Càng đấu giá, vàng càng tăng giá
Đấu thầu vàng miếng, về mặt lý thuyết, là giải pháp để tăng cung lượng vừa đủ trong dài hạn, qua đó "hạ nhiệt" giá về sát hơn thế giới. Khi một lượng vàng lớn được tung ra sẽ trung hòa được nhu cầu từ thị trường. Đồng thời, điều này cũng tạo ra tác động tâm lý khiến nhiều người dân e ngại rủi ro, bán ra thị trường, qua đó đẩy giá đi xuống.
Tuy nhiên, các phiên gọi thầu liên tục ế, giá sàn chào thầu bị chê cao. Ngân hàng Nhà nước chỉ bán được số ít vàng so với lượng chào thầu. Sau mỗi phiên đấu thầu thất bại, giá ngay trong phiên đều quay đầu đi lên bất chấp diễn biến thế giới. Thay vì giúp hạ nhiệt, các phiên đấu thầu theo giá như hiện nay lại khiến thực tế đi ngược lại với lý thuyết.
Dù rớt mạnh hàng triệu đồng trong 2 ngày cuối tuần nhưng tính chung trong vòng 1 tuần qua, giá vàng miếng đã liên tục đi lên. Từ vùng 85,9 triệu đồng/lượng vào cuối tuần trước, giá vàng có thời điểm lên tới 92,9 triệu đồng/lượng, tăng tổng cộng 7 triệu đồng trước khi đổ đèo, lao dốc trở lại.
Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 72,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn vàng nhẫn khoảng 4 triệu đồng và thấp hơn vàng miếng SJC khoảng 17 triệu đồng/lượng. Mức chênh lệch với giá vàng trong nước như vậy được coi là rất lớn.
Để đấu thầu vàng thành công, PGS TS Đinh Trọng Thịnh, nguyên giảng viên cao cấp Học viện Hành chính kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cần xây dựng lại mức giá đấu thầu phù hợp; tỷ lệ đặt cọc 10% cũng là con số khá lớn, cần xem lại. Nếu sửa đổi các điều kiện và mức giá vàng đấu thầu, tỷ lệ vàng trúng thầu thành công sẽ cao hơn.
Dù vậy, với nhu cầu hàng chục tấn vàng/năm của thị trường, việc đấu thầu 16.800 lượng vàng như "muối bỏ bể". Do vậy, đấu thầu vàng không phải là giải pháp căn cơ. Về lâu dài, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cho phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Diễn biến giá vàng thời gian tới thế nào?
Về dự báo diễn biến giá vàng thời gian tới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định sẽ biến động khó lường. Giá vàng hoàn toàn có thể rơi về vùng 2.050-2.100 USD/ounce; nhưng cũng rất có thể lên mức 2.400-2.500 USD/ounce. Khoảng biến thiên rộng như vậy đang làm cho dự báo giá vàng cực khó khăn. Chủ yếu do kỳ vọng của các nhà đầu tư là chính, chứ không phải do sản xuất tăng trưởng, việc làm được giải quyết, lạm phát cao hay thấp quá…
Ông Thịnh cho biết, trước đây, khi giá vàng ổn định, giá vàng 9999 chỉ cách giá thế giới khoảng 3 triệu đồng/lượng và SJC cũng chỉ cách giá vàng 9999 chỉ khoảng 1,5-2 triệu đồng. Thế nhưng, do giá vàng thế giới tăng, hoạt động đầu tư vào các kênh chứng khoán, bất động sản đều khó, tiền gửi ngân hàng lãi suất thấp; trong khi sức ép tỷ giá lớn, giá vàng tăng khiến nhiều người đi mua vàng, tích trữ vàng để đảm bảo an toàn tài sản.
Vì thế, cầu tăng do những người có tiền càng lo lắng, càng đổ tiền vào vàng, khiến giá vàng tăng cao. Khi giá vàng tăng cao, một số người lại chuyển sang mua USD để giữ an toàn, làm cho tỷ giá USD tăng. Do vậy, với nhà đầu tư có khẩu vị chấp nhận rủi ro cao, vẫn tham gia đầu tư thì có thể có lãi lớn; nhưng cũng có thể dẫn đến khả năng mất vốn.
Để có thể thu hẹp giá vàng trong nước và thế giới, nhiều ý kiến cho rằng, cần có giải pháp thị trường và giải pháp hành chính. Đầu tiên, Nhà nước phải kiểm soát có điều kiện vàng, bởi không thể nhập số lượng lớn vàng để tăng nguồn cung cho thị trường. Do đó, Chính phủ phải tính toán một lượng vàng vừa đủ để nhập về nhằm đáp ứng chính sách tiền tệ, đáp ứng nhu cầu người dân hợp lý.
Nếu như trong một giai đoạn nhất định mà nguồn cầu quá mạnh, trong khi nguồn cung chỉ có thể đáp ứng một cách vừa phải, Chính phủ phải chấp nhận giá vàng tăng và đây là điều bình thường. Chờ đến lúc nào nhu cầu vàng hạ nhiệt do giá vàng thế giới hạ nhiệt, khi lãi suất tiết kiệm không còn giảm nữa, hay BĐS phục hồi, thì giá vàng mới trở về trạng thái cân bằng.
Ngoài ra, lượng cung vàng phải có kế hoạch theo từng giai đoạn và cung dần dần, có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu vàng của người dân. Tuy nhiên, những giải pháp này phải thực hiện đồng bộ và từ từ. Song song đó, Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan chức năng phải tập trung giải quyết vấn đề trục lợi giá vàng hiện nay, xử lý buôn lậu và mua vàng không nguồn gốc.
Cụ thể là siết chặt quản lý các cửa hàng kinh doanh vàng, trong đó có giải pháp mua vàng lượng phải thanh toán qua tài khoản ngân hàng để quản lý vấn đề kinh doanh mua bán vàng, thì mới khắc phục được một giai đoạn giá vàng chưa hạ nhiệt, hay chênh lệch giá vàng thế giới; đồng thời có thể tránh được "chảy máu" USD qua đường buôn lậu vàng để trục lợi.