Trong lớp, học sinh đều đắm chìm trong lời giảng của cô giáo. Đó là buổi đầu tiên đi học - buổi đầu học ở “trường của người lớn” như lời những đứa trẻ đáng yêu nói khi vừa rời khỏi mẫu giáo để tham gia lớp dự bị (chuẩn bị lên tiểu học).
Cô chủ nhiệm giải thích các quy định, nội quy cần tuân thủ trong trường mới. Bây giờ, chúng đã lớn. Chúng không còn là những đứa trẻ và cũng sẽ không được cô giáo hay bảo mẫu chăm sóc như trước.
Đứng trước bảng đen, cô giáo liệt kê những việc học sinh sẽ học trong năm học. Tất cả các bé trai đều chăm chú nghe cô giảng. Cô giáo là người truyền tải kiến thức cho học sinh, từ việc dạy toán học, các chữ cái trong bảng chữ cái, từ ngữ.
Những đứa trẻ sẽ học được cách đọc các câu chuyện hay mà ông bà đã kể cho nghe khi còn học mẫu giáo. Chẳng bao lâu nữa, chúng cũng có thể giải mã được tất cả những từ thần kỳ ẩn dưới mỗi câu chuyện hay bên cạnh những bức tranh đẹp xuất hiện trong mỗi trang sách.
Tuy nhiên, giữa lớp học, có một học sinh không lắng nghe. Cậu bé không nhìn giáo viên, cũng không ngó ngang dọc các học sinh khác. cơ thể của cậu vẫn ở đó, trên ghế ngồi trước bàn học nhưng tâm trí thì ở nơi khác, xa xôi, lạc vào đâu đó trong vùng đất của những mộng mơ.
Sáng nay khi đến trường, tất cả các học sinh đều được mẹ dắt đi cùng. Một số bạn còn có cả bố đi cùng. Mà cậu bé chỉ có bố, không có mẹ.
Có phải tất cả trẻ em trên thế giới này đều có mẹ? Vậy tại sao cậu chỉ có một người bố?
Trong sân trường, một đứa trẻ lại gần hỏi cậu bé:
- Tại sao mẹ cậu không đi cùng đến trường? Mẹ cậu đâu rồi?
Cậu bé chỉ biết nhún vai, không trả lời và đi xa hơn một chút, đến góc sân, một mình. Cậu không khóc nhưng mắt đã cay cay và cảm thấy có gì đó trong ngực đang bóp chặt. Tất nhiên, cậu cũng muốn biết mẹ đang ở đâu, hoặc đơn giản là cậu có mẹ hay không. Trẻ em cũng có quyền được biết.
Người lớn trong nhà không nói gì với lý do muốn bảo vệ cậu. Cậu bé rất nghe lời bố, các chú, dì và bà ngoại. Họ nói nhỏ, thì thầm để cậu không nghe thấy. Khi đó, cậu bé thường chạy trốn vào những giấc mơ của mình, tạo ra những câu chuyện mà tất cả trẻ em đều hạnh phúc, không cần phải đặt ra câu hỏi.
Một thế giới kỳ diệu, tuyệt vời, dịu dàng, đầy tình yêu thương và chân thành. Một thế giới không có “KHÔNG NÓI”, toàn im lặng. Những câu chuyện mà cậu bé không kể cho ai. Cậu cũng có quyền có những bí mật.
Học chữ cái, biết đọc, biết đếm chắc chắn là rất thú vị nhưng không cần thiết. Mỗi người học để biết, biết ngày càng nhiều, nhưng để hiểu biết điều gì sẽ xảy ra sau này, trước hết cần phải biết những gì đã xảy ra trước đó.
Cậu bé luôn cảm thấy thiếu một cái gì đó - thiếu đi phần quan trọng nhất. Cậu không biết mình có mẹ hay không. Liệu có thể học bảng chữ cái mà không biết được mình đến từ đâu?
Tại sao cậu ấy không có mẹ? Tại sao cậu không giống những người khác?
Đột nhiên, cậu bị kéo ra khỏi trạng thái mơ màng khi giọng điệu của cô giáo đã thay đổi, không còn là giọng nói nhẹ nhàng, du dương, ân cần mà bây giờ là một giọng nói gay gắt, khó chịu dành cho cậu:
- Trong lớp không được mất tập trung, muốn học tốt trước tiên con phải biết lắng nghe!
Minh họa/INT.
Nhiều ngày trôi qua. Bây giờ, tất cả các học sinh đã biết phải làm gì trong lớp dự bị, bắt đầu vào việc học bảng chữ cái. Mỗi buổi sáng, cô giáo treo những bức tranh lớn lên tường, trên mỗi bức tranh có viết một chữ cái trong bảng chữ cái với các dạng khác nhau: In nghiêng, in thường, in hoa, kèm theo một số hình vẽ tượng trưng cho các con vật, đồ vật, con người, ngành nghề mà tên bắt đầu bằng chữ cái được treo. Chữ cái đầu tiên bọn trẻ học được là “A”: âne, abricot, Anatole, alphabet… (theo Bảng chữ cái tiếng Pháp).
