Tin liên quan
Lực lượng Ukraine đã giải phóng thành phố Kherson ở phía Nam vào tháng 11 năm ngoái. Nhưng chiến tuyến trải dài dọc đất nước hầu như không thay đổi kể từ đó.
Dưới đây là những điểm xung đột chính giữa quân đội Nga và quân đội Ukraine, lực lượng đang cố gắng chọc thủng các tuyến phòng thủ sâu của Nga trong những tháng gần đây.
Trận chiến giành Dnipro
Kể từ khi thủ phủ Kherson được giải phóng vào tháng 11 năm ngoái, sông Dnipro chảy qua Ukraine và đổ vào Biển Đen đã đóng vai trò là tiền tuyến ở miền Nam Ukraine.
Các lực lượng Nga và Ukraine ở hai bên bờ sông cắt qua Kherson đã thường xuyên nã pháo qua lại, làm bị thương và giết chết hàng chục dân thường.
Lực lượng Ukraine được cho là đang đạt một số bước tiến ở bên kia sông Dnipro, nơi Nga kiểm soát. Ảnh: The Drive
Vào tháng 6, khi lực lượng Ukraine đang chuẩn bị cuộc phản công quy mô lớn, một vụ nổ đã làm vỡ đập Kakhovka ở thượng lưu Kherson, làm ngập lụt nhiều vùng ở hạ lưu.
Các đội đặc nhiệm Ukraine lợi dụng thảm thực vật dày đặc ở hạ lưu sông Dnipro, mê cung kênh rạch và địa hình đầm lầy đã đột kích vào bờ trái con sông này do Nga kiểm soát kể từ tháng 5.
Sau đó, vào khoảng giữa đến cuối tháng 10, lực lượng chính quy Ukraine, chủ yếu là thủy quân lục chiến đã vượt sông tại hai địa điểm và bắt đầu tiến công từ hai đến bốn “đầu cầu” (điểm mới giành quyền kiểm soát) ở bờ đối diện.
Các lực lượng Nga đã gặp khó khăn trong việc đánh bật đối phương vì lực lượng phòng thủ do thủy quân lục chiến Ukraine làm chủ lực ở vùng đầm lầy và cây cối rậm rạp rất khó tiếp cận và tấn công bằng xe thiết giáp và pháo binh số lượng lớn.
Lực lượng không quân Nga trong những tuần gần đây đã dẫn đầu các nỗ lực nhằm đánh bật các vị trí vững chắc của Ukraine trong khi phía Kiev đang dần củng cố các vị trí của mình.
Đến giữa tháng 11, một số báo cáo cho biết các xe bọc thép hạng nhẹ của Ukraine đã được chở qua sông để tăng cường các vị trí của thủy quân lục chiến.
Câu hỏi vẫn là liệu vị trí của thủy quân lục chiến Ukraine có thể mở đường cho các cuộc tấn công tham vọng hơn của Ukraine hay không.
Yếu tố quan trọng là bên nào có thể cung cấp và tăng viện cho quân đội của mình trong khu vực này hiệu quả hơn: người Nga sử dụng mạng lưới đường hẹp hạn chế dễ bị phục kích, hay người Ukraine phải cung cấp quân tiếp viện và đạn dược, đồng thời sơ tán thương vong, sử dụng thuyền nhỏ và phương tiện vận tải đổ bộ.
Quân nhân Ukraine thuộc Lữ đoàn Phòng thủ lãnh thổ số 123 quan sát một khu vực sông Dnipro, vùng Kherson, vào ngày 6/11/2023. Ảnh: AFP
Nếu “đầu cầu” Ukraine trở nên đủ vững chắc để giới lãnh đạo quân đội mạo hiểm xây cầu phao bắc qua Dnirpo, thì khu vực Kherson có thể trở thành tâm điểm của cuộc giao tranh dữ dội và có thể mang tính quyết định. Lý do là một cuộc đột phá của thiết giáp xa Ukraine từ đầu cầu Kherson có thể dẫn đến một thất bại chiến lược đối với quân đội Nga; lực lượng của họ sẽ bị chia làm đôi. Khi đó, bán đảo Crimea do Nga kiểm soát cũng như các cơ sở quân sự lớn sẽ bị cắt đứt khỏi lực lượng Nga một cách đáng kể.
Hy vọng tiêu tan ở Robotyne
Sau gần 3 tháng giao tranh ác liệt, lực lượng Ukraine hồi tháng 8 cho biết họ đã chọc thủng tuyến phòng thủ sâu của Nga ở phía Nam, trải dài hàng trăm km. Việc chiếm được Robotyne, một ngôi làng ở vùng Zaporizhzhia, được cho là đã mở đường cho quân Ukraine tiến về thành phố Melitopol và sau đó là Biển Azov, cắt đôi lực lượng Nga.
Nhưng hơn hai tháng sau, lực lượng Ukraine gặp khó khăn trong việc vượt qua Robotyne, khi hứng chịu hỏa lực và phản công của pháo binh Nga.
Xa hơn về phía Đông, phòng tuyến của Nga đã được giữ vững vào mùa hè này khi lực lượng Ukraine tập trung tấn công – và chịu tổn thất nặng nề – xung quanh làng Urozhaine.
Tư lệnh các Lực lượng Vũ trang Ukraine, Tướng Valery Zaluzhnyi đầu tháng 11 cũng thừa nhận nỗ lực chọc thủng phòng tuyến của Nga bằng cách sử dụng các cuộc tấn công lớn bằng xe bọc thép trong khu vực này không có kết quả.
Binh sĩ Ukraine thuộc Lữ đoàn cơ giới số 65 đi trong chiến hào do lực lượng Nga xây dựng, gần làng tiền tuyến Robotyne, vùng Zaporizhzhia, ngày 1/10/2023. Ảnh: AFP
Cả hai bên vẫn có lực lượng lớn được triển khai trong khu vực và giao tranh tiếp tục diễn ra căng thẳng và thường xuyên. Phần lớn các trận chiến mang tính chất cục bộ, điển hình là nhằm giành lấy một chuỗi hào cố thủ trong một phần của ngôi làng.
Tuy nhiên, nếu một trong hai bên chịu thương vong lớn hoặc giảm lực lượng và chứng kiến sự sụp đổ về mặt phòng thủ trên diện rộng, đồng thời giao tranh chiến hào chuyển sang giao tranh di động, thì quyền kiểm soát các phần lãnh thổ rộng lớn trong khu vực này có thể bị thay đổi nhanh chóng, vì địa hình nơi này rộng mở và ít chướng ngại vật tự nhiên như các thành phố lớn hoặc vùng nhiều sông ngòi.
Tiến – lui ở Bakhmut
Sau hơn một năm giao tranh khốc liệt, thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine đã trở thành đống đổ nát và chiến sự ở đó có thể đã cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người.
Vào tháng 5, sau 10 tháng chiến sự ác liệt, Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố, nhưng lực lượng Ukraine gần như ngay lập tức bắt đầu chiếm lại lãnh thổ xung quanh sườn của Bakhmut.
Các lực lượng Nga đang ở trong tình thế nguy hiểm ở đây, buộc phải giữ thị trấn trong khi quân đội Ukraine có thể bắn vào các tuyến đường tiếp tế ra vào thành phố.
Lính pháo binh Ukraine bắn pháo 152 mm D-20 vào các vị trí của Nga trên tiền tuyến gần Bakhmut, ngày 20/7/2023. Ảnh: AFP
Nga tấn công Avdiivka
Các lực lượng Nga bắt đầu nỗ lực giành quyền kiểm soát trung tâm công nghiệp Avdiivka phía Nam Bakhmut vào tháng trước.
Avdiivka nằm cách thành phố Donetsk 13 km về phía Bắc, một thành trì do Nga kiểm soát. Lực lượng Ukraine trong nhiều năm đã cố thủ chặt chẽ ở thị trấn này, nhưng từ ngày 10/10 bắt đầu đối mặt với nỗ lực phối hợp của Nga nhằm bao vây thị trấn.
Bất chấp hỏa lực pháo binh dày đặc và một số căn cứ đã bị mất, lực lượng Ukraine phần lớn đã chống đỡ được cuộc tấn công dữ dội vào thị trấn từng là nơi sinh sống của khoảng 35.000 người và nay chỉ còn lại vài trăm người.
Tranh giành Kupyansk
Thị trấn Kupyansk đã bị lực lượng Nga chiếm giữ ngay từ thời gian đầu khi chiến dịch quân sự của họ mở màn vào tháng 2 năm ngoái.
Nhưng nhiều tháng sau, vào tháng 9 năm ngoái, các lực lượng Ukraine đã giành lại được nó như một phần của cuộc tấn công chớp nhoáng ở khu vực Kharkiv, phía Đông Bắc đất nước.
