Thống kê lợi nhuận của các ngân hàng thương mại niêm yết trên sàn trong quý 3/2023 đạt 59.310 tỷ đồng, giảm 1,9% so cùng kỳ năm trước, tương đương mức giảm 1.190 tỷ đồng. Theo đó, nhiều ngân hàng đang phải đối mặt với chất lượng nợ chuyển xấu tăng cao. Kết thúc quý 3/2023 ghi nhận mức sụt giảm về lợi nhuận so với cùng kỳ, trong khi tổng nợ xấu của các ngân hàng đạt 196.755 tỷ đồng, tăng 61% so với đầu quý.
Theo đó, trong báo cáo tài chính quý 3/2023 của các ngân hàng thương mại đang được niêm yết cho thấy, chi phí trích lập quỹ dự phòng rủi ro của nhiều ngân hàng tiếp tục tăng mạnh. Kết thúc quý 3/2023, tổng dư nợ cho vay khách hàng đạt 9,23 triệu tỷ đồng, tăng 9,2% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, các ngân hàng niêm yết đều ghi nhận nợ xấu tăng so với đầu năm. Trong đó, có ngân hàng ghi nhận mức tăng đến gần 300%.
Cụ thể, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm sâu là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV - MCK: BID). Tại kết thúc quý 3/2023, ngân hàng này có lợi nhuận ở mức 5.418 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước đó là 6.498 tỷ đồng, tương đương giảm 1.080 tỷ đồng (17%).
TP Bank, Sacombank, LP Bank, MSB là các ngân hàng thương mại đang được niêm yết có lượng nợ xấu tăng cao.
Cụ thể, kết thúc quý 3/2023, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank - mã chứng khoán: TPB) ghi nhận lượng cho vay khách hàng đạt 179.946 tỷ đồng, tăng 18.953 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, đi cùng với đó là chất lượng nợ của ngân hàng này lại chuyển biến xấu khi tăng từ mức 1.357 tỷ đồng lên mức 5.350 tỷ đồng, tức tăng 3.993 tỷ đồng (294%) và hiện tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đang ở mức 3% tổng cho vay khách hàng.
Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - MCK: STB). Tại ngày 30/9, lượng cho vay khách hàng của ngân hàng này đạt mức 465.430 tỷ đồng, tăng 7,5% so với đầu năm. Nợ xấu (từ nhóm 3 – nhóm 5) của ngân hàng này ghi nhận tăng từ mức 4.299 tỷ đồng (ngày đầu năm) lên mức 10.388 tỷ đồng, tức tăng 6.089 tỷ đồng, tương đương mức tăng 142%. Hiện, tỷ lệ nợ xấu của STB đang ở mức 2,2% tổng cho vay khách hàng sau 9 tháng.
Vị trí thứ 3 về lượng nợ xấu tăng cao trong 9 tháng 2023 là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LP Bank - MCK: LPB). Ngân hàng này ghi nhận, kết thúc quý 3, lượng cho vay khách hàng đạt 285.651 tỷ đồng, tăng 23,9% so với đầu năm. Nợ xấu tại ngày 30/9 ở mức 7.367 tỷ đồng, tăng 115% so với đầu năm và hiện tỷ lệ nợ xấu trong tổng cho vay khách hàng là 2,6%.
Đặc biệt, ngân hàng có mức tăng nợ xấu tính từ đầu năm ở mức 101% là Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB - MCK: MSB). Sau 9 tháng, MSB ghi nhận lượng cho vay khách hàng đạt 138.830 tỷ đồng, tăng 16%. Nợ xấu ghi nhận đã lên mức 4.149 tỷ đồng, trong khi đó đầu năm mới chỉ là 2.057 tỷ đồng. Với mức này, tỷ lệ nợ xấu MBS đang ở mức 3% trong tổng cho vay khách hàng.
Kết thúc quý 3/2023, tổng doanh thu thuần của 27 ngân hàng trên sàn chứng khoán đạt 418.837 tỷ đồng, tương đương gần 17 tỷ USD. Trong đó, có 14 nhà băng tăng trưởng so với cùng kỳ 2022.