Lạc quan về triển vọng 2024
Lợi nhuận các công ty chứng khoán (CTCK) bắt đầu phục hồi và trở lại đà tăng trưởng từ nửa cuối năm 2023. Hầu hết các CTCK đều ghi nhận tăng trưởng lợi nhuận đáng kể trong năm 2023 so với mức nền thấp của năm 2022.
Sang năm 2024, tiếp đà tăng trưởng cùng môi trường vĩ mô thuận lợi, nhiều CTCK lạc quan lên kế hoạch kinh doanh tăng hàng chục, hàng trăm phần trăm so với năm trước.
Ở nhóm quy mô lớn, Chứng khoán Mirae asset (MASVN) đặt mục tiêu doanh thu 2.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với mức thực hiện năm 2023. Lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 913 tỷ đồng, tăng 23,4%.
Chứng khoán MB (MBS) đặt mục tiêu doanh thu 2.786 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 930 tỷ đồng, lần lượt tăng 53% và 36% so với mức thực hiện của năm 2023.
Còn Chứng khoán VietCap cũng kỳ vọng doanh thu 2.551 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 700 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng ở mức 2% và 23%.
Ông lớn đầu ngành, Chứng khoán SSI tham vọng năm 2024 với doanh thu hợp nhất năm 2024 đạt 8.112 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.398 tỷ đồng. Trong đó, lợi nhuận dự kiến tăng 19% so với mức thực hiện năm 2023, là mức lợi nhuận cao nhất trong lịch sử hoạt động.
Ở nhóm quy mô vừa và nhỏ, Chứng khoán KAFI đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 88%, Chứng khoán ACB (ACBS) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 52%, Chứng khoán LPBank (LPBS) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 185%, Chứng khoán Phú Hưng (PHS) đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 135%.
Theo Vietcap, thị trường chứng khoán 2024 dự kiến có nhiều khởi sắc và lạc quan nhờ vào sự phục hồi của các doanh nghiệp, kết hợp với lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, định giá doanh nghiệp cũng đã rơi vào vùng hấp dẫn trong dài hạn.
MBS cũng lạc quan cho rằng lợi nhuận các doanh nghiệp niêm yết dự kiến tăng 12 - 16% và các giải pháp nhằm nâng hạng thị trường chứng khoán được triển khai mạnh mẽ trong năm 2024 là nền tảng thúc đẩy gia tăng thanh khoản thị trường, dự kiến đạt 20.000 tỷ đồng/phiên.
Hiện nay, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc sửa đổi nhiều quy định pháp lý có liên quan nhằm tháo gỡ một số nút thắt quan trọng, đáp ứng các tiêu chí nâng hạng của tổ chức xếp hạng quốc tế. Theo đó, cơ quan quản lý sẽ sửa đổi một số quy định tại 4 thông tư nhằm cải thiện 2 nhóm vấn đề chính là ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và yêu cầu về quyền tiếp cận thông tin bình đẳng, kịp thời của nhà đầu tư nước ngoài.
Đây là một trong những động thái mới nhất của cơ quan quản lý nhằm tháo nút thắt về các tiêu chí còn chưa đáp ứng được của Việt Nam để nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Cùng với kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận, nhiều CTCK cũng lên phương án tăng vốn điều lệ để gia tăng nguồn lực, đầu tư vào hạ tầng công nghệ, cũng như bổ sung vốn cho các hoạt động kinh doanh như cho vay ký quỹ, tự doanh, chiến lược phí 0 đồng cho môi giới chứng khoán.
Theo Chứng khoán VNDIRECT, tăng vốn là động lực tăng trưởng chính của các CTCK, đặc biệt là các công ty theo đuổi mô hình kinh doanh dựa vào hoạt động cho vay và giao dịch tự doanh.
Chuyển dịch mô hình kinh doanh
VNDIRECT cho rằng, các CTCK tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân đang chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm chi phí giao dịch, thậm chí miễn phí hoa hồng để bán các sản phẩm khác (như cho vay ký quỹ, quản lý tài sản hoặc tư vấn đầu tư).
Trong khi các công ty hướng đến khách hàng tổ chức gặp khó khăn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp và phát hành công khai lần đầu (IPO) đang còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi thị trường tài chính phát triển và vai trò của nhà đầu tư tổ chức lớn hơn, VNDIRECT cho rằng các công ty theo đuổi mô hình bán buôn sẽ có lợi hơn.
Với mảng cho vay ký quỹ, VNDIRECT cho rằng hoạt động này sẽ được hưởng lợi đầu tiên trong môi trường lãi suất thấp được duy trì, khi mô hình kinh doanh phụ thuộc nhiều hơn vào sự chênh lệch giữa lãi suất cho vay ký quỹ và chi phí vốn. Cho vay ký quỹ và đầu tư sẽ là nguồn doanh thu chính cho công ty chứng khoán, những công ty có thể phát triển cơ sở khách hàng cá nhân, có thị phần môi giới lớn và có khả năng huy động được lượng vốn lớn sẽ có thể phát triển hoạt động cho vay ký quỹ trong tương lai.
Mảng môi giới dự kiến sẽ tiếp tục đà tăng trưởng trong năm 2024, phù hợp với sự phục hồi chung của ngành. Tuy nhiên, VNDIRECT dự báo, doanh thu từ hoạt động môi giới có xu hướng thu hẹp. Mảng môi giới sẽ không chỉ mang tính chất đóng góp lợi nhuận mà còn là khía cạnh chiến lược định hướng thị trường đại chúng cho các công ty trong ngành.
Các công ty chứng khoán sẽ tận dụng mảng môi giới cùng chiến lượng giảm, miễn phí để thu hút lượng lớn khách hàng giao dịch, từ đó bán chéo các sản phẩm như cho vay ký quỹ, dịch vụ lưu ký, tư vấn đầu tư hay quản lý tài sản.
Hoạt động tự doanh - một trong hai mảng quan trọng nhất trong mô hình kinh doanh của công ty chứng khoán sẽ nhanh chóng mang lại hiệu quả tích cực cho kết quả kinh doanh, đặc biệt phù hợp trong giai đoạn thị trường tăng trưởng, theo VNDIRECT.
Tuy nhiên, do tính chất không ổn định của mảng này và sự phức tạp trong việc phân tích triển vọng, rủi ro đối với các cơ hội đầu tư, trái ngược với sự đơn giản của mô hình cho vay ký quỹ, VNDIRECT cho rằng các công ty chứng khoán nên xem đây là phương án tối ưu hóa vốn sau khi đáp ứng được nhu cầu cho vay ký quỹ của khách hàng.
Về mảng ngân hàng đầu tư (IB), VNDIRECT cho rằng mảng kinh doanh này sẽ cần thời gian để phục hồi sau khi lợi nhuận tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2023. Tuy nhiên, vai trò của mảng IB được cho là sẽ dần trở nên quan trọng hơn, khi thị trường chứng khoán phát triển, trở nên chuyên nghiệp hơn với các nhà đầu tư tổ chức chiếm tỷ trọng lớn hơn về khối lượng và giá trị giao dịch.
VNDIRECT kỳ vọng lợi nhuận của các công ty chứng khoán sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2024, cùng với đó chỉ số sinh lời ROE dự báo cải thiện so với năm trước.