Bộ Công an vừa có nội dung trả lời người dân về việc trong quá trình xe vi phạm giao thông bị tạm giữ nhưng xảy ra hư hỏng phương tiện. Khi đó người vi phạm hay cơ quan chức năng sẽ phải chịu trách nhiệm?
Theo Bộ Công an, Nghị định số 138/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ quy định về quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu và giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ theo thủ tục hành chính đã quy định về việc này.
Cụ thể, khoản 2 Điều 3 nêu rõ các tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu phải được bảo đảm tính nguyên vẹn, không tính đến phần giảm giá thiệt hại do các nguyên nhân khách quan như thời tiết, độ ẩm, hao mòn theo thời gian và các nguyên nhân khác.
Ngoài ra, khoản 3 Điều 9 nêu người quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ có trách nhiệm trực tiếp quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện bị tạm giữ, tịch thu giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Trường hợp tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ bị mất, bán trái quy định, đánh tráo, hư hỏng, mất linh kiện, thay thế thì phải chịu trách nhiệm trước Pháp Luật và người ra quyết định tạm giữ, tịch thu về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện, giấy phép, chứng chỉ hành nghề bị tạm giữ.
Do đó, Bộ Công an khẳng định, khi gặp tình trạng nêu trên, chủ phương tiện cần liên hệ với cơ quan ra quyết định tạm giữ xe để được giải quyết.
Đề xuất bỏ tạm giữ phương tiện khi vi phạm lỗi nhẹ
Liên quan đến công tác cải cách thủ tục hành chính Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam có đề xuất về sửa đổi quy định tạm giữ phương tiện giao thông vi phạm.
Theo nội dung Thông báo số 71/TB-VPCP ngày 28-2-2024 của Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam giải thích về đề xuất: Hiện nay cả nước có hàng triệu phương tiện giao thông (ô tô, mô tô, xe gắn máy) bị tạm giữ do người điều khiển vi phạm. Thống kê giai đoạn 2013-2019, đã có hơn 4,3 triệu xe ôtô, gắn máy bị tạm giữ. Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 6 tháng đầu năm 2023, công an đã giữ 528.461 phương tiện các loại.
"Điều này dẫn đến tình trạng quá tải tại các cơ sở tạm giữ xe thuộc quản lý của lực lượng CSGT", Hiệp hội này dẫn chứng.
Hiệp hội cũng nêu ra tại các thành phố lớn, quỹ đất hạn chế, các bãi tạm giữ xe liên tục quá tải. Nhiều bãi tạm giữ phương tiện vi phạm không đảm bảo điều kiện về an ninh trật tự, an toàn PCCC, phương tiện bị hư hỏng do mưa nắng. Thậm chí tại một số bãi tạm giữ xe vi phạm đã xảy ra tình trạng cháy nổ, gây thiệt hại lớn về tài sản. Việc đầu tư, duy trì các cơ sở tạm giữ xe vi phạm cũng gây tốn kém ngân sách...
Theo Hiệp hội này từ năm 2023, sau khi lực lượng CSGT triển khai đo nồng độ cồn, số phương tiện vi phạm tăng đột biến, gây áp lực nặng nề đối với các kho, bãi tạm giữ xe. Một số trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị phạt tiền lớn, nhiều hơn giá trị của xe nên nhiều người đã bỏ xe, dẫn đến các phương tiện vi phạm bị đưa vào kho tạm giữ ngày càng tăng. Bên cạnh đó, thủ tục để bán đấu giá các loại tài sản vi phạm rất phức tạp, cần nhiều thời gian nên hầu như các kho, bãi tạm giữ xe chỉ tăng chứ không giảm về số lượng.
Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam kiến nghị: Do đó, trừ các phương tiện là tang vật trong các vụ án Hình Sự hoặc các trường hợp người vi phạm lỗi nặng, nên nghiên cứu sửa đổi bỏ tạm giữ phương tiện trong một số trường hợp lỗi nhẹ. Có thể tăng tiền phạt thay cho việc tạm giữ phương tiện.
Hiệp hội này cũng phân tích thêm, người vi phạm đã bị tạm giữ giấy phép lái xe (GPLX) nên bị tước quyền điều khiển phương tiện giao thông nên việc tạm giữ phương tiện không thực sự cần thiết. Qua đó, hạn chế số lượng xe bị tạm giữ, giảm bớt áp lực cho cơ quan quản lý, tiết kiệm quỹ đất, ngân sách nhà nước…