Ngày 6-11, trao đổi với PLO, một lãnh đạo Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk cho biết sở đang tham mưu UBND tỉnh trả lời UBND huyện Krông Pắk về bố trí kinh phí cho huyện này chi trả cho các giáo viên thắng kiện.
"Quan điểm của tỉnh là huyện phải tự lo nguồn kinh phí”- vị lãnh đạo Sở Tài chính nói.
Trong khi đó, theo Sở Tư pháp Đắk Lắk, các bản án về giải quyết tranh chấp trong lĩnh vực lao động không thuộc các phạm vi bồi thường của nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính, tố tụng, thi hành án theo Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước. Việc UBND huyện Krông Pắk bồi thường cho các giáo viên thắng kiện được thực hiện theo quy định Pháp Luật về lao động.
Tháng 10-2023, UBND huyện Krông Pắk có tờ trình đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài chính tỉnh Đắk Lắk bổ sung hơn 2,1 tỉ đồng để chi trả cho giáo viên chấm dứt hợp đồng lao động tại Trường THCS Ea Kly, Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai theo các bản án đã có hiệu lực Pháp Luật.
Trước đó, báo Pháp Luật TP.HCM có nhiều bài phản ánh về vụ tranh chấp hợp đồng lao động giữa nguyên đơn là sáu giáo viên, bị đơn là Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk.
Bản án phúc thẩm tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai, Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk liên đới trả cho sáu giáo viên hơn 1,4 tỉ đồng.
Trong đó, bồi thường cho ông Nguyễn Ánh Dương hơn 317 triệu đồng; ông Nguyễn Tuấn Anh, bà Trịnh Thị Bích Hạnh, Hdim Niê K’dăm mỗi người 239 triệu đồng; ông Lương Văn Chinh gần 220 triệu đồng; bà Nguyễn Thị Bình 175 triệu đồng.
Ngoài ra, ba đơn vị trên phải đóng bổ sung ba năm bảo hiểm xã hội cho bà Bình do đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật.
Bản án phúc thẩm xác định Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và Trường THCS Ea Kly đã đơn phương chấm dứt hợp đồng trái luật đối với các giáo viên nói trên.