Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Du lịch Hoàng Trường vừa công bố thông tin định kỳ về tình hình tài chính năm 2023, với kết quả kinh doanh vô cùng ảm đạm, khi ghi nhận khoản lỗ ròng 236 tỷ đồng. Với kết quả này, công ty tiếp tục trượt dài trong thua lỗ kéo dài gần nửa thập kỷ.
Kinh doanh ảm đạm
Trước đó, trong năm 2022, Du lịch Hoàng Trường ghi nhận khoản lỗ 267 tỷ đồng, năm 2021 báo lỗ 298 tỷ đồng, năm 2020 báo lỗ 132 tỷ đồng và năm 2019 lỗ 70 tỷ đồng. Như vậy, trong 5 năm qua, doanh nghiệp này đã lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng.
Đáng nói, cùng với kết quả kinh doanh không mấy khả quan, Du lịch Hoàng Trường còn đang gánh khoản nợ trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng. Cụ thể, doanh nghiệp của vị nữ doanh nhân 8X Nguyễn Thị Trâm Anh (người đại diện Pháp Luật kiêm Chủ tịch HĐQT) đang lưu hành lô trái phiếu HTCH2024001, phát hành từ tháng 12/2020 và đáo hạn vào tháng 12/2024, giá trị 1.400 tỷ đồng.
Tương tự, công ty cổ phần Địa ốc First Real cũng vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với doanh thu chỉ đạt 27 tỷ đồng, giảm khá sâu với con số gần 36 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu suy giảm khiến cho lợi nhuận gộp chỉ còn 19 tỷ đồng, so với 33 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Sau khi trừ hết mọi chi phí, Địa ốc First Real có lãi sau thuế đạt 1,1 tỷ đồng, giảm đến 7,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng (từ tháng 10/2023 đến tháng 3/2024), doanh nghiệp này có doanh thu đạt 81 tỷ đồng, giảm 37 tỷ đồng với năm trước. Đồng thời, lợi nhuận sau thuế cũng chỉ đạt 10,8 tỷ đồng, trong khi đó cùng kỳ năm trước đạt 23 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Danh Khôi (HNX: NRC) dù có sự cải thiện phần nào về hoạt động kinh doanh trong quý I/2024 trên khía cạnh doanh thu. Tuy nhiên, NRC lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 2,5 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ thuần 16,8 tỷ đồng), đánh dấu quý lỗ thuần thứ 5 trong vòng 6 quý trở lại đây (ngoại lệ là quý IV/2023).
Phải nhờ vào khoản lãi khác trị giá 5,9 tỷ đồng (là khoản bồi thường hợp đồng dự án Barya City), NRC mới có lãi trước thuế 3,4 tỷ đồng và lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với mức lỗ 16,8 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Không chỉ là thiểu số, quá nửa số doanh nghiệp bất động sản ghi nhận tình hình kinh doanh trong những tháng đầu năm 2024 không mấy khả quan khi doanh thu, lợi nhuận không có nhiều đột phá, thậm chí thua lỗ kéo dài, trong đó có những tên tuổi được nhiều người biết đến.
Điển hình như Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (HoSE: KDH) đang có quý đầu năm 2024 không thực sự khả quan khi doanh thu và lợi nhuận sau thuế cùng giảm mạnh.
Cụ thể, trong quý I/2024, doanh thu thuần của KDH đạt 334 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận gộp giảm 47%, đạt 174 tỷ đồng; biên lợi nhuận gộp đạt 52%. Kết quý, KDH có lãi trước thuế 101 tỷ đồng, giảm 65%; lãi sau thuế 64 tỷ đồng, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023.
Khó khăn chưa qua
Tương tự với Novaland (NVL), sau năm 2023 đầy sóng gió, công ty đã đặt nhiều tham vọng trong năm 2024, tuy nhiên, tình hình cũng không mấy tích cực. Kết quý I/2024, NVL lỗ trước thuế 214 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 87 tỷ đồng), lỗ sau thuế 601 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 410 tỷ đồng). Đây là mức lỗ chưa từng có trong lịch sử NVL và là quý lỗ thứ 3 trong vòng 5 quý trở lại đây.
Năm 2024, NVL đặt mục tiêu doanh thu thuần 27.830 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 593 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý I/2024, công ty chỉ hoàn thành 2,5% mục tiêu doanh thu, con số gây nhiều lo lắng về khả năng “về đích” đúng mục tiêu đặt ra.
Không thể phủ nhận thị trường bất động sản đang ghi nhận những tín hiệu tích cực, tuy nhiên, diễn biến thực tế cho thấy các doanh nghiệp bất động sản vẫn đang đối diện với nhiều thách thức, và đây mới chỉ là giai đoạn các chủ đầu tư nỗ lực vực dậy từ đáy chứ chưa thể tạo đột phá.
Khó khăn cũng là điều được các doanh nghiệp dự báo trước. Ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư Nam Long từng nhấn mạnh những thách thức khi thị trường vẫn lệch pha cung cầu, khủng hoảng niềm tin kéo theo vấn đề thanh khoản giảm và hàng tồn kho tăng.
Cùng với đó, theo đại diện Nam Long, thách thức về dòng tiền vẫn đang chực chờ khi các khoản nợ vẫn còn, các lô trái phiếu dù được gia hạn nhưng vẫn còn dai dẳng trong năm 2024 và 2025. Chưa kể là thách thức về pháp lý dự án khi hiện nay một số luật vẫn còn chồng chéo.
Đồng quan điểm, ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh Group, cũng nhìn nhận sau khi kết thúc Covid 19, nền kinh tế bị suy giảm và ảnh hưởng đến thị trường bất động sản.
Với tình hình chung như vậy, ông Thìn đánh giá thị trường đang có những điểm tích cực, nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn như tình trạng khan hiếm nguồn cung phân khúc nhà giá bình dân, vướng mắc pháp lý. Theo đó, thị trường có thể sẽ phải đợi sang năm 2025 mới có chuyển biến tích cực.
Thị trường địa ốc rõ ràng vẫn đối diện với nhiều thách thức, kết quả kinh doanh quý đầu năm là minh chứng. Song, ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp và chuyên gia đều có sự kỳ vọng lớn vào bộ 3 luật sửa đổi sắp được áp dụng, gồm Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, các yếu tố tích cực khác là nhu cầu ở thực cao, các phân khúc nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội đang tích cực được tháo gỡ, đẩy nhanh. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm và Chính phủ rất nỗ lực trong việc tháo gỡ các vướng mắc của thị trường cũng là những điểm sáng của thị trường...