Thị trường trải qua tuần giao dịch giằng co, song xu hướng tăng điểm chiếm thế chủ đạo. Ngay phiên đầu tuần, chỉ số VN-Index đã tăng hơn 18 điểm khi xuất hiện thông tin khả năng cao Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu hạ lãi suất từ quý I/2024.
Dù vậy, những phiên kế tiếp thị trường chứng kiến sự rung lắc mạnh, lực bán tập trung tại nhóm dịch vụ tài chính, bất động sản và bán lẻ.
Kết tuần 4 - 8/12, chỉ số VN-Index tăng 22,28 điểm, tương đương 2,02% so với cuối tuần trước lên 1.124,44 điểm.
Tâm lý lạc quan của nhà đầu tư quay trở lại khi tổng giá trị giao dịch bình quân phiên trong tuần đạt 24.237 tỷ đồng, tăng tới 60% so với tuần trước, đặc biệt trong phiên 7/12 giá trị giao dịch toàn thị trường chạm ngưỡng tỷ USD.
Khối ngoại vẫn là điểm trừ khi bán ròng tuần thứ 5 liên tiếp, đáng chú ý trong phiên ngày 5/12 giá trị bán ròng lên đến 1.557,7 tỷ đồng. Kết tuần, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng giá trị 4.056 tỷ đồng. VHM là mã bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất tuần với giá trị 979 tỷ đồng.
Về xu hướng thị trường trong những tuần giao dịch cuối năm, ông Tô Quốc Bảo - Trưởng nhóm chiến lược thị trường, CTCK Dầu khí PSI và ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích, CTCK Yuanta Việt Nam đều cho rằng sẽ nối dài chuỗi tăng giảm đan xen.
Người Đưa Tin (NĐT): Tuần qua, thị trường chứng kiến sự đồng thuận của giá cổ phiếu và dòng tiền trong nước. Tuy nhiên, khối ngoại đã bán ròng mạnh nhất kể từ đầu năm. Ông có đánh giá thế nào về diễn biến này, liệu động thái này có ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư không?
Ông Tô Quốc Bảo: Việc thị trường liên tục có những phiên giao dịch bùng nổ cùng lượng thanh khoản được cải thiện rõ rệt là một trong những tín hiệu vô cùng tích cực trong bối cảnh hiện tại.
Các nhà đầu tư nội đang tự tin giải ngân cũng như nâng cao kì vọng của bản thân vào thị trường hơn bất chấp những phản ứng tiêu cực bán ròng mạnh đến từ khối ngoại.
Hiện tại khó có thể khẳng định liệu đà tăng của chỉ số VN-Index có tiếp tục được nối dài hay không, tuy nhiên việc dòng tiền nội tham gia trở lại là điều cần thiết nhằm cân bằng chỉ số thị trường cũng như tạo thêm sự tự tin cho các nhà đầu tư khi chỉ số có thêm thời gian tích lũy tại vùng giá hiện tại.
Xu hướng rút ròng của dòng tiền khối ngoại vốn đã xuất hiện và được duy trì trong suốt những năm qua. Tuy nhiên, dòng tiền của khối ngoại không còn có quá nhiều tác động trực tiếp đến chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam, khi xét về quy mô chỉ chiếm hơn 10% giá trị giao dịch trên thị trường. Việc dòng tiền khối ngoại mạnh tay bán ròng trong những phiên vừa qua có thể xuất phát từ việc cơ cấu lại danh mục cuối năm tại một số quỹ.
Ông Nguyễn Thế Minh: Khối ngoại đã có tuần bán ròng mạnh nhất từ đầu năm đến nay, tôi cho rằng khối ngoại có thể đang chủ yếu cơ cấu lại danh mục cuối năm. Họ đang tận dụng đà tăng của thị trường để bán bớt đi các cổ phiếu có hiệu suất tăng thấp.
Theo tôi, khối ngoại có thể sớm quay trở lại mua ròng vào tuần cuối tháng 12 hoặc sang đầu tháng 1/2024 sau khi họ tiến hành cơ cấu danh mục xong và nguyên tắc không được để tỷ trọng tiền mặt cao trong danh mục trong thời gian dài.
Ngoài ra, khối ngoại có thể sẽ không ảnh hưởng trực tiếp lên diễn biến thị trường vì tỉ trọng giá giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang chiếm tỷ trọng thấp khoảng hơn 7,5% từ đầu năm đến nay, nhưng động thái giao dịch của khối ngoại có thể tác động gián tiếp lên tâm lý của nhà đầu tư.
Diễn biến chỉ số VN-Index tuần 4 - 8/12 (Nguồn: FireAnt).
NĐT: Thị trường đang bước vào những tuần giao dịch cuối cùng của năm, theo ông đâu là những thông tin đáng chú ý và nhà đầu tư nên hành động như thế nào trong thời điểm này?
Ông Tô Quốc Bảo: Trong ngắn hạn, trước áp lực bán ròng mạnh của khối ngoại, chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ tiếp tục nối dài chuỗi tăng giảm đan xen nhằm kiểm nghiệm lại cân bằng cung cầu dòng tiền cũng như ổn định tâm lý của các nhà đầu tư xung quanh vùng điểm hiện tại. Áp lực giảm sâu ngay ở thời điểm hiện tại là khó xảy ra.
Về tình hình vĩ mô, kinh tế tháng cuối năm được dự báo sẽ sôi động khi các dự án đầu tư công sẽ tiếp tục được quyết liệt giải ngân, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ được đẩy mạnh. Đồng thời, tăng trưởng kinh tế khôi phục mạnh trong quý IV khi chỉ số tiêu dùng, xuất nhập khẩu, đầu tư công, sản xuất công nghiệp đều hồi phục mạnh, cùng mức nền lãi suất thấp đều sẽ là động lực để kỳ vọng hơn vào thị trường.
Nhà đầu tư có thể bắt đầu giải ngân đối với các nhóm ngành cổ phiếu đang thu hút lực cầu tốt như nhóm ngành chứng khoán, ngân hàng, thép, dầu khí, đầu tư công và thủy sản…
Ông Nguyễn Thế Minh: Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn ở mức trung tính. Vì vậy, các nhà đầu tư vẫn nên nắm giữ tỉ trọng cổ phiếu ở mức cân bằng và chỉ số nên tăng tỉ trọng cổ phiếu khi chỉ số VN30 vượt mức kháng cự 1.120 điểm trong những phiên tới.
Việc Ngân hàng Nhà nước cân nhắc kéo dài thời hạn của Thông tư 02 có thể tác động tích cực trực tiếp lên nhóm cổ phiếu ngân hàng. Bởi áp lực nợ xấu có thể giảm bớt, từ đó các ngân hàng cũng giảm áp lực trích lập dự phòng, có nhiều dư địa cho việc thúc đẩy tăng trưởng của nhóm cổ phiếu này, đặc biệt là các ngân hàng có dư nợ bất động sản cao trong hệ thống ngân hàng.
Đồng thời, việc gia hạn thông tư 02 cũng tác động tích cực lên nhiều nhóm cổ phiếu khác như bất động sản.
Nhìn chung, tôi cho rằng thông tư 02 sẽ tác động tích cực lên diễn biến thị trường chứng khoán, trong đó nhóm cổ phiếu ngân hàng và bất động sản có thể là hai nhóm cổ phiếu hưởng lợi trực tiếp từ việc này.
Ngoài ra, tôi cũng kỳ vọng nhóm cổ phiếu bán lẻ, thép, hóa chất, dịch vụ dầu khí vẫn là những nhóm cổ phiếu thu hút dòng tiền trong thời điểm hiện tại.