Đề xuất thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng bằng lá phiếu của dân

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tại phiên thảo luận sáng, đại biểu Vũ Trọng Kim tiếp tục đề xuất Quốc hội nghiên cứu thí điểm để người dân Đà Nẵng trực tiếp bầu Chủ tịch UBND thành phố bằng lá phiếu của nhân dân.
Đề xuất thí điểm bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng bằng lá phiếu của dân
Đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định).

Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch Đà Nẵng

Sáng 7/6, Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng.

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Vũ Trọng Kim (đoàn Nam Định) đánh giá dự thảo nghị quyết đã đưa ra nhiều chính sách đặc thù mới mẻ để phát triển TP Đà Nẵng, đặc biệt đưa vào 9 chính sách mới tháo gỡ những vướng mắc, tồn tại của chính quyền đô thị thành phố, gồm về tổ chức bộ máy, biên chế liên thông, cơ chế tài chính, quyền hạn của quận, phường...

"Ở đây sự phân cấp, phân quyền đã mạnh mẽ hơn, đồng thời là điều kiện để thí điểm. Từ đó là bài học để sau này mở rộng", ông Kim nhận định.

Song, đại biểu Kim nhắc lại một đề xuất mà ông từng đưa ra năm 2020, tại Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận trực tuyến về dự thảo nghị quyết thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TP Đà Nẵng và một số cơ chế, chính sách đặc thù khác, đó là thí điểm bầu Chủ tịch UBND Đà Nẵng trực tiếp bằng lá phiếu của nhân dân.

"Ở thời điểm đó, đại biểu có người ủng hộ, có người không... Nhưng đó là bước đi, tiến thêm bước đi dân chủ. Do đó, tôi đề nghị Quốc hội, các cơ quan nên quan tâm", ông Kim nói.

Ông cho biết đã nêu rõ quy trình cụ thể ở thời điểm đề xuất năm 2020 trong đó vẫn đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng, sự thống nhất của HĐND, giới thiệu của Mặt trận Tổ quốc và đưa ra các ứng cử để tiến hành làm việc này.

Đừng phân cấp nửa vời

Góp ý về mô hình chính quyền đô thị, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cũng đánh giá dự thảo nghị quyết cho thấy nhiều lĩnh vực trong hoạt động quản lý của TP Đà Nẵng đã được phân quyền, phân cấp mạnh.

Song, theo ông, có một vấn đề cần đẩy mạnh hơn nữa để phát huy vai trò tự quản, tự chịu trách nhiệm của thành phố trong xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính và chế độ công vụ, đó là vấn đề quản lý biên chế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) chia sẻ tại phiên thảo luận.

Ông đánh giá dự thảo chỉ giao thẩm quyền quyết định biên chế cán bộ công chức làm việc ở phường, xã tại Đà Nẵng cho HĐND thành phố quyết định, chưa thể hiện triệt để chủ trương của Đảng là đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền.

"Nếu phân cấp cho Đà Nẵng thẩm quyền quyết định một phần biên chế cán bộ công chức của Đà Nẵng thì có thể gọi đó là "phân cấp nửa vời", ông Đồng nói.

Trong xu thế chúng đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền giữa trung ương với chính quyền địa phương, nên mạnh dạn đẩy mạnh phân cấp về quản lý biên chế, ông đề nghị ban soạn thảo cần cân nhắc lại vấn đề này.

Bởi biên chế cán bộ công chức ở Đà Nẵng theo dự thảo nghị quyết này là một khối thống nhất từ thành phố tới quận, phường.

Do đó, ông đề nghị Quốc hội phân quyền quyết định biên chế cán bộ công chức cho Đà Nẵng, có sự kiểm soát, kiểm tra, thanh tra của trung ương.

Bổ sung chính sách trọng dụng nhân tài

Cũng theo ông Đồng, dự thảo nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố lần này đã đưa ra 21 chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Đặc biệt cho phép thí điểm thành lập khu thương mại tự do, phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo, thu hút nhà đầu tư chiến lược gắn với đào tạo, công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), phát triển vi mạch bán dẫn, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa...

Để thực hiện được các cơ chế, chính sách đặc thù như vậy không thể thiếu các chính sách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức cũng như phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài.

Nhưng trong dự thảo nghị quyết chưa đề cập đến các giải pháp hoặc chính sách này và trách nhiệm thực hiện, mới có quy định HĐND quy định mức thu nhập của nhân tài, chuyên gia, nhà khoa học song chưa đề cập tới chính sách tiền lương, đãi ngộ dành cho đối tượng này.

Do vậy đại biểu đoàn Quảng Trị đề nghị trong dự thảo nghị quyết nên bổ sung để trọng dụng nhân tài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật