Theo bác sĩ chuyên khoa I Trần Ngọc Lưu, khoa nhiễm, bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), mỗi năm, đơn vị này đều ghi nhận các ca mắc bệnh ho gà rải rác . Tuy nhiên, trong năm nay, số ca mắc và nhập viện vì ho gà cao hơn các năm trước rất nhiều.
"Trong tháng 3, khoa nhiễm tiếp nhận điều trị cho 7 bệnh nhi. Tính đến ngày 26/4, khoa đang theo dõi cho 5 trường hợp, trong đó một bệnh nhi phải nằm phòng cấp cứu và thở oxy", bác sĩ Lưu chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Cụ thể, tất cả bệnh nhi đều là trẻ dưới 1 tuổi, đa số chưa được tiêm hoặc mới tiêm một mũi, chưa đủ kháng thể phòng bệnh.
"Các trường hợp trong năm nay được nhận định chưa xuất hiện những triệu chứng nguy hiểm. Trong những năm trước đây, khoa đã có những ca phải điều trị hồi sức tích cực, thậm chí lọc máu để cứu sống các bệnh nhi ho gà", bác sĩ Lưu thông tin thêm.
Theo bác sĩ, trong năm nay, tỷ lệ trẻ em mắc ho gà tăng cao có thể do khoảng trống miễn dịch. Một số trẻ lớn và người lớn không được tiêm nhắc có thể mắc bệnh, lây lan cho các trẻ nhỏ chưa được tiêm ngừa. Một số trẻ chưa đến độ tuổi tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ mũi khiến tỷ lệ lây bệnh vì thế tăng cao hơn.
Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 127 trường hợp mắc ho gà, số mắc tăng gần 8 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Ho gà gây ra bởi vi khuẩn Bordetella pertussis. Loại vi khuẩn này gây ra bệnh lây truyền qua đường hô hấp cấp tính dẫn đến những biến chứng nặng nề gây tử vong.
bệnh thường phát triển trong mùa xuân - hè, tiến triển qua 3 giai đoạn. Giai đoạn khởi phát kéo dài trong 1-2 tuần đầu, lúc này trẻ thường ho nhẹ về đêm.
Từ tuần thứ 3 trở đi, triệu chứng ho rầm rộ hơn, kèm theo các triệu chứng tím tái, thậm chí khiến béngưng thở. Đây là giai đoạn trẻ dễ gặp biến chứng nhất.
Sang tuần thứ 4-5, bệnh bước vào giai đoạn hồi phục, các cơn ho giảm dần.
Đối với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới một tuổi, ho gà dễ gây biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản phổi, vỡ phế nang nếu ho mạnh. Biến chứng nguy hiểm nhất là cơn ho kéo dài dẫn đến ứ đọng đàm nhớt, tím tái, thậm chí ngưng thở. Việc ho nhiều cũng có thể khiến trẻ mất sức, gây ăn uống kém, suy giảm dinh dưỡng.
"1/3 trẻ ở độ tuổi này bị ho gà phải nhập viện, tỷ lệ tử vong thường khá thấp, dưới 1%", bác sĩ Lưu chia sẻ.
Bác sĩ Lưu khuyến cáo khi trẻ có cơn ho điển hình, ho dài, ho sặc sụa, đỏ mặt, tím tái, phụ huynh cần đưa vào bệnh viện ngay lập tức để tránh việc tím tái dẫn đến ngưng thở.
Trẻ hồi phục sau khi mắc bệnh ho gà có thể hoàn toàn khỏe mạnh và không có di chứng về sau. Tuy nhiên, cũng có một số tỷ lệ rất nhỏ biến chứng viêm não dẫn đến di chứng thần kinh sau này.
Phụ huynh có thể phòng bệnh ho gà cho con bằng cách tiêm đủ 4 mũi vaccine theo lịch trình, tiêm nhắc đầy đủ cho các trẻ lớn; giữ vệ sinh thân thể, mũi họng cũng như môi trường sống.
Ngoài ra, trẻ cũng cần tập thói quen thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi.
Khi trong gia đình có người mắc bệnh hô hấp, bé cần được hạn chế tiếp xúc để tránh nhiễm bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc ho gà, trẻ cần được nghỉ học, hạn chế tiếp xúc và đi khám để được điều trị kịp thời.