Vào tháng 7 năm nay, khi các lực lượng Nga đang bảo vệ các thị trấn và làng mạc ở mặt trận phía Nam, họ cũng đã phát động một nỗ lực mới nhằm chiếm lại Kupyansk. Các quan chức Ukraine đã ra lệnh sơ tán dân thường khỏi các khu định cư gần đó khi quân đội Moskva tuyên bố giành được nhiều thắng lợi và bắn phá khu vực vào đầu tháng 10.
Nhưng sau hơn ba tháng tấn công, lực lượng Nga vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ của Ukraine.
Có một số bằng chứng cho thấy quân đội Ukraine đang sử dụng khu vực Kupyansk, nơi giao tranh nhìn chung ít khốc liệt và đẫm máu hơn ở Donbas và các khu vực phía Nam, làm nơi để ‘quân xanh” xuất hiện lần đầu trong chiến đấu hoặc để quân kỳ cựu nghỉ ngơi và phục hồi sau những cuộc giao tranh ác liệt hơn ở những nơi khác trên mặt trận.
Cuộc chiến tầm xa Ukraine
Ở xa tiền tuyến, Ukraine tuyên bố các hệ thống tấn công tầm xa được dẫn đường ngày càng chính xác của quân đội Ukraine tính đến tháng 10/2023 đã tiêu diệt hoặc gây thiệt hại lâu dài khoảng 1/3 Hạm đội Biển Đen của Nga đóng tại cảng Sevastopol, Crimea và khiến hạm đội Nga lần đầu tiên phải sơ tán căn cứ ở đó kể từ khi Đức xâm lược Liên Xô năm 1941.
vũ khí chính được sử dụng là tên lửa hành trình chống hạm Storm Shadow của Pháp/Anh. Các cuộc tấn công vào tháng 10 và tháng 11 nhằm vào các sân bay của Nga ở Crimea và ở Luhansk cũng có tác động tương tự đối với các bộ phận của lực lượng không quân Nga, buộc lực lượng yểm trợ tầm gần của Nga phải chuyển đến các căn cứ xa hơn, bên trong nước Nga.
Tên lửa tác chiến lục quân (ATACMS) do Mỹ cung cấp là vũ khí chính được sử dụng trong các cuộc tấn công này. Có khả năng, nếu nguồn cung cấp tên lửa dẫn đường chính xác chống hạm và phòng không này của Ukraine là đáng kể, thì cuộc chiến vũ khí tấn công tầm xa có thể mang tính quyết định trong những tháng tới, bởi vì hệ thống phòng không của Nga được cho là đang gặp khó khăn trong ngăn chặn những đợt tấn công mạnh mẽ của vũ khí công nghệ cao từ NATO.
Tuy nhiên, Washington và các quốc gia NATO khác đã do dự với việc chuyển giao cho Kiev lượng lớn tên lửa hành trình và đạn đạo mà Ukraine có thể cần. Câu hỏi quan trọng với mặt trận này là Ukraine sẽ nhận được bao nhiêu vũ khí loại này và với tốc độ nhanh đến mức nào?
Một hệ thống tên lửa ATACMS khai hỏa. Ảnh: AFP
Cuộc chiến tầm xa của Nga
Các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái của Nga vào mùa đông năm 2022-2023 đã gây thiệt hại nhưng không phá hủy được lưới điện của Ukraine nhờ năng lực phòng không của Ukraine tăng dần.
Khi mùa đông 2023-2024 đến gần, lưới điện của Ukraine được bảo vệ tốt hơn cả bằng hệ thống phòng không và công sự vật lý. Đồng thời, theo tình báo Ukraine, kho dự trữ tên lửa của Nga có tổng cộng khoảng 800 vũ khí không đủ để áp đảo hệ thống phòng không của Ukraine và làm sụp đổ mạng lưới điện của Ukraine về lâu dài.
Phía Nga đã phóng hàng trăm máy bay không người lái Shahed, một loại vũ khí rẻ tiền thường không có khả năng đánh sập một nhà máy điện hoặc trạm biến áp lớn của Ukraine do trang bị đầu đạn tương đối nhỏ.
Trong sáu tháng qua, Nga đã chuyển chiến thuật từ phóng tên lửa và máy bay không người lái trong các cuộc tấn công không phối hợp sang các đợt tấn công riêng lẻ kết hợp máy bay không người lái và tên lửa phóng theo đường bay phức tạp.
Mặc dù hệ thống phòng không của Ukraine hiện nay mạnh hơn đáng kể so với một năm trước, nhưng vẫn còn phải xem các đội tên lửa phòng không và súng máy chống máy bay không người lái của Ukraine có thể đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa/máy bay không người lái ồ ạt của Nga tốt đến mức nào.