết kiểm tra môn Văn. Khi đó, chị Tâm sẽ khuyên con ưu tiên học môn Văn trước, sau đó mới làm bài tập các môn khác.
Đối với trẻ nhỏ, việc quản lý thời gian học tập ở trường cùng các hoạt động sau giờ học có thể là một thách thức. Ảnh minh họa: ITN.
Yếu tố “then chốt”
Cô Đặng Thục Hà My - giáo viên tại Trung tâm Anh ngữ Bình Minh chia sẻ, là một người thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ, chị cho rằng, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục con.
“Bởi, trẻ thường có xu hướng bắt chước những thứ mà người lớn làm. Vì thế, cha mẹ phải biết cách quản lý thời gian hiệu quả. Hãy cho trẻ thấy rằng, phụ huynh đã sử dụng thời gian của mình hiệu quả như thế nào và có những kinh nghiệm trải qua cần phải ghi nhớ ra sao. Từ đó, để trẻ cảm thấy gần gũi với cha mẹ và tiếp thu bài học một cách dễ dàng hơn”, cô Hà My nói.
Nữ giáo viên này chia sẻ, tương tự người lớn, trẻ nhỏ cũng có vô số công việc cần phải làm trong một ngày. Ngoài khối lượng không nhỏ bài tập về nhà, các hoạt động ngoại khóa, trẻ cũng cần có thời gian nghỉ ngơi, giải trí. Để thực hiện được điều này, yếu tố then chốt là phải học cách quản lý thời gian. Vì vậy, cha mẹ nên dạy con quản lý thời gian để trẻ biết phân bổ, sắp xếp mọi việc hợp lý. Điều này góp phần vào quá trình phát triển và hoàn thiện bản thân, giúp trẻ có một cuộc sống cân bằng khi trưởng thành.
“Trong một khoảng thời gian nhất định, nếu trẻ biết sử dụng hợp lý, thì bé sẽ hoàn thành công việc hay học tập đạt hiệu quả tốt nhất. Nhờ đó, trẻ sẽ có thêm nhiều thời gian hơn để tham gia các hoạt động khác như xem tivi cùng cha mẹ, chơi trò lắp ghép, đi công viên... Ngược lại, khi trẻ lãng phí thời gian thì không thể hoàn thành công việc hoặc chậm trễ thời gian”, giáo viên Hà My nhấn mạnh.
Theo cô Hà My, một trong những lợi ích tuyệt vời của việc dạy trẻ quản lý thời gian là giúp bé hình thành thói quen khoa học. Trẻ sẽ hiểu được giá trị của thời gian, từ đó ý thức được về việc cần phải làm với quỹ thời gian mỗi ngày, mỗi tuần và mỗi tháng. Có thể thời gian đầu, trẻ sẽ cảm thấy khó khăn khi phải hoàn thành mọi việc trong một khoảng thời gian nhất định. Song, dần dần, trẻ sẽ tập được thói quen sử dụng thời gian hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, kỹ năng quản lý thời gian còn giúp trẻ nâng cao hiệu quả, năng suất làm việc cũng như học tập. Bởi, trong một khoảng thời gian nhất định, trẻ phải có sự tập trung cao độ để học tập, làm việc, vui chơi để tạo ra thành quả tốt nhất.
“Có thể nói, việc tiết kiệm thời gian sẽ là động lực thôi thúc trẻ học tập, làm việc say mê hơn. Khi nhận thức được thời gian chính là “tài sản vô giá”, trẻ sẽ cảm thấy quý trọng thời gian cũng như những thành quả mà mình đạt được. Chẳng hạn như trẻ sẽ cảm thấy vui vẻ khi hoàn thành các công việc được giao, hạnh phúc khi được đi chơi cùng cha mẹ mỗi dịp cuối tuần, hay thật sự hào hứng khi nghe mẹ đọc truyện trước khi ngủ...”, cô Hà My chia sẻ.
“Đối với trẻ nhỏ, việc quản lý thời gian học tập ở trường cùng các hoạt động sau giờ học có thể là một thách thức. Tuy nhiên, nếu cha mẹ dạy con quản lý thời gian tốt, bé sẽ có ý thức rõ ràng về những công việc cần làm. Trẻ sẽ tự giác thực hiện công việc, biết ưu tiên việc nào trước việc nào sau. Điều này rất tốt trong việc xây dựng tính tự lập của trẻ khi xử lý công việc và quỹ thời gian của mình”, cô Hà My cho biết.