Hóa thạch của 2 con cá mút đá sống cùng thời với khủng long đã được các nhà khoa học Trung Quốc tìm thấy trong tình trạng bảo tồn tuyệt vời. Một trong hai mẫu vật dài tới 64,2 cm, là hóa thạch cá mút đá lớn nhất từng được tìm thấy.
Con cá có vẻ ngoài trông như quái vật ngoài hành tinh này còn bị gọi là "ma cà rồng" trong hiện tại. Chúng hút máu các động vật dưới nước khác, tàn sát từ cá tự nhiên ở đại dương cho đến phá hoại các vùng nuôi trồng thủy sản.
Theo Live Science, cá mút đá là một trong hai nhóm động vật có xương sống không hàm xuất hiện đầu tiên trong hồ sơ hóa thạch tận 360 triệu năm trước trong kỷ Devon. 31 loài còn sống cho đến ngày nay, tiếp tục gây ám ảnh.
Hai hóa thạch mới được xác định là khoảng 160 triệu tuổi, tức tồn tại từ kỷ Jura, là thời đại khủng long bắt đầu bùng nổ.
Các hóa thạch được khai quật tại Trung Quốc - Ảnh: NATURE COMMUNICATION
Nhóm nghiên cứu gồm TS Feixiang Wu từ viện Hàn lâm khoa học Trung Quốc, TS Chi Zhang từ Học viện Khoa học Trung Quốc và TS Philippe Janvier từ Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Pháp cho biết các hóa thạch này là mối liên kết quan trọng giữa những mẫu vật cổ xưa hơn và cá mút đá hiện đại.
Điều này có ý nghĩa rất lớn vì loài vật có vẻ ngoài nguyên thủy kinh dị này có tầm quan trọng lớn trong việc nghiên cứu về cách động vật có xương sống đã ra đời và tiến hóa.
Hai loài mới vừa được phát hiện được đặt tên là Yanliaomyzon occisor và Yanliaomyzon ingensdentes, bao gồm phần đầu của cái tên đánh dấu vùng hóa thạch nổi tiếng Yanliao Biota của Trung Quốc, nơi chúng được phát hiện; phần sau trong tiếng Latin có nghĩa là "Sát thủ" và "Răng lớn".
Các hóa thạch cũng đại diện cho giai đoạn cá mút đá chính thức phát triển thành "ma cà rồng" như thời hiện đại.
Các hóa thạch cổ xưa hơn của giống loài kinh dị này đa phần đều quá nhỏ và yếu ớt, khiến các nhà cổ sinh vật học cho rằng chúng chỉ là các loài ăn tảo chứ không đủ sức tấn công các loài khác trong "vùng biển quái vật" thời cổ đại.
Trái ngược với những nỗ lực trước đây, nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Nature Communications này cũng chỉ ra Nam bán cầu mới là "lãnh địa" thực sự của giống loài này.