Tâm lý tiêu cực của giới đầu tư đang đe dọa nhấn chìm nhiều hạng mục tài sản xanh hơn và có thể khiến hãng xe điện Tesla (Mỹ) rời khỏi danh sách 10 công ty vốn hóa lớn nhất của chỉ số S&P 500 trong năm tới. Gần 2/3 trong số 620 nhà đầu tư trong cuộc khảo sát MLIV Pulse cho biết, sẽ tránh xa lĩnh vực xe điện. 57% trong số đó dự báo, chứng chỉ của quỹ hoán đổi năng lượng sạch toàn iShares Global Clean Energy sẽ kéo dài đà giảm sang năm 2024 sau khi giảm dự kiến 30% trong năm nay.
Giới đầu tư bi quan về triển vọng của các lĩnh vực xanh khi tìm cách ứng phó cú sốc từ môi trường lãi suất cao ở thời kỳ hậu đại dịch Covid-19. Ngoài ra, nhà đầu tư cũng thận trọng trước phản ứng chính trị chống lại chủ đề đầu tư chú trọng tiêu chí môi trường, xã hội và quản trị (ESG) ở nhiều bang của Mỹ cũng như các quy định đang được xây dựng để ngăn chặn hành vi “tẩy rửa xanh” (thổi phồng lợi ích môi trường) có thể làm tổn thương thêm mức định giá của các cổ phiếu xanh.
Chat Reynders, nhà đầu tư bền vững trong ba thập niên qua, gọi cơn suy thoái của tài sản xanh là “thời điểm bước ngoặt” đối với ngành. Theo ông, những kỳ vọng quá mức về cuộc chuyển đổi xanh để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu đã khiến một số nhà đầu tư bỏ qua các thước đo tài chính truyền thống như cung, cầu và bảng cân đối kế toán.
“Chúng ta sẽ nhìn lại và nhận thấy đây là kỷ nguyên đầu cơ cổ phiếu xanh”, Reynders, nhà đồng sáng lập của Reynders Mc Veigh Capital Management, đang quản lý 3,5 tỉ đô la, chia sẻ.
Dù các nhà đầu tư trong cuộc khảo sát MLIV Pulse bi quan về về cổ phiếu xanh trong thời gian tới nhưng cho rằng, bức tranh sẽ khác trong dài hạn. Hầu hết những người được hỏi đều cho rằng, nhà đầu tư cần bảo vệ danh mục đầu tư khỏi rủi ro khí hậu trong những năm tới.
Theo Garvin Jabusch, đồng sáng lập Green Alpha Advisors, đợt bán tháo cổ phiếu xanh hiện tại là “sự xoay trục tạm thời của dòng vốn khỏi lĩnh vực năng lượng tái tạo”.
Brent Newcomb, Chủ tịch của Ecofin, công ty đang quản lý khoảng 2 tỉ đô la Mỹ coi sự suy thoái của thị trường năng lưới tái tạo là cơ hội mua vào và đang bổ sung thêm vị thế nắm giữ các cổ phiếu năng lượng xanh.
Trong khi đó, Bill Green, đối tác quản lý của Climate Adaptive Infrastructure lại đang xem xét mức định giá của các công ty năng lượng mặt trời và gió và kết luận rằng quá trình chuyển đổi năng lượng đã bị đình trệ là sai lầm.
“Các thị trường đại chúng thường dễ biến động và theo quan điểm của chúng tôi, chúng phản ứng thái quá trước đà tăng lãi suất tăng và những thách thức trong chuỗi cung ứng”, ông nói.
Tuy nhiên, rất khó để xác định thời điểm cổ phiếu xanh chạm đáy. Các nhà đầu tư nhắm đến các mục tiêu ESG đã hy vọng cổ phiếu xanh sẽ phục hồi trong năm nay nhờ sự hỗ trợ lớn từ các gói trợ cấp công nghệ xanh bao gồm từ Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ. Thay vào đó, lạm phát và lãi suất lên mức cao nhất trong nhiều thập niên cũng tác động tiêu cực đến nhiều cổ phiếu ESG truyền thống. Trong đó, cổ phiếu năng lượng mặt trời và gió chịu tổn thất lớn nhất.
Rất nhiều công ty năng lượng sạch cần vốn lớn để đầu tư. Điều này khiến doanh nghiệp dễ bị tổn thương trước chi phí vay cao hơn. Thêm vào đó, các nhà sản xuất năng lượng gió và mặt trời chứng kiến các dự án bị đình trệ do tắc nghẽn trong chuỗi cung ứng, dẫn đến chi phí tăng cao và kế hoạch bị chệch hướng.
Loại tài sản xanh tiếp theo dự kiến bị bán tháo là cổ phiếu của ngành công nghiệp xe điện, vì xe chạy bằng pin vẫn còn quá đắt đối với nhiều hộ gia đình đang phải vật lộn với hậu quả của lạm phát dai dẳng. Cổ phiếu của Tesla tăng giá gần 140% trong năm nay, tính đến tháng 7 nhưng giảm khoảng 20% kể từ đó.
Hai năm trước, Tesla được định giá 1,2 nghìn tỉ đô la, trở thành công ty lớn thứ 5 trong chỉ số S&P 500. Hiện nay, mức định giá của hãng xe điện này giảm chỉ còn dưới 800 tỉ đô la, đứng thứ 8 trong chỉ số S&P 500. Gần 50% số nhà đầu tư trong cuộc khảo sát MLIV Pulse dự báo cổ phiếu Tesla sẽ rớt khỏi top 10 công ty vốn hóa lớn nhất của S&P 500 vào năm tới.
Các nhà đầu tư của Tesla cũng đang thận trọng với tỉ phú Elon Musk, CEO của Tesla, người thường xuyên gây sốc cho thị trường bằng những phát ngôn bộc phát gây tranh cãi trên mạng xã hội.
Thêm vào đó, tốc độ biến đổi khí hậu khiến thế giới phải chuyển hướng tất yếu sang các công nghệ xanh hơn, đòi hỏi vốn đầu tư nhiều hơn.
“Năm tới là năm quan trọng để thực hiện và đổi mới các mục tiêu khử carbon vì Thỏa thuận Paris đòi hỏi các khoản đầu tư ròng bổ sung và giải ngân trước. Với việc năm 2023 có vẻ là năm nóng nhất được ghi nhận lịch và năm 2024 có khả năng cũng nóng tương tự, các nỗ lực thích ứng và khử carbon sẽ vẫn là trọng tâm”, các nhà phân tích của ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo.
Trong bối cảnh đó, 2/3 số nhà đầu tư trong cuộc khảo sát MLIV Pulse kỳ vọng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến giá trị danh mục đầu tư trong ba năm tới.
Nhà phân tích Maggie O’Neal của Barclays lưu ý, bối cảnh chính trị vẫn là yếu tố quan trọng đối với triển vọng của cổ phiếu xanh. Một nửa dân số thế giới sẽ bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử vào năm 2024. Vì chính sách công thúc đẩy nhiều yếu tố khiến chủ đề đầu tư ESG thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư ngày nay, nên kết quả của các cuộc bầu cử này rất quan trọng.