Kinh tế thế giới
OPEC cam kết tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của thị trường
Tổng thư ký Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) Haitham Al-Ghais ngày 12/2 cho biết, khối này đang đang đàm phán với một số quốc gia quan tâm đến việc gia nhập liên minh giữa OPEC và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, đồng thời khẳng định OPEC cam kết tiếp tục hỗ trợ sự ổn định của thị trường năng lượng bất chấp những căng thẳng địa chính trị hiện nay trên thế giới.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn ENA của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), ông Al-Ghais khẳng định, tên của các quốc gia mong muốn gia nhập OPEC+ sẽ được công bố sau khi quá trình tham vấn được hoàn tất.
Tổng thư ký OPEC nhấn mạnh: "Bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho đối thoại và những nỗ lực chung trong các lĩnh vực như công nghệ, Điều lệ Hợp tác của OPEC+ hướng tới mục đích ổn định thị trường dầu mỏ và mang lại lợi ích cho tất cả các bên liên quan trong ngành dầu mỏ, bao gồm cả các quốc gia sản xuất và tiêu thụ".
Liên quan đến vấn đề điều chỉnh sản lượng tiềm năng giữa các quốc gia thành viên OPEC, ông Al-Ghais nói rằng những thành tựu liên tiếp của Tuyên bố Hợp tác đã thúc đẩy các nước tham gia tăng cường hơn nữa nỗ lực duy trì sự ổn định của thị trường. Tổng thư ký OPEC cũng nhấn mạnh thỏa thuận gần đây giữa các thành viên OPEC+ nhằm gia hạn kế hoạch cắt giảm sản lượng tự nguyện cho đến cuối năm 2024.
Các nước thành viên OPEC+, bao gồm Saudi Arabia, Nga, Iraq và UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman, đã tuyên bố cắt giảm sản lượng tự nguyện bổ sung đến cuối tháng 3/2024 nhằm hỗ trợ thêm cho thị trường dầu toàn cầu và đảm bảo sự ổn định của thị trường năng lượng. Tại cuộc họp trực truyến hồi đầu tháng này, Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng của OPEC+ đã nêu bật sự tuân thủ của các nhà sản xuất trong và ngoài OPEC.
Kinh tế Mỹ
* Kết quả khảo sát do tổ chức The Conference Board công bố ngày 8/2 cho thấy, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ đang cảm thấy lạc quan hơn về hướng đi của nền kinh tế lớn nhất thế giới, ngay cả khi những lo lắng của họ về cuộc bầu cử tổng thống sắp diễn ra ngày càng gia tăng.
Theo khảo sát, thước đo niềm tin của các giám đốc điều hành (CEO) đã chỉ ra rằng, lần đầu tiên sau hai năm, sự lạc quan đã lấn át sự bi quan.
Cụ thể, 36% CEO tham gia khảo sát kỳ vọng điều kiện kinh tế Mỹ sẽ được cải thiện trong ngắn hạn, tăng đáng kể so với mức 19% đo lường được vào quý IV/2023. Con số này phản ánh niềm tin ngày càng tăng của doanh nghiệp vào một cuộc "hạ cánh mềm" cho nền kinh tế Mỹ - một điều có vẻ rất khó xảy ra vào một năm trước.
Kinh tế Trung Quốc
* Theo Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC), nước này đã ký hiệp định thương mại tự do (FTA) với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ tính đến cuối tháng 1/2024.
Số liệu của chính phủ cho thấy, kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc và các đối tác trên chiếm khoảng 1/3 tổng kim ngạch thương mại của cả nước. Trung Quốc đã đạt được các bước đột phá mới về cả đàm phán và ký kết FTA trong năm ngoái.
Trong năm 2023, Trung Quốc đã ký FTA với Ecuador, Nicaragua và Serbia cũng như ký nghị định thư để nâng cấp FTA với Singapore và đạt các tiến triển đáng kể trong các cuộc đàm phán ban đầu về FTA với Honduras.
* Một nghiên cứu vừa ra mắt của Học viện Du lịch Trung Quốc dự báo, thị trường du lịch nước này sẽ trở lại nhộn nhịp trong năm 2024.
Theo báo cáo nghiên cứu, ước tính người dân Trung Quốc sẽ thực hiện khoảng 6 tỷ chuyến du lịch nội địa trong năm nay, tăng từ mức gần 4.9 tỷ chuyến vào năm 2023. Trong khi đó, tổng số khách Trung Quốc đi du lịch trong và ngoài nước sẽ vượt ngưỡng 260 triệu lượt.
Trung Quốc đang hướng tới một mùa du lịch bội thu, khi các cơ quan du lịch và các doanh nghiệp trong ngành kỳ vọng số lượt hành khách sẽ phá kỷ lục trong Lễ hội mùa Xuân sắp tới và tiếp thêm động lực mới cho quá trình phục hồi kinh tế của đất nước.
Kinh tế châu Âu
* Phòng Nông nghiệp CH Czech ngày 13/2 cho biết, các tổ chức nông nghiệp tại Trung và Đông Âu đang kêu gọi nông dân biểu tình rầm rộ trên khắp khu vực vào ngày 22/2 tới nhằm phản đối chính sách nông nghiệp của Liên minh châu Âu (EU).
Trước đó, các tổ chức nông nghiệp từ Czech cùng Slovakia, Hungary, Ba Lan, Latvia và Lithuania đã gửi một loạt yêu cầu lên Ủy viên Nông nghiệp EU, bao gồm yêu cầu bồi thường cho nông dân vì đã tuân thủ các quy định mới liên quan đến bảo vệ môi trường, giảm bớt tình trạng quan liêu và tăng tính minh bạch của hệ thống trợ cấp, cũng như quy định rõ hơn về nông sản của Ukraine xuất sang thị trường EU.
* Theo bản đánh giá về tình hình hiện tại của nền kinh tế Liên bang (LB) Nga do Bộ Phát triển Kinh tế soạn thảo, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2023 đạt mức cao nhất trong một thập kỷ qua, ngoại trừ giai đoạn hậu Covid-19.
Đánh giá lưu ý, theo ước tính đầu tiên của Rosstat (Tổng cục Thống kê LB Nga), tăng trưởng GDP năm 2023 là 3,6%, cao hơn hầu hết kỳ vọng. So với hai năm trước, mức tăng trưởng đạt 2,3%. Theo dự báo của bộ trên, GDP của Nga năm 2024 sẽ tăng 2,3%, trong khi đó, Ngân hàng trung ương LB Nga dự kiến tăng trưởng năm 2024 là 0,5-1,5%.
* Hãng thông tấn TASS của Nga dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Đức sẽ không tiếp tục vận hành đường ống còn lại của Dòng chảy phương Bắc 2(Nord Stream 2), mặc dù Moscow sẵn sàng cung cấp khí đốt qua tuyến này.
Trong buổi trả lời phỏng vấn nhà báo Mỹ Tucker Carlson, được công bố ngày 9/2, Tổng thống Putin bày tỏ: “Vấn đề không chỉ liên quan đến Dòng chảy phương Bắc 1 (Nord Stream 1) bị nổ. Nord Stream 2 bị hư hỏng, tuy vậy, một đường ống vẫn an toàn và khí đốt có thể được cung cấp cho châu Âu thông qua đó, nhưng Đức không mở”.
Đường ống Nord Stream 1 và 2 - vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Nga đến thị trường châu Âu thông qua Đức - đã bị hư hại nghiêm trọng hồi tháng 9/2022 sau các vụ nổ dưới đáy Biển Baltic.
* Ngày 9/2, nông dân Ba Lan đã phong tỏa các tuyến đường và tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại các trạm kiểm soát biên giới với Ukraine. Đây là hành động nhằm phản đối việc nhập khẩu nông sản từ quốc gia láng giềng này.
Ba Lan là một trong những nước luôn ủng hộ Ukraine, nhưng những xung đột kinh tế đã khiến mối quan hệ giữa các đồng minh trở nên xấu đi. Người nông dân ở Ba Lan cho rằng việc mở cửa thị trường Liên minh châu Âu (EU) cho nông sản của Ukraine đã khiến giá hàng hóa trong nước giảm và gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh.
* Theo số liệu từ Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong năm 2023. Đây đã là lần thứ tám liên tiếp Trung Quốc đứng đầu danh sách các đối tác thương mại lớn nhất của nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Theo Destatis, năm 2023, khối lượng trao đổi thương mại giữa Đức và Trung Quốc đạt khoảng 253 tỷ Euro (khoảng 270,73 tỷ USD). Thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc vẫn ở mức rất cao là 58,4 tỷ Euro, chỉ thấp hơn mức thâm hụt kỷ lục 86,1 tỷ Euro vào năm 2022.
Đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức là Mỹ với tổng khối lượng trao đổi đạt 252,3 tỷ Euro, thấp hơn chỉ 0,7 tỷ Euro so với trao đổi thương mại với Trung Quốc. Quốc gia láng giềng Hà Lan là đối tác thương mại lớn thứ ba của Đức, với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 214,8 tỷ Euro.
Kinh tế Nhật Bản và Hàn Quốc
* Những số liệu mới nhất về tốc độ tăng trưởng của kinh tế Nhật Bản đang được tính toán để xác nhận rằng nước này đã tụt hạng từ vị trí thứ ba xuống thành nền kinh tế lớn thứ tư trên thế giới trong năm 2023, do tác động của việc đồng tiền yếu và dân số già đi.
Trong khi nền kinh tế được cho là đang quay trở lại mức tăng trưởng hàng năm trung bình 1,2% trong quý IV/2024 sau khi suy giảm mạnh vào mùa Hè, các số liệu trong năm gần như chắc chắn cho thấy GDP của Nhật Bản thấp hơn Đức tính theo đồng USD.
