Người dân bức xúc
Huyện Hàm Thuận Nam, Hàm Thuận Bắc là địa phương có diện tích trồng thanh long lớn của tỉnh Bình Thuận. Thời gian gần đây, nhiều bóng đèn hư hỏng được đổ đống dọc các tuyến đường dân sinh ra vào khu vực trồng thanh long. Cụ thể như tuyến đường từ xã Hàm Mỹ đi xã Mương Mán, huyện Hàm Thuận Nam và đường liên thôn dọc hồ Cà Giang, xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc.
Bà Lâm Thị Thu Hồng, ngụ xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc cho biết, trong bóng đèn có chứa một lượng nhỏ thủy ngân, nếu bị vỡ sẽ phát tán ra môi trường, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của những người vô tình tiếp xúc với nó. Còn không may bị giẫm đạp dẫn đến nhiễm trùng cao.
Bà Hồng bức xúc: "Ý thức của bà con mình rất tệ, mặc dù chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền không xả rác ra nơi công cộng, nhất là rác thải từ bao bì, chao lọ thuốc bảo vệ thực vật, rác thải rắn. Nếu là rác thủy tinh như bóng đèn chong thanh long không còn sử dụng thì gom xử lý đảm bảo an toàn, nhưng họ vẫn lén lút mang ra vứt bỏ bừa bãi ngoài đường".
Khó xử lý...
Không chỉ riêng bà Lâm Thị Thu Hồng, mà nhiều dân khác ở đây cũng khá bức xúc với việc bóng đèn chong thanh long hư hỏng bị vứt bỏ bừa bãi.
Những bóng đèn bằng thủy tinh vứt bỏ dọc ven đường. Ảnh: N.Chinh
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó trưởng Phòng Tài Nguyên và Môi trường huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận cho biết, đây là loại chất thải gây hại: "Số lượng này rãi rác rất nhiều nơi, mà để thuê đơn vị đủ chức năng để thu gom và xử lý rất là khó. Nhưng hiện nay, phòng đã báo cáo với huyện là sẽ bố trí quy hoạch quỹ đất nào đó cho người dân tập kết về một chỗ, sau đó từ nguồn kinh phí xã hội hóa hay nguồn kinh phí Nhà nước để thuê đơn vị đủ chức năng để thu gom xử lý".
Ông Phan Văn Tấn – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận cho biết, tình trạng này đã được phản ánh, ngành chức năng đã vào cuộc tuyên truyền người dân ý thức xử lý rác đúng nơi quy định. Trong đó có việc Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 629 ngày 23/2/2021 chỉ đạo cho các sở, ban, ngành triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách tăng cường quản lý chất thải rắn.
Bóng đòn compact bỏ trong bao sau đó vứt bỏ bên bờ suối. Ảnh: N.Chinh
"Trong đó có giao cho các sở ngành thực hiện. Đối với cấp huyện phải chịu trách nhiệm về vấn đề phân loại và thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải trên địa bàn. Hằng năm, bố trí ngân sách để hỗ trợ thêm cho công tác quản lý đảm bảo thu gom để tiêu hủy đúng quy định và giảm thải đến môi trường. Đối với ngành nông nghiệp cũng đã chỉ đạo cho các đơn vị trực thuộc sở để tập huấn lòng ghép vào các chương trình để người dân biết để nâng cao nhận thức", ông Tấn nói.
Bình Thuận hiện có gần 26.500 ha thanh long và đa phần người trồng đều sử dựng kỹ thuật chong đèn cho thanh long ra quả trái vụ. Điều này cũng đồng nghĩa sẽ có một lượng lớn bóng đèn chong thanh long bị hư hỏng sẽ bị thải ra môi trường. Nếu không phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý đúng quy định sẽ gây nguy hại đến sức khỏe và ảnh hưởng đến môi trường.