1.
Cơn mưa chiều đổ sập xuống như túi nước khổng lồ từ không trung bị chọc thủng bất ngờ. Dòng sông phẳng lặng như tờ giấy bóng bỗng dưng xao động như chảo nước sôi sùng sục. Bầu trời u ám. Gió quất sần sật. Những hàng cây dọc theo dòng sông nghiêng ngả. Thạnh vội vàng tấp xuồng vào một khúc sông, nơi có cây trâm xõa bóng như đôi cánh của con đại bàng khổng lồ che khuất tầm nhìn. Nhiều năm qua, khúc quẹo này trở thành nơi nghỉ trưa lý tưởng của Thạnh. Giờ đây đôi cánh của con đại bàng hứng chịu mưa gió vật vã nhưng thỉnh thoảng vẫn có những chùm mưa nặng hạt như vốc đá lạnh vụt xuống chớp nhoáng roàn roạt vào bộ đồ đi mưa của Thạnh mặc trên người khiến anh không khỏi ái ngại. Nước trên sông như thỏa hiệp với nước của trời nhanh chóng truyền cái lạnh nôn nao. Cái cảm giác đơn độc giữa một vùng thâm u, buồn bã xâm chiếm tâm hồn Thạnh.
Nhớ ngày đầu tiên lên vùng sông Mao làm nghề đánh cá, anh được chú Tiếu bán rẻ cho chiếc xuồng còn thơm mùi dầu rái với lời động viên chân thành: “Trông cháu khỏe như Thánh Gióng lo chi chuyện đánh cá mưu sinh không thành. Chỉ cần siêng năng, kiên trì thì sông suối chẳng nỡ phụ lòng người”. Thạnh như được truyền thêm sức mạnh: “Cháu sẽ không phụ lòng chú. Cháu đã đến đây là xác định đối mặt với gian khổ”. Khi ấy, không hiểu sao Thư, con gái chú Tiếu lại mỉm cười rồi quay mặt đi. Nụ cười khiến cho Thạnh suy nghĩ mông lung suốt cả tuần. Không lẽ cô ấy cười vì một người tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp loại giỏi mà không tìm được việc làm? Hay cô ấy cười vì anh ngô nghê trong cách hỏi chuyện với ba cô? Phải có một ngày Thạnh tìm được lời giải thích về nụ cười khó hiểu ấy...
Sông Mao là nơi hàng chục con suối từ thượng nguồn đổ xuống. Người ta đồn đại cá sông Mao to như chiếc xuồng đánh cá, lông lá mọc đầy. Những đêm trăng rằm, cá hô, cá mè, cá mã, cá trắm nổi lên dày mặt sông, đớp mồi phầm phập. Chúng vùng vẫy ũng oãng như có hàng chục người lội nước. Từ lâu đời, cư dân vùng sông Mao không ai dám đánh bắt cá vào đêm rằm. Người ta quan niệm rằng đêm rằm là đêm cá giao phối, sinh sôi, hay còn gọi là “Ngư hội”. Ai đánh cá sẽ bị Hà Bá nhấn chìm mất xác. Cả gia đình sẽ bị chết đuối không thể giải nghiệp.
2.
Chú Tiếu lấy vợ ở cái tuổi muộn mằn. Chú chung tình với người yêu hồi còn học chung lớp Đệ Nhị. người tình của chú qua đời trong chiến tranh. Chú tôn thờ. Chú ở vậy. Trên ngực áo của chú bao giờ cũng gắn mảnh vải đen bằng ngón tay để tang lâu dài cho người yêu. Cho đến khi cha mẹ chú "đòi chết" nếu chú không lấy vợ. Thím Tiếu là gái lỡ thì, hiền lành, mồ côi cả cha lẫn mẹ ở cùng xóm thầm thương trộm nhớ chú Tiếu đã lâu. Chú Tiếu mở lời là thím gật đầu cái rụp. Đêm động phòng có mấy thằng bạn quỷ sứ nhà hàng xóm bắc thang nhòm qua vách đất. Chúng cười rộ lên. Chú Tiếu bật dậy tắt đèn. Những ngày sau đó, chuyện bếp núc phòּng thּe của vợ chồng chú Tiếu được thêu dệt rằng chú Tiếu trầּn truּồng xáp vào, thím Tiếu ngồi ôm ngực nép sát vách đất sợ hãi... Cũng chừng ấy thời gian thím Tiếu ngượng ngùng không dám bước ra đường.
