Điều này có lẽ chưa thể khi Quốc vụ khanh Nhà nước liên minh - ông Dmitry Mezentsev cho biết: “Vấn đề thiết lập một không gian tiền tệ duy nhất, trong khuôn khổ ‘thực thể siêu quốc gia’ hiện vẫn chưa được nhắc tới”.
Mặc dù vậy, nhà ngoại giao này cũng lưu ý thêm rằng hiện tại hai quốc gia đã đạt được mức độ đặc biệt trong thương mại song phương, thông qua việc thanh toán bằng đồng nội tệ của nhau.
Ông Mezentsev nhận xét, trong điều kiện địa kinh tế và địa chính trị hiện nay, trước hết cần giải quyết vấn đề liên quan đến việc tăng cường kim ngạch thương mại, xóa bỏ rào cản hành chính cũng như hình thành được chuỗi sản xuất thống nhất.
"Trong những năm trước, môi trường cạnh tranh của các nhóm sản phẩm tương tự đã được tạo ra một cách cố ý hoặc vô tình. Hiện tại, giới chuyên gia cho rằng về cơ bản chúng ta cần phải tránh xa điều này", ông Mezentsev nhấn mạnh.
Ngoài ra cần nói thêm, quy định về việc tạo ra một đơn vị tiền tệ duy nhất đã được nêu trong hiệp ước về việc thành lập Nhà nước Liên minh Nga - Belarus, được ký bởi hai Tổng thống Boris Yeltsin và người đồng cấp Alexander Lukashenko vào năm 1999.
Trong một thời gian dài, vấn đề then chốt ngăn cản việc hai thực thể cấu thành Nhà nước liên minh tiến tới sử dụng một loại tiền tệ duy nhất chính là vấn đề xác định trung tâm kiểm soát, mà thực chất chính là Ngân hàng trung ương chung.
Nhiều lựa chọn khác nhau đã được xem xét, chẳng hạn trong một thời gian, chính quyền Belarus muốn thành lập hai trung tâm kiểm soát có vai trò tương đương, đặt tại Minsk và Moskva.
Nhưng sau đó Belarus đã từ bỏ ý tưởng trên, thay vào đó, Minsk đưa ra đề xuất thành lập một ngân hàng trung ương thống nhất theo các điều khoản bình đẳng giữa đôi bên.
Mặc dù vậy, lãnh đạo Liên bang Nga coi ý tưởng này là thiếu công bằng, Moskva nhấn mạnh đến sự khác biệt về quy mô nền kinh tế giữa hai nước, vì vậy không thể “quy đồng mẫu số” một cách đơn giản.
Hiện tại, hai bên đã đi đến kết luận rằng mức độ hội nhập của Liên bang Nga và Belarus về kinh tế vẫn chưa thích hợp để phát triển cũng như thảo luận đầy đủ về việc hình thành một không gian tiền tệ duy nhất.
Để viễn cảnh đồng tiền chung thành hiện thực trong tương lai, hai quốc gia cần đưa luật pháp kinh tế của mình về một "mẫu số chung", chúng ta đang nói về luật chống độc quyền, mã số thuế và hải quan.
Vấn đề sử dụng đồng tiền chung trong giao dịch nhằm tránh phụ thuộc quá nhiều vào đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế cũng đang được Nga tích cực xúc tiến trong Tổ chức BRICS (Nhóm các nền kinh tế mới nổi).
Nhưng thậm chí trong trường hợp này, triển vọng còn u ám hơn khi các bên không tìm được sự thống nhất, đồng thời mâu thuẫn quyền lợi nội khối vẫn đang ở mức “nghiêm trọng”.