Mỗi ngày, một chữ cái mới lại xuất hiện trên tường và những đứa trẻ rất vui mừng khi có thể liệt kê các con vật, đồ vật bắt đầu bằng chữ đó, đôi khi còn có vài ý tưởng rất độc đáo.
Sau khi nhận dạng được mặt chữ cái mới, bọn trẻ được chuyển sang học viết. Mỗi học sinh phải viết trên trang của sổ tay một dòng chữ bắt đầu bằng chữ cái mới và vài từ bắt đầu bằng chữ cái đó.
Hôm nay học đến chữ “M”, tất cả bọn trẻ ngay lập tức đồng thanh hét lên.
- Mẹ! Mẹ! (tiếng Pháp: Maman)
Cậu bé lạc lõng giữa lớp không nói gì. Cậu im lặng, suy nghĩ, lo lắng.
- Mẹ? Mẹ?
Đó là một từ mà cậu ấy không biết, cậu chưa bao giờ nói đến từ đó, hoặc đã lâu rồi, hoặc đã quên. Ở nhà không có ai nhắc đến mẹ.
Hay đó là một lời chửi thề? Không, nếu cô giáo nói thế, có nghĩa là mọi người có thể nói và các học sinh khác đều biết rõ. Nhưng không phải là tất cả, cậu bé chưa từng mở miệng nói từ đó.
Bây giờ, đã đến giờ tập viết. Cô giáo viết mẫu lên bảng, từng học sinh cúi đầu xuống vở, bắt đầu viết.
- Thưa cô, con không thể. - Cậu bé nói.
Thế là cô giáo đến và ngồi cạnh cậu.
- Cô sẽ giúp con. Nhìn này, rất dễ dàng, con vẽ một cây cầu nhỏ, một cây cầu nhỏ khác, một cây cầu nữa, thế là xong. Bây giờ là lượt của con viết.
Cậu bé cố gắng hết sức để tạo thành những cây cầu nhỏ như cô giáo đã chỉ. Dòng chữ “M” đã xong, bây giờ cậu phải viết các từ bắt đầu bằng chữ “M”.
“Mẹ”, tại sao lại là “mẹ”, cậu ấy có thể viết “maítresse, marron, meuble, moulin, monsieur”, tất cả những từ này cậu đều biết. Cậu biết những từ đó đại diện cho điều gì.
Nhưng “Mẹ” là một từ xa lạ đối với cậu và liệu cậu có quyền viết nó không, một người không có mẹ? Bàn tay siết chặt vào ống đựng bút, cậu chậm rãi vạch ra chữ “M” đầu tiên.
Chân cầu chạm đường dưới dòng, đỉnh cầu chạm đường trên. Các chữ cái khác ngày càng nhỏ hơn và cuối cùng hoàn toàn không thể đọc được. “Chữ quá xấu” - cô giáo đến gần nhận xét. Và tối nay cậu sẽ phải viết lại dòng chữ này một lần nữa như bài tập về nhà.
Các bạn cùng lớp nói rằng buổi tối, mẹ là người giúp họ làm bài tập về nhà. Vậy ai sẽ giúp cậu đây? Có lẽ là bố, nhưng liệu ông có dám dạy cậu viết từ “mẹ”, từ không bao giờ được nhắc đến trong nhà không?
Ngày tháng nối tiếp nhau trôi qua và mỗi ngày lại một con chữ mới. Đó luôn là những quy trình giống nhau, cô giáo đưa ra những hình ảnh mới, dạy học sinh cách phát âm, yêu cầu chúng tìm từ và việc học cứ thế tiếp diễn.
Lớp học hiện tại chìm trong sự im lặng tuyệt đối. Sau khi viết ví dụ lên bảng, cô giáo yêu cầu tất cả học sinh viết một hàng chữ “O” và một hàng chữ “I” vào vở viết của mình.
Những đứa trẻ chăm chú nhìn vào quyển vở, cố gắng tạo ra những chữ cái đẹp mắt ngay hàng thẳng lối không vượt qua những ô được vẽ trên trang. Không còn tiếng ồn ào, căn phòng chìm vào sự im lặng sâu thẳm, thậm chí có thể nghe thấy tiếng ruồi bay.
Cậu bé viết chữ “O” đầu tiên, sau đó là chữ “O” thứ hai không vượt qua giới hạn. Cậu cố gắng, cậu muốn làm tốt. Chữ “O” thứ ba cũng đẹp như hai chữ còn lại nhưng ngón tay cậu bắt đầu căng cứng trên cây bút. Một cảm giác đau nhẹ xuất hiện.
Cậu nhẹ nhàng thả lỏng những ngón tay út của mình cho dễ chịu hơn, ngẩng đầu để hít một hơi sâu. Ánh mắt cậu vô tình nhìn qua cửa sổ, thấy bầu trời xanh thẳm và đám mây trắng nhỏ xinh dường như đang gửi lời chào đến cậu. Từ khoảnh khắc đó, cậu không thể rời mắt khỏi cảnh đẹp kì diệu này và toàn bộ tâm trí cậu bay theo đám mây nhỏ.
