10 món ăn bài thuốc bổ dưỡng, chống nắng nóng ngày hè

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nắng nóng là đặc điểm chính của mùa hạ khiến mồ hôi tiết ra nhiều, dễ làm hao tổn khí và tân dịch trong cơ thể. Nếu không kịp thời bù đắp có thể làm hao tổn nguyên khí, biểu hiện ra bên ngoài bằng các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở, ngại nói, có khi đột nhiên ngã bất tỉnh (say nắng, say nóng)...
10 món ăn bài thuốc bổ dưỡng, chống nắng nóng ngày hè
Đại táo, vị thuốc bổ dưỡng, sinh tân dịch chống nắng nóng

Để nâng cao khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết nắng nóng, phòng chống bệnh tật trong 3 tháng nóng nhất mùa hè (giai đoạn từ tiết "Hạ chí" tới tiết "Lập Thu"), có thể sử dụng một số món ăn bài thuốc bổ dưỡng có tác dụng thanh nhiệt, lợi khí, tăng cường sức đề kháng phòng chữa nhiều bệnh.

Một số món ăn bài thuốc chống nắng nóng

- Thanh thử nhiệt (chống nắng nóng), ích khí sinh tân, tiêu thực, chỉ khát, phòng ngừa cảm nắng và say nắng trong mùa hè: Sơn tra 36g, ô mai 24g, đường phèn vừa đủ, sắc uống hoặc hãm với nước sôi trong bình kín. Uống trong ngày.

- Giải trừ những chứng trạng khó chịu thường hay xuất hiện trong mùa hè như người bồn chồn, khó ngủ hoặc mất ngủ, nhiệt miệng, tiểu tiện sẻn đỏ…: Trúc diệp 25-50g, sắc uống thay trà.

- Thanh nhiệt, hóa đàm, trừ thấp, thích hợp đối với những người có thể chất đàm thấp, cơ thể mệt mỏi, viêm họng, viêm khớp, hôi miệng, tiêu hóa yếu dùng bài: Hoắc hương 30g, lá chè xanh 30g; sắc uống thay trà.

- Chống nóng, tăng cường sức đề kháng của cơ thể dùng bài: Đậu đỏ, đậu xanh (để cả vỏ), gạo tẻ, lượng bằng nhau, nấu cháo ăn.

- Bổ thận khí, chống khát, giảm mệt mỏi, điều hòa tạng phủ dùng bài: Nhộng tằm 100g rang chín, gạo tẻ lượng vừa đủ, đại táo 16g. Nấu cháo, cháo chín cho nhộng tằm vào, chia ăn trong ngày.

- Kiện tỳ ích khí, chống nắng nóng, phòng tiêu chảy: Bạch biển đậu (đậu ván trắng, sao vàng), ý dĩ nhân, gạo tẻ, lượng bằng nhau, nấu cháo ăn.

- Thanh giải thử nhiệt, bồi bổ cơ thể, hạn chế tác động của thời tiết nắng nóng đối với cơ thể dùng bài: Kim ngân hoa 6g, bạch cúc hoa 6g, sấy khô tán mịn, gạo tẻ lượng vừa đủ, nấu cháo, cháo chín trộn bột thuốc vào ăn.

Nhộng tằm, món ăn - vị thuốc bổ dưỡng, giảm mệt mỏi.

- Kiện tỳ, thanh nhiệt, chống nắng nóng, trừ phiền, an thần dùng bài: Đậu xanh, hạt sen (bỏ tâm), gạo tẻ, liều lượng 50-100g, nấu cháo ăn.

- Dưỡng âm, thanh nhiệt, chống nóng, bồi bổ protein cho cơ thể dùng bài: Trúc diệp 1 nắm sắc với 400ml nước, còn 150ml, vớt lá tre ra. Trứng gà 1-2 quả, bỏ lòng đỏ, dùng lòng trắng, đổ lòng trắng vào nồi nước sắc, đun nhỏ lửa cho đến khi lòng trắng trứng đặc lại, chia ăn trong ngày, ăn liên tục trong 5-7 ngày.

- Dưỡng âm, sinh tân dịch và thanh thử nhiệt dùng bài: Rau muống rửa sạch, mã thầy (củ năng) gọt vỏ, cắt miếng, nấu canh ăn.

Kiêng kỵ: Mùa hè, thời tiết oi bức, không nên ăn các loại đồ ăn lạnh và rau quả sống ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, dễ nhiễm lạnh. Nên ăn thức ăn có tính ấm, nhưng không quá nóng. Kỵ đồ ăn nhiều dầu mỡ để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật