VN-Index ghi nhận phiên giao dịch 23/2 quay đầu giảm sâu, mất hơn 15 điểm (-1,25 %), về mốc 1.212 điểm. Mức giảm 1,25% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm mạnh nhất châu Á trong ngày. Phiên giảm mạnh cũng đã "thổi bay" hơn 62.000 tỷ đồng vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 23/2, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn hơn 4,9 triệu tỷ đồng.
Cổ đông lớn và “cá mập” đua nhau bán ra
Đáng chú ý, áp lực bán ròng của bộ phận khối ngoại là điểm trừ khiến VN-Index liên tục gặp rung lắc. Hai phiên gần nhất, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng hơn 1.700 tỷ đồng giá trị cổ phiếu trên sàn HoSE. Trước đó, khối này đã mua ròng nhẹ gần 180 tỷ đồng trong tháng đầu năm.
Theo thống kê, nhà đầu tư nước ngoài đã có 4 năm liên tiếp bán ròng trong tháng 2. Giới phân tích dự báo xu hướng này nhiều khả năng sẽ còn tiếp nối trong năm nay khi động thái xả hàng của khối ngoại đang có dấu hiệu gia tăng gần đây.
Bên cạnh áp lực chốt lời của nhà đầu tư ngoại, một bộ phận khối nội cũng tiến hành bán mạnh khiến lực đỡ không còn được duy trì như giai đoạn trước Tết âm lịch. Điển hình là tự doanh của các công ty chứng khoán đang có xu hướng bán mạnh thời gian gần đây.
Cụ thể, trong phiên 22/2 tương đối giằng co, VN-Index ghi nhận áp lực bán ra mạnh trong bối cảnh chỉ số đã có quãng tăng điểm dài, khối tự doanh ghi nhận bán ròng với giá trị 288 tỷ đồng. Trước đó, trong phiên 20/2 giằng co, tự doanh cũng ghi nhận bán ròng với giá trị 430 tỷ đồng; phiên 19/2 bán ròng gần 600 tỷ đồng…
Ngoài ra, nhiều cổ đông lớn, lãnh đạo doanh nghiệp và người nhà cũng liên tục đăng ký bán ra cổ phiếu.
Mới nhất, ông Robert Alan Willett, Thành viên HĐQT không điều hành Công ty Cổ phần Đầu tư Thế giới Di dộng (MWG) đăng ký bán ra 1,2 triệu cổ phiếu MWG, giảm số cổ phần nắm giữ từ 8 triệu xuống 6,8 triệu cổ phiếu. Được biết, ông Robert Alan Willett hiện là thành viên HĐQT có thu nhập cao nhất trong dàn lãnh đạo cấp cao tại Thế Giới Di Động khi “bỏ túi” hơn 2,25 tỷ đồng thu nhập trong năm 2023.
CTCP Diamond Properties cũng vừa đăng ký bán ra 4 triệu cổ phiếu NVL của CTCP Đầu tư Địa ốc No Va ( Novaland ) nhằm hạ sở hữu xuống còn 171,4 triệu đơn vị (8,79% vốn), ước tính thu về khoảng 69 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết, vợ ông Đỗ Xuân Chiểu, thành viên HĐQT Thép Pomina vừa thông báo sẽ bán toàn bộ 8,16 triệu cổ phiếu POM trong khoảng thời gian từ 23/2 - 22/3, thu về xấp xỉ 42,6 tỷ đồng. Không riêng bà Tuyết, giữa năm 2023 đến nay, người thân lãnh đạo Thép Pomina liên tục bán ra cổ phiếu POM.
Ông Trần Thiên Hà, Tổng Giám đốc Chứng khoán APG đã bán thành công 800.000 cổ phiếu APG trong phiên 20/2, giảm số lượng cổ phiếu đang nắm giữ xuống còn 1,01 triệu cổ phiếu, chiếm 0,66%...
Không nên quá lo?
Tính từ đầu năm đến nay, VN-Index đã tăng khoảng 100 điểm, tương ứng với mức tăng gần 10% với hiệu ứng tháng Giêng. Nhiều cổ phiếu theo đó có mức sinh lời tốt, thị trường cũng sôi động dẫn tới việc chốt lời của các cổ đông lớn và “cá mập” diễn ra là điều để hiểu, đặc biệt là dòng vốn ngoại. Điều này được cho là nguyên nhân ảnh hưởng khá lớn đến điểm số của thị trường.
Thực tế, trong bối cảnh thị trường tăng nóng sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, giới phân tích đánh giá đà tăng của thị trường đã chững lại trước áp lực bán tăng dần khi VN-Index tiến gần vùng cản mạnh 1.250 điểm.
“Về trung hạn, VN-Index đang vận động trong khu vực cân bằng để hình thành nền tích lũy mới và thị trường sẽ hình thành nền tích lũy trong biên độ 1.150 điểm - 1.250 điểm. Hiện tại, VN- gần như tiệm cận vùng cản trên của kênh tích lũy nên rủi ro trong ngắn và trung hạn đang tăng lên”, theo Chứng khoán SHS.
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Giám đốc Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam cho rằng dòng tiền xoay vòng quanh các nhóm cổ phiếu, đặc biệt là bluechips đẩy VN-Index tăng khá nhanh trong thời gian qua.
"Không thị trường nào có thể tăng mãi, khi đà hưng phấn kéo dài, áp lực cung sẽ gia tăng và nhịp điều chỉnh giảm là không tránh khỏi. Thêm vào đó, VN-Index đã tiệm cận vùng kháng cự mạnh quanh mốc 1.230-1.250 điểm cũng tạo áp lực cho thị trường chung”, ông Ngọc nhấn mạnh.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia này cho rằng những nhà đầu tư có lãi nên tìm cơ hội chốt lời trong những phiên thị trường hồi phục. Những nhà đầu tư ngắn hạn chưa có cổ phiếu cũng không nên vội vàng "thấy chỉnh mà mua", thay vào đó nên chờ đợi thị trường tìm một điểm cân bằng mới để giải ngân cho một nhịp tăng mới. Bởi xu hướng tăng trung và dài hạn vẫn được bảo toàn.
Người đứng đầu Pyn Elite Fund, ông Petri Deryng tỏ ra lạc quan vào triển vọng thị trường thời gian tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang ghi nhận những tín hiệu khởi sắc, triển vọng lợi nhuận tích cực trong vài năm tới. Hiện thị trường chứng khoán đang chưa phản ánh tốc độ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp và câu chuyện giảm lãi suất. Nếu lãi suất trong nước giảm, thanh khoản thị trường sẽ dồi dào và lợi nhuận doanh nghiệp dự kiến tăng trưởng mạnh, từ đó làm lợi nhuận thị trường tăng.
Trong báo cáo chiến lược mới công bố, SSI Research cho rằng xu hướng của dòng vốn ngoại sẽ đảo chiều trong năm 2024 theo sau động thái hạ dần lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và cơ hội thị trường chứng khoán Việt Nam được FTSE Russell nâng hạng trong 2024-2025. Mặc dù dòng vốn ngoại có thể chưa hồi phục ngay lập tức nhưng ít nhất áp lực bán ròng có thể sẽ không còn mạnh mẽ như năm trước.
Đồng quan điểm, chuyên gia từ Dragon Capital nhận định dòng vốn nước ngoài có thể sẽ được cải thiện khi có bất kỳ thông tin tích cực nào của thị trường như việc cởi nút thắt ký quỹ trước giao dịch (pre-funding), hay các bước tiến mới trong quá trình nâng hạng lên thị trường mới nổi (EM). Nhìn chung, Dragon Capital đánh giá năm 2024 là thời điểm hấp dẫn để tham gia vào thị trường chứng khoán.