Theo một quan chức Mỹ, để nhắm mục tiêu vào danh mục đầu tư của Hamas, Bộ Tài chính Mỹ đang phối hợp với các nước thành viên của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC): Arab Saudi, Qatar, Kuwait, Oman, Bahrain và UAE.
Sau khi Hamas thực hiện đòn tấn công nhằm vào Israel, giới chức Mỹ và Arab Saudi đã tổ chức một cuộc họp khẩn tại Trung tâm Chống viện trợ khủng bố (TFTC) ở Riyadh, bao gồm Mỹ và các nước GCC. Cuộc họp dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay.
Quan chức Mỹ cho biết, nhóm các quốc gia này đã tăng gấp đôi nỗ lực kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10, nhằm sử dụng tới TFTC. Trung tâm này được thành lập vào năm 2017 với mục đích truy lùng Hamas, Hezbollah và các nhóm chiến binh khác có liên hệ với Iran, thông qua việc chia sẻ các thông tin một cách kịp thời.
Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với những cá nhân mà các quan chức cho rằng đang quản lý tài sản trong danh mục đầu tư “bí mật” của Hamas, có thể trị giá từ 400 triệu đến 1 tỉ USD, theo một quan chức Mỹ. Quan chức này nói thêm rằng danh mục đầu tư đó đang tạo ra doanh thu đáng kể cho Hamas.
Bộ Tài chính cho biết danh mục đầu tư toàn cầu của Hamas bao gồm các công ty hoạt động “dưới vỏ bọc doanh nghiệp hợp pháp” ở Sudan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và nhiều quốc gia khác.
“Chúng tôi không thể chịu đựng được một thế giới trong đó Hamas và những kẻ gây quỹ cho các tổ chức khủng bố khác sống và hoạt động mà không bị trừng phạt, lạm dụng hệ thống tài chính để duy trì hoạt động khủng bố”, Brian Nelson, Thứ trưởng Bộ Tài chính phụ trách vấn đề khủng bố và tình báo tài chính, cho biết trong bài phát biểu tại cuộc họp khẩn của TFTC.
Ông Nelson kêu gọi các quốc gia Vùng Vịnh chia sẻ thêm thông tin về hệ sinh thái tài chính của Hamas, và các nước thành viên GCC đưa ra hành động.
“Từ quan điểm của chúng tôi, không hành động với Hamas và chủ nghĩa khủng bố của tổ chức này là điều bất lợi cho người dân Palestine”, ông Nelson nói. “Từ quan điểm tài chính, chúng ta có thể thấy rõ ràng là Hamas đã thổi phồng những khó khăn kinh tế ở Gaza trong suốt nhiều thập kỷ, bằng cách lợi dụng viện trợ nhân đạo để hỗ trợ cho chiến dịch khủng bố của họ, và chúng ta cần phải lên án công khai những hành động này”.
Một quan chức UAE nói với CNN rằng quốc gia này ủng hộ nỗ lực toàn cầu chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.
“UAE cam kết với việc chống lại các hoạt động tài chính trái phép như rửa tiền và tài trợ khủng bố”, vị quan chức này nói. “Các chính sách và chiến lược của chúng tôi đã phát hiện và ngăn chặn được nhiều tội phạm tài chính, ngăn chặn việc sử dụng lãnh thổ của chúng tôi để làm tuyến đường vận chuyển tài chính cho các hoạt động phạm pháp”.
Trong một bước đi khác nhằm cắt đứt nguồn tài trợ của Hamas, Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo có kế hoạch công du châu Âu trong hôm thứ Sáu tuần này.
Ông Adeyemo dự kiến sẽ làm việc với các đối tác ở châu Âu để “ngăn chặn Hamas và các tổ chức khủng bố khác huy động và sử dụng nguồn vốn”, theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ.
Tuần trước, Mạng lưới Chống Tội phạm tài chính (FinCEN) của Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra các quy định nhằm cắt đứt khả năng huy động vốn bằng tiền mã hóa của Hamas và các tổ chức khủng bố khác. FinCEN đề xuất xác định các “máy trộn” tiền mã hóa nước ngoài – các nền tảng khiến tiền mã hóa số khó theo dõi hơn – là rủi ro rửa tiền và an ninh quốc gia.