Ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, tim mạch, đột quỵ và ung thư
Theo Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), một số tỉnh, thành đã xảy ra tình trạng ô nhiễm không khí có nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.
Cục Quản lý môi trường y tế dẫn thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết ô nhiễm không khí làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm đường hô hấp cấp, viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, hen suyễn, bệnh tim mạch, đột quỵ và ung thư.
Ngoài ra, tiếp xúc với chất ô nhiễm trong không khí có thể gây tổn thương da, các bệnh về mắt, tác động đến hệ thần kinh, hệ miễn dịch.
Để bảo vệ sức khỏe người dân trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế xây dựng khuyến cáo phòng, chống ảnh hưởng của ô nhiễm không khí tới sức khỏe nhằm giúp người dân có những kiến thức cơ bản trong việc thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe.
Theo đó, trong văn bản của Cục Quản lý môi trường y tế gửi các địa phương trước ảnh hưởng của ô nhiễm không khí, Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo người dân thường xuyên theo dõi tình hình chất lượng không khí trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố để thực hiện các biện pháp dự phòng, bảo vệ sức khỏe phù hợp.
Khi ra khỏi nhà thường xuyên đeo khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Nên sử dụng khẩu trang, kính bảo vệ mắt khi làm vệ sinh, dọn dẹp nếu có nhiều bụi hoặc không khí bị ô nhiễm từ mức kém đến mức nguy hại.
Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, đốt rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga.
Với người hút thuốc lá, thuốc lào: nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút; không nên hút thuốc trong nhà. Với người không hút thuốc nên tránh xa khói thuốc.
Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe và thực hiện khám sức khỏe định kỳ.
Đối với những người nhạy cảm với các chất ô nhiễm trong không khí (trẻ em, phụ nữ mang thai, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch, người cao tuổi):
Nên tránh tiếp xúc với các nguồn phát thải chất ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông; các công trình xây dựng; khu vực đun nấu đốt nhiên liệu bằng than, củi, rơm rạ hoặc các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí khác.
Trong thời điểm không khí bị ô nhiễm nếu xuất hiện các triệu chứng hoặc bệnh cấp tính như sốt, viêm mũi họng, viêm phổi phế quản, huyết áp, tim mạch… cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Tăng cường dinh dưỡng nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
Nên chú ý giữ ấm cơ thể về mùa đông, tránh bị nhiễm lạnh đột ngột.
Người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ và duy trì điều trị theo đơn của bác sĩ chuyên khoa. Nếu có dấu hiệu khó chịu, tăng nặng nên đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để khám và được tư vấn, điều trị.
Người già, người mắc các bệnh hô hấp, tim mạch cần tuân thủ việc khám sức khỏe định kỳ
Theo Cục Quản lý môi trường y tế, chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe con người được đánh giá bằng chỉ số chất lượng không khí (AQI). Chỉ số AQI được tính theo thang điểm (6 khoảng giá trị AQI) tương ứng với biểu tượng và các màu sắc để cảnh báo chất lượng không khí và mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại (AQI ở mức 301- 500), Bộ Y tế khuyến cáo:
Đối với người bình thường: Tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc chuyển sang ngày khác khi chỉ số chất lượng không khí tốt hơn; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm.
Đối với những người nhạy cảm:Tránh tất cả các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà; đóng cửa sổ, cửa ra vào nhà để hạn chế, tránh tiếp xúc với các chất ô nhiễm. Theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.
Đối với lớp mẫu giáo, nhà trẻ, trường tiểu học:Có thể xem xét cho học sinh nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục. Nếu bắt buộc đi học cần tránh các hoạt động ngoài trời, chuyển sang các hoạt động trong nhà hoặc điều chỉnh thời gian học cho phù hợp.
Khi chỉ số chất lượng không khí ở mức kém (AQI ở mức 101 - 150): Cần làm gì?
Theo đó, Cục Quản lý môi trường khuyến cáo những người bình thường cần giảm thời gian tham gia các hoạt động ngoài trời, nhất là đối với những người có triệu chứng đau mắt, ho, đau họng.
Hạn chế hoặc tránh hoạt động tại các khu vực có nguy cơ ô nhiễm không khí cao như đường phố, các điểm giao cắt giao thông, các công trình xây dựng, khu vực sản xuất công nghiệp, làng nghề và các khu vực ô nhiễm khác.
Học sinh có thể tham gia các hoạt động ngoài trời, tuy nhiên hạn chế các hoạt động tập thể dục hoặc vận động cần gắng sức trong thời gian dài.
Cục Quản lý môi trường y tế khuyến cáo: Có thể xem xét cho học sinh tiểu học, mầm non nghỉ học nếu chỉ số chất lượng không khí ở mức nguy hại trong thời gian 3 ngày liên tục.
Những người nhạy cảm cần hạn chế hoạt động ngoài trờivà các hoạt động vận động cần gắng sức; tăng thời gian nghỉ ngơi và hoạt động nhẹ nhàng.
Nhóm này được khuyến cáo giảm hoặc ngừng vận động ngay khi nhận thấy xuất hiện các triệu chứng như ho, tức ngực hoặc thở khò khè. vệ sinh mũi, súc họng sáng, tối bằng nước muối sinּh lּý, đặc biệt sau khi ra đường; tra rửa mắt bằng nước muối sinּh lּý vào buổi tối trước khi đi ngủ.
Đồng thời, theo dõi sức khỏe, nếu xuất hiện các triệu chứng cấp tính như khó thở, ho, sốt cần đến ngay các cơ sở y tế để khám và được tư vấn, điều trị.