LignoSat là khối lập phương mỗi cạnh 10 cm, làm từ gỗ mộc lan. Loại gỗ này được chọn vì độ chắc chắn và tính chất dễ tạo hình, sau khi nhóm dự án tiến hành các thử nghiệm tiếp xúc vũ trụ với dăm gỗ anh đào, bạch dương và mộc lan. Các thử nghiệm trên mặt đất cho thấy gỗ mộc lan không gây hại cho sức khỏe, sự an toàn của các phi hành gia cũng như không ảnh hưởng đến các thiết bị có độ chính xác cao và linh kiện quang học.
Theo tờ Japan Times ngày 29-5, dự án LignoSat bắt đầu từ tháng 4-2020, với mục đích góp phần giải quyết tình trạng lộn xộn trên không gian và thúc đẩy hoạt động vũ trụ thân thiện với môi trường hơn. Các quy định quốc tế hiện tại yêu cầu vệ tinh quay lại khí quyển sau khi kết thúc nhiệm vụ để tránh trở thành rác vũ trụ. Vệ tinh truyền thống gây nguy cơ ô nhiễm không khí vì các hạt kim loại sinh ra trong lúc hồi quyển. Trong khi đó, vệ tinh bằng gỗ sẽ cháy rụi và được kỳ vọng không gây ô nhiễm.
Được chế tạo dựa trên kỹ thuật truyền thống của Nhật Bản, LignoSat không sử dụng bất kỳ ốc vít hay vật liệu kết dính nào. Vệ tinh này sẽ được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida - Mỹ vào tháng 9 tới, hướng đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Dự kiến, LignoSat được triển khai từ Module Thí nghiệm Kibo của Nhật Bản khoảng một tháng sau đó.