Vợ chồng chú Tiếu quyết chí lên sông Mao lập nghiệp bằng chiếc xuồng và mấy tay lưới mới cứng. Một túp lều tranh mọc lên mé sông, rồi đứa con gái nhỏ ra đời chập chững trên bãi đất soi hái những nụ hoa mướp, hoa cà vào chiều muộn. Nhiều năm sau, có chàng trai khắc khổ đứng lớ ngớ trước ngõ: “Chú ơi! Có biết ai bán xuồng không? Cháu muốn mua một cái!”. Ông Tiếu lấy làm lạ: “Chớ mày là thằng nào mà đến đây hỏi mua xuồng?”. Chàng trai gãi đầu, lí nhí: “Cháu tên là Thạnh ở dưới xuôi muốn lên đây làm nghề đánh cá”. Ông Tiếu ỡm ờ: “Chớ mày hổng biết: nhất phá sơn lâm, nhì đâm Hà Bá là oan nghiệp hay sao?”. Thạnh cụt hứng: “Dạ! Cháu… cháu… không rõ ạ!”. Nhận thấy mình đùa với người lạ hơi quá trớn, ông Tiếu đổi giọng, cười hiền: “Mày vào đây uống miếng nước rồi tao chỉ xuồng cho mà mua!”.
Đó là chuyện ngày trước. Còn giờ đây ông Tiếu đã qua đời. Thư, con gái ông Tiếu sống với mẹ già bằng nghề trồng rau quả ven sông. Thạnh cũng tạo dựng được một căn nhà mái ngói, tường gạch kiên cố. Anh vẫn độc thân như ông Tiếu ngày xưa, có điều anh không tôn thờ tình đầu bất diệt.
3.
Cơn mưa dứt hẳn. Dòng sông bình lặng trở lại. Thạnh lướt xuồng ra khỏi khúc sông. Anh bơi về phía ngã ba, nơi dòng nước mênh mông, sâu hoắm và đen ngòm. Anh háo hức. Tay phải chầm chậm móc chiếc dầm bên mạn xuồng, còn tay trái giở lưới nghe nặng dần. Những chiếc phao bị cuốn bọc chìm sâu dưới nước. Anh giở mạnh đoạn lưới chìm nghỉm thì tiếng cá giãy rần rật, nước tung trắng xóa. Một con cá mè đen khoảng 2 cân là ít trồi lên mặt nước bị trói chặt trong túm lưới. Con cá ngáp liền mấy cái. Lòng anh rộn lên niềm vui, gỡ cá cho vào khoang xuồng, tiếp tục giở lưới. Ngày còn thơ bé, có lần Thạnh được cha cho lên xuồng đi đánh lưới bén. Thông thường trong cơn mưa gió, cá đồng di chuyển rất rộng. Khi ấy cha Thạnh thường gỡ cá rô, cá sặc đóng lưới cặp đôi. Cha gọi đấy là cặp vợ chồng nhà cá chơi mưa. Còn giờ này cảnh “cá cặp đôi chơi mưa” lại tái hiện nhưng đó là những cặp cá trắm to trùi trũi, khắp thân cá, đường vằn của vảy như những lỗ võng đan xen nhau đều tăm tắp, ấn tượng vô cùng! Nhớ những năm tháng đầu tiên lên sông Mao, được ở nhờ nhà chú Tiếu rồi đi đánh cá chung, Thạnh không sao quên được đức tính thiện lương của chú. Lần nào lội suối bắt cua đá, chú Tiếu cũng thả những con cua cái. Chú căn dặn Thạnh: “Phải chừa cua cái để còn sinh sản. Cũng như con người, sống có hậu thì con cháu đời sau mới có bát cơm mà ăn!”. Chú không hề giấu nghề đánh cá với Thạnh. Chú xem Thạnh như con của mình. Hồi đó, cư dân ở sông Mao còn thưa thớt. Họ suy tôn chú Tiếu làm trưởng xóm vạn chài. Chú Tiếu cười: “Tôi chỉ nhận quản lý chị em không chồng thôi!”. Thím Tiếu nhìn chồng, nguýt dài. Còn bé Thư lúc này đã bắt đầu phổng phao, cười cợt: “Việc quản lý chị em cô đơn, con nghĩ nên giao cho anh Thạnh thì hơn! Đúng không anh?”. Thạnh cũng chẳng vừa: “Anh đồng ý quản lý nhưng hai chữ chị em, anh xin nhận chữ em, còn chữ chị nhường lại cho chú Tiếu!”. Thư nhận ra câu nói hàm ý trêu chọc của Thạnh thì ngượng ngùng, quay đi.
4.
Vùng hạ nguồn suối La, dòng suối lớn nhất bắt nguồn từ núi Chúa xuôi về sông Mao có ngôi miếu nhỏ lọt thỏm giữa gốc bồ đề lâu năm rễ cây bao trùm. Những viên gạch rêu phong, rạn nứt được rễ cây chằng chịt như những cánh tay níu giữ chắc chắn. Rất có thể người ta xây ngôi miếu và trồng cây bồ đề cùng một thời gian. Ngôi miếu không hề có cửa. Miếu cũ nhưng chân nhang còn rất mới, chứng tỏ cư dân sông Mao tự nguyện hương khói bốn mùa. Ngay cả chú Tiếu du cư ở sông Mao đã lâu năm cũng không biết ai là người dựng miếu, chỉ biết đó là ngôi miếu có tên gọi “Lão Ngư”.
Miếu Lão Ngư gắn liền với câu chuyện mà dân vạn chài sông Mao từ già đến trẻ ai ai cũng biết. Chuyện kể rằng từ thuở xa xưa, khi con người chưa đặt chân đến sông Mao đã có một đôi vợ chồng không biết từ đâu đến dựng túp lều tranh sinh sống bằng nghề đánh cá. Một đêm mưa gió, bão bùng kinh thiên động địa. Sáng ngày sau, dân lấy gỗ ở núi Chúa xuôi thuyền về sông Mao không còn nhìn thấy túp lều tranh và đôi vợ chồng trẻ. Và từ đấy họ biệt tích mãi mãi. Sau này những người đầu tiên đến sông Mao lập nghiệp vào những đêm trăng họ nhìn thấy đôi vợ chồng hiện lên trên bãi sông đùa giỡn, gần sáng thì biến mất.
Miếu Lão Ngư rất đỗi linh thiêng. Gia đình nào rủi ro có người chết đuối trên sông Mao mà không tìm được xác thì đến đây cầu nguyện sẽ tìm được ngay. Có điều rất kỳ lạ mà chưa ai giải thích được là người bị giông gió lật xuồng, chết đuối giữa dòng sông xa tít, khi đến miếu Lão Ngư cầu nguyện thì hôm sau xác nạn nhân nổi ở gần bờ.
Thạnh còn nhớ cái đêm đầu tiên anh và chú Tiếu đánh cá ở thượng nguồn sông Mao gặp mưa to, gió lớn không thể về nhà. Chú Tiếu nói tỉnh queo: “Đêm nay chú cháu mình ngủ nhờ ở miếu Lão Ngư, mai về!”. Chàng trai giật bắn người: “Sao? Chú nói sao? Ngủ ở miếu hả? Ma! Ma nhiều lắm chú ơi! Cháu xin chú đó!”. Ông Tiếu cười sùng sục: “Ối trời đất ơi! Con trai gì mà nhát cáy vậy? Chú từng ngủ đêm một mình ở miếu Lão Ngư nhiều lần rồi có sao đâu!”. Thạnh vẫn chưa hết sợ: “Không! Cháu không dám ngủ ở đó đâu chú ơi!”. Ông già đành phải hạ giọng tỉ tê: “Cháu đừng sợ như vậy! Chú sẽ khấn xin Lão Ngư để ngủ nhờ. Sống sao thác vậy. Mình đến ở nhờ chỗ người ta thì mình phải xin phép đàng hoàng. Cháu hãy tin tưởng vào sự khoan dung, độ lượng của kẻ khuất mặt, các bậc tiền hiền. Khi cháu đã có được niềm tin thì cháu sẽ không sợ gì cả! Biết chưa?”. Nghe chú Tiếu phân tích như vậy, Thạnh có phần an tâm. Thế rồi đêm đó hai chú cháu ngủ một giấc đẫy đến sáng. Hai người đàn ông một già, một trẻ còn ngủ nhờ miếu Lão Ngư nhiều lần nữa bình yên.
5.
Thạnh đang ăn nên làm ra thì người nhà lên tận nơi gọi về lấy vợ. Chao ôi! Thạnh dở khóc dở cười khi nghe đứa em gái út chuyển “tối hậu thư” của mẹ: “Mày mà không về quê lấy vợ thì mẹ từ mày luôn! Tao không sinh con bất hiếu!”. Thạnh còn nhớ ngày cha còn sống, ông hay nói đến người con trai ngày xưa mà không lấy vợ sinh con đẻ cái nối dòng nối dõi thì liệt vào tội đại bất hiếu. Tình cảnh của anh sao mà giống chú Tiếu ngày trước đến vậy. Chú Tiếu lấy vợ đại cho cha mẹ vui lòng. Còn thời bây giờ làm gì có chuyện “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó” chứ! Thạnh không về, không vâng lời mẹ thì lòng anh xốn xang, lo lắng. Còn về thì không biết tình cảnh sẽ ra sao? Thạnh gặng hỏi em út, nó chỉ trả lời trước sau một câu như câu niệm thần chú: “Em không biết! Anh cứ về hỏi mẹ!”. Anh hình dung một cô gái lỡ thì, cục mịch, chịu đựng sẽ chẳng ngại ngần đón anh ở đầu ngõ. Năm nay anh đã ba mươi tám. Cái tuổi mà những người con trai bình thường đã có vợ, mấy con.
