Tin liên quan
Thế trận bế tắc của Ukraine
Cuộc phản công của Ukraine cơ bản đã ngừng lại, với đà tiến trên 2 trục chính ở mặt trận phía Nam đều rất hạn chế kể từ khi chiến dịch này mở màn vào ngày 4/6/2023. Các lực lượng Kiev mới chỉ được khoảng 10km về phía Nam của Velyka Novosilka và 9km về phía Nam của Orikhiv. Không có triển vọng về đột phá cho Ukraine khi mùa đông sang.
Mới đây Tổng tư lệnh quân đội Ukraine, tướng Valerii Zaluzhnyi, thừa nhận thực tế này. Trả lời phỏng vấn của tờ Economist (Anh), tướng Zaluzhnyi nói: “Giống như trong Thế chiến I, chúng tôi đã đạt tới ngưỡng công nghệ - ngưỡng này khiến chúng tôi rơi vào thế bế tắc”. Trong một bài viết liên quan, viên tướng nói thêm rằng sau khoảng 21 tháng giao tranh, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine “đang dần chuyển sang hình thức trận địa chiến”.
Ukraine đã không thể đột phá qua các bãi mìn dày đặc của Nga (có chiều sâu tới 15-20km), theo chính lời của Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhnyi. Phương tiện gài mìn từ xa Zemledeliye cho phép Nga tạo ra các bãi mình rộng như sân bóng đá trong thời gian nhanh hơn rất nhiều so với tốc độ của công binh Ukraine rà phá số mìn đối phương gài xuống. Khi có thêm thời gian, Nga có thể phát triển một hệ thống chiến hào sâu rộng ngoài hệ thống công sự kiên cố hiện có của họ.
Yuriy Sak - một cựu cố vấn cho Bộ Quốc phòng Ukraine nói: “Chúng tôi đều hy vọng sẽ đạt thêm tiến bộ. Nhưng lúc này đây, chúng tôi chỉ đang hy vọng sẽ kiểm soát được Tokmak”.
Tokmak là một thị trấn chiến lược nằm trên con đường dẫn tới Melitopol, nằm cách 20km về phía Nam của điểm tiến xa nhất của quân đội Ukraine. Để cắt đứt cầu đất của Nga ở Melitopol, quân đội Ukraine cần tiến thêm 70km nữa về phía Tây Nam.
Một số người khác lại chỉ trích các chính trị gia phương Tây đã mất quá nhiều thời gian để quyết định cung cấp xe tăng, tên lửa tầm xa và máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine.
Ben Hodges, cựu tướng chỉ huy lực lượng quân sự Mỹ ở Ukraine, cảnh báo rằng sự lưỡng lự vẫn là một vấn đề. “Chúng ta cho người Nga quá nhiều thời gian giúp họ củng cố phòng tuyến”. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói rằng Berlin chưa có kế hoạch cụ thể về việc cung cấp cho Ukraine các tên lửa tầm xa Taurus.
Ukraine khó đánh chớp nhoáng
Nhiều nhà bình luận quân sự của phương Tây trước đây cho rằng nếu Ukraine sử dụng xe tăng phương Tây đúng cách thì họ có thể tạo đột phá theo kiểu chiến tranh chớp nhoáng và chấm dứt xung đột quân sự với Nga chỉ trong vài tuần.
Các nhà bình luận này cho rằng lực lượng tăng đồ sộ của Nga thất bại trong giai đoạn đầu “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine là do người Nga sử dụng xe tăng sai cách, kém hiệu quả. Cụ thể, theo họ, người Nga không biết cách phối hợp xe tăng, bộ binh và pháo binh với nhau theo kiểu tác chiến hiệp đồng binh chủng mà lính phương Tây được huấn luyện.
