Phó Thủ tướng Ukraine Olha Stefanishyna phụ trách hội nhập Liên minh châu Âu và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết, dự thảo thỏa thuận an ninh giữa Đức với Ukraine đã được chuẩn bị, dù văn bản chưa được thống nhất hoàn toàn song “đã sẵn sàng về nhiều mặt.”
Trước đó, hôm 25/1, người phát ngôn Chính phủ Đức Steffen Hebestreit tiết lộ, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã nhất trí trong cuộc điện đàm việc đẩy nhanh các cuộc đàm phán về các cam kết an ninh song phương và các biện pháp hỗ trợ.
Vương quốc Anh là nước đầu tiên hoàn tất một thỏa thuận như vậy trong chuyến thăm của Thủ tướng Anh Rishi Sunak tới Kiev vào ngày 12/1. Thủ tướng Sunak cũng xác nhận viện trợ thêm 2,5 tỷ bảng Anh (3,2 tỷ USD) cho Ukraine trong năm tài chính tiếp theo.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đã công bố ý định ký một thỏa thuận tương tự với Ukraine.
Nhóm G7 (gồm Anh, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Pháp, Canada và Italia) tại hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) hồi tháng 7/2023 đã cam kết cung cấp bảo đảm an ninh cho Ukraine thông qua các hiệp ước song phương.
bình luận về quyết định này, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, mặc dù “tất cả các quốc gia đều có quyền đảm bảo an ninh của mình”, nhưng điều này không nên gây bất lợi cho các nước khác.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã chỉ trích thỏa thuận an ninh giữa Anh và Ukraine ký hồi tháng 1 vừa qua.
Ông Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh, cảnh báo rằng Moscow sẽ coi việc Anh triển khai bất kỳ lực lượng quân đội nào tại Ukraine là một “lời tuyên chiến” với Nga.