Chuyện kín như hũ nút, không hiểu sao thím Tiếu lại biết. Thím sang nhà khi em út của Thạnh đã về dưới xuôi. Sắc mặt thím có vẻ buồn. Không giống như mọi lần hễ sang nhà Thạnh là thím đi ngay vào bếp xem thử Thạnh ăn món gì, hâm giùm Thạnh xoong canh, chảo cá. Lần này thím Tiếu buông vội chiếc nón ngoài sân, ngồi bệt xuống thềm, giọng kém vui: “Thạnh này! Thím nghe nói mày về quê cưới vợ hử?”. Thạnh thẫn thờ: “Sao thím biết?”. Thím Tiếu cười nhạt: “Có hay không, mày trả lời cho thím, còn chuyện vì sao thím biết có quan trọng như vậy không? Thím đâu phải người ngoài mà mày giấu giếm!”. Thạnh thầm kêu khổ. Đến nước này chàng ta ngất ngứ: “Dạ! Con đâu dám thế ạ! Em gái con vừa lên gọi con về coi mặt vợ đó thím! Có mệt không chứ?”. Thím Tiếu cười nhưng dường như nụ cười có vị chua chát: “Cưới vợ là hạnh phúc của đời người, mày phải vui lên, cớ sao lại mệt?”. Thạnh đã hiểu ra vì sao thím Tiếu không vui khi nghe tin anh về quê lấy vợ. Thư đã kể cho Thạnh nghe về nụ cười khó hiểu của cô trong cái lần Thạnh đến nhà hỏi mua xuồng: “Khi ấy trông anh nghiêm mặt như ông cụ non, em cười thế thôi!”. Từ lâu Thạnh đã hiểu Thư dành tình cảm đặc biệt cho anh nhưng không dám nói ra. Anh cũng xao xuyến trước vẻ đẹp thuần khiết của người con gái thơ ngây nhưng rất đỗi chân thành. Khổ nỗi vợ chồng chú Tiếu là ân nhân của anh. Còn Thư thì cái tình em gái còn thấm đẫm hơn tình trai gái. Anh làm sao có thể mở lời đây chứ? Người có thể mở nút thắt cho Thạnh và Thư đến với nhau chính là thím Tiếu, bấy lâu thím lại lặng câm để rồi giờ đây nghe tin Thạnh về quê coi mắt vợ thì thím hụt hẫng, dằn dỗi là sao vậy? Lòng dạ Thạnh rối bời.
5.
Tình cờ em gái Thạnh nghe được cuộc đối thoại giữa mẹ và anh trai:
- Mẹ thấy con Lụa tuy không xinh đẹp nhưng xương thịt đầy đủ, tính tình hiền lành. Nó rất hợp với mày!
- Mẹ ơi! Mẹ nghĩ sao vậy? Con không hề yêu thương cô ấy thì làm sao sống chung với nhau được ạ?
- Tao với cha mày ngày xưa có yêu nhau đâu mà vẫn sống ngon lành đấy! Chưa yêu thương nhau thì về sống chung một thời gian sẽ yêu thương có sao đâu! Tao nói rồi, lần này mà mày không cưới vợ thì tao bỏ nhà mà đi!
- Tội nghiệp con, mẹ ơi! Cha với mẹ ngày xưa khác, còn bây giờ khác. Mẹ ép con lấy Lụa thì khác nào mẹ giết con!
- Mày bảo mẹ phải thương mày, còn ai thương cho thân mẹ già nua mà chưa có được đứa cháu để ẵm bồng?
- Con đồng ý lấy vợ trong nay mai để mẹ vui lòng nhưng người con lấy làm vợ không thể là Lụa được!
- Ừ! Mày nói chứ mẹ không có ép mày nói đâu đấy!
*
Thạnh trở lại sông Mao với công việc đánh cá thường nhật. Thím Tiếu giận dỗi không còn sang nhà chơi. Thư dạo này hay tha thẩn một mình dọc bờ sông lau lách. Có hôm cô bé ngồi hàng giờ trên doi cát đầy hoa cải. Ánh chiều rọi thứ màu sáng dát vàng kỳ ảo trên tóc mây thành những đường ven óng ả, nắng phớt nhẹ trên đôi má mũm mĩm lông tơ, đậu trên đôi môi căng mọng gọi mời. Thạnh núp trong bờ lau chiêm ngưỡng say mê. Anh muốn ào đến để nhận lấy món quà của tạo hóa mà anh biết chắc là sẽ dành trọn vẹn cho anh nhưng rồi anh thở dài, quay mặt đi! Chính Thạnh cũng không hiểu vì sao như vậy?