Thế nhưng mũi nhọn thiết giáp của Ukraine (có sử dụng xe tăng, xe bọc thép phương Tây) mới tiến được 15km và đó là do đánh hao mòn dần chứ không phải nhờ chớp nhoáng mà có được. Thực tế này khiến các nhà bình luận phương Tây cảm thấy không thoải mái: Hoặc là họ đã sai, hoặc là Ukraine sai, hoặc là xe tăng phương Tây, ngay cả khi sử dụng chiến thuật phương Tây, không còn là vũ khí quyết định trên chiến trường.
Trên thực tế, các nhà bình luận này đi theo hướng cho rằng Ukraine đã phạm sai lầm nên đã không đánh bại được quân Nga.
Nhưng cũng có nhận định cho rằng nếu các sĩ quan phương Tây sử dụng chính sư đoàn thiết giáp tập hợp các xe do phương Tây viện trợ, họ cũng chưa chắc đã làm tốt hơn Ukraine. Một cuộc đột kích chớp nhoáng là cực kỳ khó tiến hành nếu tuyến phòng thủ của Nga có bãi mìn sâu rộng và nhiều vũ khí hạng nặng.
Tín hiệu Ukraine sẽ chuyển sang chiến đấu trường kỳ
Theo tướng Zaluzhnyi, để Ukraine đạt được đột phá trên bộ, họ cần “các giải pháp công nghệ mới và các cách tiếp cận sáng tạo”. Ông cũng nhấn mạnh đến nền tảng công nghiệp rộng lớn để duy trì cuộc xung đột với Nga.
Hiện Nga tiếp tục vây hãm mạnh thị trấn Avdiivka và vẫn sở hữu lợi thế đáng kể về nhân lực. Ukraine ước tính Nga vẫn đang tuyển 20.000 binh sĩ mới mỗi tháng để đưa ra tiền tuyến. Ngoài ra, bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn sản xuất được lượng lớn vũ khí không hiện đại cần thiết cho chiến sự, có thể lên tới 1 triệu quả đạn 152mm/tháng, cũng theo ước tính của Ukraine, chưa kể 1 triệu quả đạn khác được cho là do Triều Tiên cung cấp.
Ukraine có thể sẽ lại hứng chịu một chiến dịch ném bom của Nga nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine trong mùa đông này.
Olga Oiker - một chuyên gia về Ukraine tại tổ chức nghiên cứu Crisis Group, cho rằng tình hình hiện nay trên chiến trường Ukraine là tương đối cân bằng do “không bên nào nắm quyền chủ động”. Theo bà, hai bên sẽ phải tiếp tục tấn công đến một mức độ nào đó trong mùa đông này để tránh tình trạng đối phương tái tập hợp lực lượng và tập trung hỏa lực đánh vào các điểm trọng yếu.
Bà Oiker lập luận rằng Tổng tư lệnh Zaluzhnyi trên thực tế đang gửi tới người dân Ukraine, các đồng minh của Ukraine và thậm chí cả Nga thông điệp sau: quân đội Ukraine sẵn sàng cho một cuộc chiến dài lâu có thể kéo dài tới năm 2025.
Mỹ hiện nay tránh viện trợ cho Ukraine các loại vũ khí hạng nặng tầm xa như tên lửa ATACMS do lo ngại Ukraine sẽ dùng vũ khí này để đánh sâu vào Nga, làm tăng nguy cơ chiến tranh hạt nhân giữa Nga và NATO.
Thế nhưng trong năm 2022, Ukraine đã sử dụng vũ khí tầm xa Hệ thống pháo phản lực tầm xa có dẫn đường (GMLRS) để tấn công được các mục tiêu nằm trong tầm bắn trên 70km - điều này gây bất ngờ cho Nga và khiến Nga tổn thất nhiều kho đạn ở sâu trong hậu phương.
Chính vì vậy, học giả phương Tây cho rằng phương Tây cần xây dựng cho Ukraine một năng lực chiến đấu mạnh, nhờ vào các vũ khí như ATACMS và máy bay F-16.