Tổng thống Pháp Emmanuel Macron vừa bắt đầu chuyến công du tới Kazakhstan và Uzbekistan nhằm mục đích nâng cao vị thế của Paris trong khu vực vốn có quan hệ chặt chẽ với Nga, hiện đang ngày càng gần gũi hơn với Trung Quốc và cũng nhận được sự quan tâm đặc biệt của EU và Thổ Nhĩ Kỳ.
Máy bay chở Tổng thống Macron đã hạ cánh tại thủ đô Astana của Kazakhstan lúc 3h45 giờ GMT (10h45 giờ Việt Nam) ngày 1/11.
Sau Kazakhstan, chặng dừng chân tiếp theo của ông Macron là thủ đô Samarkand của nước láng giềng Uzbekistan, nơi ông sẽ ở lại cho đến ngày 2/11.
Nhà lãnh đạo Pháp sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev, và theo sau là việc ký kết các thỏa thuận trong một số lĩnh vực.
“Ngoại giao” uranium
Trọng tâm chuyến thăm của ông Macron là nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung uranium cho Pháp và giảm sự phụ thuộc vào bất kỳ quốc gia nào – một động thái được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị với các nhà cung cấp chính hiện tại của nước này là Niger và Nga. Kazakhstan và Uzbekistan lần lượt là những nhà cung cấp uranium lớn nhất và lớn thứ 3 của cường quốc hạt nhân Tây Âu.
Cuộc đảo chính vừa qua ở Niger, nơi cung cấp 15% nhu cầu uranium của Pháp, làm dấy lên câu hỏi liệu quốc gia châu Phi này có thể tiếp tục là nhà cung cấp đáng tin cậy hay không. Sự bất ổn cũng bao quanh việc nhập khẩu uranium từ Nga kể từ khi Moscow phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
“Niger đặt ra câu hỏi, Nga cũng có thể đặt ra câu hỏi về lâu dài nếu EU áp đặt các lệnh trừng phạt đối với lĩnh vực hạt nhân của Moscow. Chuyến thăm của Tổng thống Macron tới Trung Á nhằm lường trước những lo ngại đó”, chuyên gia Nguyễn Phúc Vinh tại viện nghiên cứu Jacques Delors ở Paris, cho biết.
Bên trong nhà máy làm giàu uranium George Besse II tại Tricastin, Saint-Paul-Trois-Chateaux, Pháp, ngày 26/1/2023. Ảnh: Le Monde
Lĩnh vực hạt nhân của Nga cho đến nay vẫn chưa trở thành mục tiêu trừng phạt của EU nhưng các nước thành viên của khối này, ngoại trừ Hungary, đã quay lưng với Moscow. Lượng uranium mà EU nhập khẩu từ Nga vào năm ngoái đã giảm 16% so với năm 2021, trong khi lượng uranium từ Kazakhstan tăng hơn 14%.
Bối cảnh năng lượng hạt nhân toàn cầu đang chứng kiến sự thay đổi và Kazakhstan, với nguồn tài nguyên uranium dồi dào, sẵn sàng đóng một vai trò quan trọng.
Hồi đầu năm nay, ông Yerzhan Mukanov, CEO của công ty năng lượng hạt nhân nhà nước Kazatomprom, nói với Politico rằng ông nhận thấy sự quan tâm ngày càng tăng từ châu Âu, và cho biết Kazakhstan “có ý định trở thành nước đóng góp đáng kể cho thị trường hạt nhân châu Âu”.
Chuyến thăm của ông Macron phù hợp với mong muốn của đất nước trong việc mở rộng lĩnh vực năng lượng hạt nhân và xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên – một dự án kinh doanh mà chuyên môn và đầu tư của Pháp có thể đóng vai trò then chốt.
Công ty hạt nhân Orano của Pháp đang hoạt động ở Kazakhstan, nơi họ đã vận hành các mỏ uranium từ những năm 1990 và gần đây hơn là ở Uzbekistan. Chủ tịch Orano Claude Imauven nằm trong số các doanh nhân hàng đầu tháp tùng Tổng thống Macron trong chuyến đi tới Trung Á.
Ngoài ra còn có ông Luc Remont, người đứng đầu tập đoàn năng lượng khổng lồ EDF của Pháp. EDF đã định vị mình là nhà cung cấp lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Kazakhstan.
Tranh giành ảnh hưởng
Pháp là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ năm của Kazakhstan, trước Trung Quốc, chủ yếu nhờ sự tham gia của Tập đoàn năng lượng TotalEnergies vào dự án mỏ dầu khổng lồ ngoài khơi Kashagan.
Kim ngạch thương mại giữa Pháp và Kazakhstan đạt 5,3 tỷ euro vào năm 2022, và Kazakhstan cung cấp khoảng 40% nhu cầu uranium của Pháp.
Khi ông Macron tới Astana, chương trình nghị sự của nhà lãnh đạo Pháp sẽ đề cập đến nhiều vấn đề hơn là đảm bảo nguồn cung uranium. Đó là một động thái ngoại giao bao gồm các mối quan hệ đối tác năng lượng, quan hệ kinh tế và những thay đổi địa chính trị.
Bản đồ khu vực Trung Á, trong đó Kazakhstan là quốc gia có diện tích lớn nhất. Kazakhstan cũng là quốc gia có diện tích lớn thứ 9 thế giới, đồng thời là quốc gia không giáp biển lớn nhất thế giới. Ảnh: Silk Road Briefing
Trung Á, khu vực vốn chịu ảnh hưởng của Nga và từng là một phần của Liên Xô, đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng từ các cường quốc khác khi Moscow đang bận rộn với cuộc chiến ở Ukraine.
Cả Kazakhstan và Uzbekistan đều hướng tới sự cởi mở kinh tế hơn và nền ngoại giao cân bằng hơn, mặc dù Nga vẫn là đối tác chính của họ.
Hai nước này cũng đang được hưởng lợi từ đầu tư của Trung Quốc trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) – “Con đường Tơ lụa Mới” do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng.
Nhưng châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ cũng đang gia nhập cuộc đua giành ảnh hưởng ở khu vực này. Hiện EU đang tìm cách thu hút Kazakhstan và Uzbekistan vào các dự án hợp tác và đầu tư cơ sở hạ tầng theo sáng kiến “Cửa ngõ Toàn cầu” (Global Gateway), đối trọng của EU với BRI của Bắc Kinh.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ đến thăm thủ đô Astana của Kazakhstan vào ngày 2/11 và 3/11, ngay sau ông Macron.