* Ngân hàng Phát triển Nhật Bản (DBJ) được chính phủ hỗ trợ sẽ đầu tư hơn 150 tỷ Yen (1 tỷ USD) để xây dựng khả năng phục hồi chuỗi cung ứng chất bán dẫn, pin và các ngành công nghiệp quan trọng khác đối với an ninh kinh tế quốc gia. Các khoản đầu tư sẽ được giải ngân trong hai năm kể từ năm tài chính 2024 dưới hình thức bơm vốn và nợ thứ cấp.
* Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol ngày 13/2 đã chỉ thị Văn phòng Tổng thống nghiên cứu các biện pháp ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ khác, nhằm khuyến khích các doanh nghiệp nước này xây dựng các chương trình hỗ trợ nhân viên sinh con.
Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc - số con trung bình mà một phụ nữ có thể sinh ra trong cuộc đời mình, được ghi nhận ở mức thấp kỷ lục 0,78 vào năm 2022, thấp hơn nhiều so với mức thay thế cần thiết là 2,1 để duy trì dân số nước này ở mức 51 triệu dân.
* Kim ngạch nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc vượt 1 tỷ USD trong hai năm liên tiếp do ngày càng nhiều người dân xứ kim chi ưa chuộng và sử dụng thường xuyên đồ uống này.
Theo dữ liệu từ Cơ quan Hải quan Hàn Quốc, tổng giá trị cà phê xanh và cà phê rang nhập khẩu đạt 1,11 tỷ USD trong năm 2023, so với mức 1,3 tỷ USD một năm trước đó. Nhập khẩu cà phê của Hàn Quốc đã tăng ổn định kể từ năm 2018 khi ngày càng nhiều người Hàn Quốc thưởng thức đồ uống này.
Kinh tế ASEAN và các nền kinh tế mới nổi
* Lào đặt mục tiêu sẽ thu hút 6,2 triệu lượt du khách trong và ngoài nước để tạo ra nguồn doanh thu khoảng 1,3 tỷ USD trong năm 2024, tăng mạnh so với mục tiêu 4,6 triệu lượt khách mà nước này đề ra trước đó vào cuối năm 2023.
Để đạt được mục tiêu trên, giới chức sẽ thực hiện một loạt biện pháp như quảng cáo Năm Du lịch Lào bằng các thứ tiếng Lào, tiếng Anh và tiếng Trung; tổ chức các cuộc gặp gỡ giữa các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch; tổ chức các chuyến thăm tới một số địa điểm du lịch nổi tiếng của Lào cho những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội nhằm khuyến khích họ đăng tải các chuyến thăm trên YouTube...
* Indonesia đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm gạo chất lượng cao tại các cửa hàng bán lẻ hiện đại do các nhà sản xuất ấn định giá gạo ở mức cao.
Theo đó, giá gạo tại các chợ dân sinh đã đồng loạt tăng lên đáng kể, từ khoảng 13.000 Rp (0,83 USD)/kg lên khoảng 16.000 Rp-17.000 Rp (1,02-1,08 USD)/kg. Trước tình hình này, người đứng đầu Cơ quan Lương thực Quốc gia (Bapanas), Arief Prasetyo Adi, cho biết, cơ quan này đang thực hiện 5 biện pháp để đảm bảo nguồn cung gạo và ổn định giá cả trên toàn quốc.
Các biện pháp bao gồm: Đẩy nhanh quá trình dỡ hàng cho các tàu chở gạo nhập khẩu tại nhiều cảng trên cả nước; tiếp tục phân phối 200.000 tấn gạo thương mại từ Cơ quan Hậu cần Nhà nước (Bulog), trong đó có 50.000 tấn cho Chợ gạo trung tâm Cipinang ở Jakarta; phân phối gạo theo chương trình Bình ổn giá và cung cấp thực phẩm (SPHP) tới các chợ truyền thống cùng hệ thống cửa hàng bán lẻ, đồng thời tiếp tục chiến dịch Thực phẩm giá rẻ (GPM) trên toàn quốc.
* Nhà điều hành cảng lớn nhất Malaysia, Westports Holdings, đang tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược bên ngoài để tài trợ cho kế hoạch mở rộng cảng trị giá 11,1 tỷ USD nhằm nâng công suất lên gần gấp đôi trong những thập kỷ tới.
Westports là cảng lớn thứ hai ở Đông Nam Á và đang có kế hoạch tăng công suất lên 27 triệu TEU - từ mức 14 triệu TEU hiện nay - trong thời gian nhượng quyền kéo dài đến năm 2082.
* Thủ tướng Ai Cập Mostafa Madbouli ngày 12/2 cho biết, nước này đang tập trung vào đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế nhằm mục tiêu tạo thêm 7-8 triệu cơ hội việc làm từ nay tới năm 2030.
Theo ông Madbouli, quốc gia châu Phi đang tìm cách hỗ trợ các lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực cơ sở hạ tầng, để giúp thu hút thêm đầu tư trong và ngoài nước.