Tin liên quan
Chiều 27-3, TAND TP Hà Nội đã tuyên án tám năm tù đối với bị cáo Đỗ Anh Dũng (chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty Tân Hoàng Minh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cùng về tội danh này, 14 bị cáo khác lãnh các mức án từ 18 tháng tù cho hưởng án treo đến ba năm tù.
Theo số lượng thống kê, vụ án có 6.630 bị hại. Có lẽ đây là một đại án với số lượng bị hại rất lớn.
Theo cáo trạng, năm 2021, ông Đỗ Anh Dũng cùng các đồng phạm đã huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Tại thời điểm khởi tố vụ án, tháng 4-2022, Tân Hoàng Minh dùng hơn 5.000 tỉ đồng của người mua trái phiếu sau để trả cho người mua trái phiếu đến hạn trước. Số tiền còn lại hơn 8.643 tỉ đồng của 6.630 khách hàng đã bị Tân Hoàng Minh chiếm đoạt. Trong giai đoạn điều tra, ông Dũng đã nộp lại toàn bộ số tiền chiếm đoạt vào kho bạc nhà nước.
Trong những ngày tòa xét xử, hơn 1.200 bị hại đã xin giảm án cho các bị cáo. Nhiều nhà đầu tư bày tỏ mong muốn được nhận lại tiền ngay sau phiên tòa sơ thẩm. Một số người muốn được nhận lại cả tiền mua trái phiếu và tiền lãi, lãi chậm trả, tiền bồi thường thiệt hại. Đối với họ, việc chủ mưu và đồng phạm nhận bao nhiêu năm tù không quan trọng bằng việc họ được nhận lại tiền càng sớm càng tốt.
Vấn đề pháp lý đặt ra là khi nào thì các bị hại trong vụ án này mới nhận lại được tiền của mình?
Trong BLHS, “bồi thường thiệt hại” được xem là biện pháp tư pháp (Điều 46); còn trong BLTTHS thì “bồi thường thiệt hại” có khi là vấn đề dân sự trong vụ án Hình Sự, có khi tách ra để giải quyết riêng (Điều 30).
Căn cứ các điều như Điều 106 BLTTHS về xử lý vật chứng, Điều 30 BLTTHS về giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án Hình Sự thì trong quá trình tố tụng Hình Sự, nếu bị cáo hoặc người thân thích của bị cáo tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả thì bị hại được nhận tài sản ngay trong quá trình tố tụng. Trường hợp bị cáo không bồi thường trực tiếp cho bị hại mà lại nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng thì phải chờ đến khi bản án có hiệu lực Pháp Luật, cơ quan thi hành án mới căn cứ vào bản án đó để thi hành đối với phần dân sự.
Có thể suy luận rằng số tiền khắc phục hậu quả đang được tạm giữ tại kho bạc nhà nước chắc chắn sẽ được dùng để khắc phục hậu quả, tức là trả lại cho bị hại. Tuy nhiên, phải chờ đến khi bản án có hiệu lực Pháp Luật thì việc nhận lại tiền mới có thể được thực hiện, thông qua cơ quan thi hành án. Và như vậy, bị hại vẫn phải tiếp tục chờ đợi và nguyện cầu cho hoạt động xét xử được diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng để sớm nhận lại tiền.
Nhà nước pháp quyền không chỉ là nhà nước quản lý xã hội bằng Pháp Luật mà quan trọng hơn là các quy định Pháp Luật phải hợp lý, mang tính nhân văn sâu sắc. Bên cạnh đó, hoạt động áp dụng Pháp Luật của cơ quan nhà nước cũng phải thấu tình, đạt lý nhằm bảo vệ người yếu thế.
Trong vụ án Tân Hoàng Minh, rõ ràng những người mua trái phiếu là những người cần được bảo vệ đầu tiên. Trái phiếu của Tân Hoàng Minh phát hành trái Pháp Luật nên bị hủy. Thế nhưng khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định 181 hủy trái phiếu Tân Hoàng Minh vào ngày 3-4-2022 lại chưa đề cập đến quyền và lợi ích hợp pháp của những người mua trái phiếu.
Kết quả xét xử sơ thẩm, tòa cũng không tuyên cho các bị cáo được nhận lại tiền sau khi kết thúc phiên tòa. Về ý kiến của các bị hại yêu cầu được trả lãi, HĐXX xét thấy không có căn cứ tính lãi; yêu cầu này chỉ được xem xét giải quyết sau khi bản án xác định trách nhiệm bồi thường của các bị cáo có hiệu lực Pháp Luật.
Hiện nay, mặc dù việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án Hình Sự được quy định trong BLHS, BLTTHS và hướng dẫn trong nhiều công văn của TAND Tối cao (như Công văn 121/2003/KHXX ngày 19-9-2003, Công văn 233/TANDTC-PC ngày 1-10-2019) nhưng vẫn cần nhiều bổ sung để kịp thời giải quyết các vấn đề có tính cấp bách.
Điểm b khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức TAND cho phép Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao “ban hành nghị quyết hướng dẫn các tòa án áp dụng thống nhất Pháp Luật”.
Do đó, đối với vụ án này, nên chăng Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có thể ban hành một nghị quyết quy định: Trong trường hợp bị cáo đã nộp đủ tiền khắc phục hậu quả vào tài khoản tạm giữ của cơ quan tố tụng, tại phiên tòa sơ thẩm mà bị cáo đồng ý bồi thường thiệt hại thì sau khi có phán quyết của tòa sơ thẩm, dù bản án chưa có hiệu lực Pháp Luật nhưng cơ quan thi hành án vẫn được căn cứ vào bản án đó tiến hành giải quyết cho bị hại nhận tiền bồi thường.
Có như vậy, tòa án mới được xem là thành trì của công lý và hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân được Luật Tổ chức TAND quy định.
TS CAO VŨ MINH, Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM