Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Ba (2/4), đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp trong sự khởi đầu thiếu thuận lợi củּa quּý 2, khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng và các nhà giao dịch giảm đặt cược vào khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6.
Giá dầu thô tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, trong khi giá bitcoin bất ngờ lao dốc về vùng 65.000 USD.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 396,61 điểm, tương đương giảm 1%, còn 39.170,24 điểm. Ở thời điểm lập đáy của phiên, chỉ số bluechip này giảm tới hơn 500 điểm.
Chỉ số S&P 500 mất 0,72%, còn 5.205,81 điểm. Chỉ số Nasdaq trượt 16.240,45 điểm.
Với mức giảm như trên, đây là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones và S&P 500 kể từ hôm 5/3.
Sau thành quả tăng rực rỡ củּa quּý 1, chứng khoán Mỹ đang có sự khởi đầu kém thuận lợi cho quý 2. Số liệu thống kê công bố vào tuần trước cho thấy lạm phát còn dai dẳng ở mức cao hơn đáng kể so với mục tiêu là nhân tố đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ lên cao hơn và giảm khả năng Fed khởi động giảm lãi suất vào tháng 6. Biến động của lợi suất và kỳ vọng lãi suất gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu.
Phiên này, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất kể từ cuối tháng 11 năm ngoái. Việc giá dầu lên đỉnh của 6 tháng cũng không có lợi cho giá cổ phiếu vì khiến nhà đầu tư thêm phần lo ngại về triển vọng lạm phát.
“Thị trường đang đương đầu với áp lực kép từ số liệu lạm phát còn nóng và nhu cầu hiện thực hóa lợi nhuận của nhà đầu tư”, CEO Greg Bassuk của công ty AXS Investments nhận định với hãng tin CNBC. Ông Bassuk cho rằng sau khi đã tăng mạnh trong quý 1, thị trường sẽ cần một chút điều chỉnh, “nhưng nhà đầu tư đang cho rằng lãi suất sẽ giữ ở mức cao hơn trong thời gian lâu hơn”.
Với góc nhìn lạc quan hơn, chuyên gia Sarat Sethi của công ty Douglas C. Lane & associates cho rằng phiên bán tháo này chẳng qua là kết quả tự nhiên của việc giá cổ phiếu đã tăng quá nhanh thời gian qua.
Dẫn đầu phiên giảm này là các cổ phiếu công nghệ. Tesla giảm 4,9% sau khi hãng xe điện công bố số lượng xe được giao trong quý 1 gây thất vọng. Cổ phiếu Nvidia, Alphabet và Microsoft cũng đồng loạt chốt phiên trong sắc đỏ.
S&P 500 đã tăng 10% trong quý 1, quý đầu năm tăng mạnh nhất của chỉ số này kể từ năm 2019. Động lực tăng trong quý là sự đặt cược của nhà đầu tư rằng lạm phát sẽ giảm đủ để Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng. Nasdaq tăng 9% trong quý 1 nhờ “cơn sốt” trí tuệ nhân tạo (AI) mà cổ phiếu chip Nvidia chính là tâm điểm.
Các số liệu kinh tế Mỹ những ngày gần đây đều cho thấy nền kinh tế Mỹ đang mạnh và lạm phát giảm chậm. Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng - tăng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn 0,8 điểm phần trăm so với mục tiêu lạm phát 2% của Fed. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất do viện Quản lý nguồn cung (ISM) công bố ngày thứ Hai cho thấy lĩnh vực sản xuất đã tăng trưởng trở lại lần đầu tiên kể từ tháng 9/2022.
Phát biểu ngày thứ Ba, hai Chủ tịch chi nhánh Fed là bà Mary Daly của Fed San Francisco và bà Loretta Mester của Cleveland đều dự báo Fed sẽ giảm lãi suất trong năm nay nhưng cho rằng việc bắt đầu sẽ không sớm diễn ra.
Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 63% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6, từ mức khoảng 70% vào tuần trước - theo công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
Giá dầu thô WTI giao sau tại New York tăng 1,44 USD/thùng, tương đương tăng 1,72%, chốt ở mức 85,15 USD/thùng. Giá dầu Brent giao sau tại New York tăng 1,53 USD/thùng, tương đương tăng 1,75%, chốt ở mức 88,94 USD/thùng.
Dầu tăng giá do mối lo mới về sự gián đoạn nguồn cung khi căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông và Ukraine có thêm một vụ tấn công bằng thiết bị bay không người lái (drone) nhằm vào một nhà máy lọc dầu lớn của Nga.
“Tuần mới, tháng mới và quý mới bắt đầu bằng sự leo thang căng thẳng ở Trung Đông với sự dính líu gián tiếp của Iran”, nhà phân tích Tamas Varga của công ty môi giới dầu lửa PVM Oil nói trong một báo cáo ngày thứ Ba về động lực tăng giá cảu dầu.
Iran - một thành viên của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) - cáo buộc Israel gây ra vụ không kích hôm thứ Hai nhằm vào lãnh sự quan Iran ở thủ đô Damascus của Syria. Vụ tấn công được cho là đã khiến 7 sỹ quan thiệt mạng.
Trong khi Israel chưa đứng ra nhận trách nhiệm về vụ tấn công trên, Iran ngày thứ Ba tuyên bố sẽ trả đũa. Đây được xem là một bước leo thang căng thẳng quan trọng trong cuộc chiến tranh Israel-Hamas ở dải Gaza. Bà Varga nói rằng nếu Iran dính líu trực tiếp tới cuộc chiến, cuộc khủng hoảng ở Gaza sẽ lan rộng ra Trung Đông và có thể ảnh hưởng tới nguồn cung dầu thô.
Vụ tấn công ngày thứ Ba của Ukraine nhằm vào nhà máy lọc dầu thuộc hàng lớn nhất của Nga, nằm ở vùng Tatarstan cách Moscow 1.300 km về phía Đông Nam. Nga, một thành viên của liên minh OPEC+, liên tục hứng các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào các nhà máy lọc dầu trong thời gian gần đây. Sự gia tăng căng thẳng này cũng có thể khiến nguồn cung dầu thô của Nga giảm sút.
Áp lực từ triển vọng lãi suất cũng khiến giá bitcoin sụt giảm. Đồng tiền ảo lớn nhất thế giới đã giảm hai ngày liên tiếp, về dưới mốc 65.000 USD. Theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com, giá bitcoin lúc hơn 7h sáng nay theo giờ Việt Nam còn hơn 64.900 USD, giảm hơn 6% so với cách đó 24 tiếng và giảm gần 8% so với cách đó 1 tuần.
Mới hôm thứ Hai, giá bitcoin còn trên mốc 70.000 USD. Hiện tại, giá bitcoin đã giảm khoảng 11% so với mức kỷ lục trên 73.000 USD thiết lập vào giữa tháng 3.
Ngoài sức ép từ lãi suất, giá bitcoin còn giảm do đồng USD tăng giá mạnh lên mức cao nhất 5 tháng. Chưa kể, một “cá mập” với lượng nắm giữ bitcoin lớn đã chuyển hơn 4.000 đồng bitcoin tới sàn giao dịch Bitfinex vào tối hôm thứ Hai theo giờ Mỹ. Dữ liệu từ công ty CryptoQuant cho thấy lượng bitcoin dự trữ trên sàn này tăng vọt - một dấu hiệu của lực bán gia tăng - và điều này xảy ra đồng thời với cú giảm của giá bitcoin vào tối thứ Hai.
Dù vậy, nếu tính từ đầu năm, giá bitcoin hiện vẫn tăng khoảng gấp rưỡi.