Lao động trái phép sẽ bị xử lí tiền ký quỹ
Theo đó, căn cứ thông tin do cơ quan chức năng Hàn Quốc cung cấp, kết quả xác minh của Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố và kết quả tiếp nhận đăng ký thực hiện thủ tục thanh lý hợp đồng của người lao động, Trung tâm quyết định thông báo danh sách những lao động bị xử lý tiền ký quỹ, do có hành vi tự ý ở lại Hàn Quốc trái Pháp Luật sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Theo Trung tâm Lao động ngoài nước, người lao động có ý kiến phản hồi hoặc kiến nghị khác về kết quả xác minh nêu trên có thể liên hệ với Trung tâm, hoặc hộp thư điện tử xacminhthongtin.eps@gmail.com để được hỗ trợ. Sau thời gian 10 ngày, Trung tâm Lao động ngoài nước sẽ đơn phương thanh lý hợp đồng và thông báo với Ngân hàng Chính sách xã hội, để xử lý khoản tiền người lao động đã ký quỹ trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo quy định.
Hàn Quốc hiện là một trong những thị trường lao động trọng điểm, thu hút nhiều lao động Việt Nam sang làm việc. Trong năm 2023, Việt Nam đã đưa được 11.626 lao động sang thị trường này. Với người lao động Việt Nam, Hàn Quốc cũng là thị trường thu hút nhiều lựa chọn sang làm việc. Thu nhập bình quân của người lao động từ 1.500 - 2.000 USD/tháng.
Theo Bộ LĐTBXH, thực hiện ký quỹ đối với người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, là một trong những chính sách, biện pháp nhằm tăng cường quản lý người lao động Việt Nam làm việc tại Hàn Quốc, giảm tỷ lệ lao động ở lại bất hợp pháp. Theo đó, người lao động trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (Chương trình EPS) phải thực hiện ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài nhiều năm qua là chủ trương của Đảng, Nhà nước. Nhiều địa phương trên cả nước thúc đẩy việc đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Việc này không những giải quyết việc làm cho người dân mà còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt là lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở các tỉnh đã giải quyết được bài toán đào tạo nghề, việc làm, góp phần giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân miền núi.
Đẩy mạnh công tác chuyển đổi số
Theo thống kê năm 2023, Việt Nam đưa được hơn 159 nghìn lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, vượt 33,3% kế hoạch năm. Đây là số lao động đi làm việc ở nước ngoài cao nhất trong hơn 10 năm qua. Năm nay, Bộ LĐTBXH đặt mục tiêu đưa 125 nghìn lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trọng tâm hướng tới các thị trường có thu nhập cao, ổn định.
Dù kết quả đạt được tích cực, song việc lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài đang tồn tại nhiều vấn đề, trong đó có tình trạng vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng.
Trước tình trạng đó, năm 2023, Bộ LĐTBXH đã ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Để hạn chế tình trạng này theo các chuyên gia, tại các địa phương cần phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành Pháp Luật. Đồng thời, khai thác, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã có kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, chuyên nghiệp sau khi hết thời hạn làm việc ở nước ngoài, để người lao động yên tâm trở về tham gia thị trường lao động trong nước.
Ông Đỗ Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin (Bộ LĐTBXH), cho rằng để thúc đẩy việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và giảm số lượng lao động không về nước đúng quy định, các đơn vị thuộc Bộ cũng như các Sở LĐTBXH địa phương phía Bắc cần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Ông Dũng đề xuất các đơn vị nên tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, giúp lưu trữ thông tin dữ liệu của từng trường hợp lao động ngoài nước; xây dựng sàn giao dịch việc làm trực tuyến, nắm bắt thông tin của từng doanh nghiệp, tạo điều kiện cho người lao động tiếp cận việc làm dễ dàng.