Ở đó, cậu phát hiện ra một khu vườn tuyệt đẹp, tràn ngập hoa đủ màu sắc tỏa hương thơm ngọt ngào. Những con vật vui đùa giữa hoa cỏ. Một chú thỏ nhỏ ló ra từ sau bụi hương thảo, nhìn cậu bé với vẻ ngạc nhiên. Cậu nhìn thấy qua những cành cây phỉ, chú nai con đang cố gắng chạm vào những chiếc lá thấp nhất.
Trên cành cây, vô số loài chim hòa quyện tiếng hót tạo nên giai điệu ngọt ngào hòa nhịp với tiếng rì rào của dòng suối vô hình nào đó. Một con đường trải đầy hoa, băng qua khu vườn và chạy về phía vô tận. Cuối con đường đó, một chấm nhỏ mà cậu vừa nhìn thấy, một chấm nhỏ gần như cậu không nhìn rõ. Một chấm nhỏ dường như đang tiến về phía trước.
Minh họa/INT.
Cậu bé không biết tại sao, nhưng bây giờ chỉ có điều này làm cậu quan tâm, một chấm nhỏ mất mát trong trí tưởng tượng của cậu. Ánh mắt của cậu dõi theo hình ảnh này sâu trong tâm trí. Chấm nhỏ đó tiến lên, tiến lên và từ từ lớn dần. Một sinh vật sống! Có thể là một chú thỏ, một chú sóc hoặc một chú nhím. Con vật nhỏ tiếp tục tiến lên và ngày càng lớn lên. Bây giờ nó đang đi bằng hai chân.
Có phải là yêu tinh không? Khu vườn này thực sự tuyệt vời, còn có cả yêu tinh. Sinh vật bé nhỏ tiếp tục tiến về phía trước và rõ dần. Nó không phải là một con yêu tinh. Nó lớn quá rồi, là một đứa trẻ. Không, là một người lớn. Vâng, một người lớn! Một người phụ nữ, cô ấy có mái tóc dài và mặc váy. Đó là một phụ nữ.
Là cô giáo? Hay một người mẹ? Là mẹ cậu sao?
Đúng vậy, đó là mẹ của cậu bé đến trường thăm cậu. Cậu bé cũng có một người mẹ. Cậu giống như những đứa trẻ khác. Mẹ lại gần. Hiện tại bà đang ở rất gần cậu. Cậu nghe thấy tiếng bước chân của mẹ, hít hà mùi hương của bà. Bà ở đó, rất gần, sắp ôm cậu vào lòng để hôn.
- Đầu óc con đang ở trên mây sao? - Cô giáo hét lên ngay phía sau cậu bé. Cùng lúc đó, cậu cảm thấy như tai mình bị kéo lên. Cậu đau. Giai điệu ngọt ngào của những chú chim giờ đã bị lấn át bằng tiếng ồn ào, những tiếng cười nhạo và chế giễu của những người bạn. Nỗi đau từ đôi tai chẳng là gì so với những lời chế nhạo từ những người bạn nhỏ.
- Con luôn như người ở trên mây. Đứa bé tội nghiệp của cô, không phải lúc nào trong mơ mộng mà con có thể thành công. Nếu con muốn trở thành ai đó, con phải chú ý lắng nghe, học hỏi và quan trọng nhất là dừng mơ mộng lại.
Cậu bé đã lớn lên và bây giờ trở thành một người đàn ông trưởng thành. Cô giáo đã đúng, trong xã hội này, những người mơ mộng không thể có được nghề nghiệp đúng nghĩa. Họ không hợp với những khuôn mẫu công việc.
Nhà thơ, người mơ mộng, nghệ sĩ, nhà tiên tri, người lãng mạn, người giàu trí tưởng tượng không bị định dạng theo những quy tắc do cái gọi là xã hội hiện đại và tiến hóa đặt ra.
Hôm nay, cậu bé ấy vẫn mơ mộng. Anh ấy hay lạc vào mây hoặc trên mặt trăng như người ta thường kể. Nhưng bây giờ anh đã biết. Anh biết mẹ anh đã qua đời do ốm nặng. Anh biết rằng anh cũng đã từng có một người mẹ như bao người khác.
Anh biết rằng anh không khác biệt. Anh không cần phải xấu hổ, trốn tránh, hay tránh né những câu hỏi mà anh không biết trả lời, cũng như không muốn trả lời. Nếu mẹ đã ra đi quá sớm, điều đó không phải là lỗi của anh. Anh không có gì phải tự trách bản thân.
Những câu chuyện anh nhìn thấy trong giấc mơ được anh ghi lại vào một cuốn sổ. Có lẽ một ngày nào đó anh sẽ viết ra cuốn sách mà người lớn có thể đọc được. Khi đó, họ sẽ hiểu rằng trẻ em có quyền được biết những điều liên quan đến chúng.
Ngọc Anh (dịch từ tiếng Pháp)
Truyện ngắn của Henri (Pháp)