Tiến chậm nhưng chắc
Sau khi kết thúc hành trình ở Á vận hội, Thùy Linh báo một tin vui đến người hâm mộ. Cô sẽ tham gia tour đấu châu Âu trong tháng 10, bao gồm cả những giải đấu lớn nhất như Đan Mạch Mở rộng và Pháp Mở rộng. Nhiều năm đã trôi qua kể từ kỷ nguyên Tiến Minh, cầu lông Việt Nam mới có thêm một tay vợt bước ra đấu trường thế giới chinh chiến như Thùy Linh.
Những gì Thùy Linh thể hiện tại tour đấu châu Âu cho thấy cô có đủ khả năng lọt vào top 20 thế giới. Tại giải Phần Lan Mở rộng, Thùy Linh lọt đến tứ kết sau khi loại hạt giống số 4 ngay trận đầu tiên. Đến đấu trường Đan Mạch Mở rộng, cô tiếp tục thi đấu ấn tượng trước những đối thủ xếp trên mình ở bảng xếp hạng cầu lông thế giới. Những tay vợt hàng đầu thế giới đều có danh hiệu lớn trước khi bước sang tuổi 23. Họ được quan tâm, đào tạo theo một mô hình kiểu mẫu: Tham gia các giải đấu cấp độ quốc tế từ nhỏ đến lớn. Những người xuất sắc nhất sẽ có cơ hội bước lên đấu trường cao hơn cùng nhiều ưu đãi chỉ tuyển thủ hạng A mới có. Thùy Linh cũng đang đi theo con đường này, với những bước chậm mà chắc. Chứng kiến những gì Thùy Linh thể hiện trong những tuần qua, thật khó tin khi nhìn lại thành tích của cô 1 năm trước. Đó là khoảng thời gian tay vợt sinh năm 1997 phải cần mẫn "nhặt nhạnh" từng điểm để cải thiện thứ hạng. Trong năm 2022, những nơi ngoài Đông Nam Á mà Thùy Linh đã đến để tích lũy điểm số gồm có Bỉ, Australia và New Zealand.
Không phải lúc nào hành trình của Thùy Linh cũng suôn sẻ như dự định. Sau khi kết thúc giải Bendigo International tại Australia với ngôi vị Á quân, Thùy Linh nhận tin dữ. Cô không thể tham dự giải North Harbour tại New Zealand do không xin được visa nhập cảnh. Thế là tay vợt nữ số 1 Việt Nam phải đặt vé máy bay về nước, chấp nhận hướng đến những giải tiếp theo.
Cổ nhân nói "khổ tận cam lai", và Thùy Linh đang tận hưởng thành quả từ quãng thời gian phải căng mình đi thi đấu những giải cấp thấp. Tay vợt nữ số 1 Việt Nam giờ đã lọt vào top 30 thế giới, một kết quả giúp cô luôn nằm trong danh sách tham dự các giải nhóm 1 (Super Series) của Liên đoàn Cầu lông Thế giới (BWF). Tiền thưởng của Thùy Linh vì thế cũng ngày một nhiều lên. Thống kê từ BWF cho thấy tổng tiền thưởng của Thùy Linh trong năm 2023 là 22.230 USD, xấp xỉ tất cả những năm trước đó cộng lại (23.100 USD). Đây là minh chứng cho thấy sự khác biệt ở cấp độ, và quy mô những giải đấu Thùy Linh tham dự so với khoảng thời gian trước đây. Tay vợt Việt Nam cũng có thêm nhiều nhà tài trợ đồng hành trên hành trình bước ra thế giới.
Hải Đăng, Đức Phát theo bước Thùy Linh
Hành trình tiến ra thế giới của Thùy Linh là công thức kiểu mẫu dành cho những tay vợt đỉnh cao. Các tuyển thủ Thái Lan, Nhật Bản cũng đi theo mô hình tương tự. Điểm khác biệt duy nhất giữa họ và Việt Nam là những quốc gia này cử nhiều VĐV đi thi đấu quốc tế hơn. Quá trình sàng lọc các tay vợt để chọn ra người giỏi nhất, vì thế, cũng khắt khe hơn nhiều.
Trong trường hợp của đội tuyển cầu lông Nhật Bản, theo danh sách được Liên đoàn cầu lông nước này công bố, họ hiện có 65 tay vợt thuộc đội tuyển quốc gia. Các VĐV này được chia làm 2 đội A và B, trải rộng ở cả 5 nội dung thi đấu. Điều kiện để một tay vợt đội B được đôn lên đội A là thi đấu tốt hơn những đàn anh, đàn chị, đồng thời thắng họ ở buổi đấu phân hạng đội tuyển. Khác với Nhật Bản, nguồn kinh phí phát triển môn cầu lông, nhất là ở môi trường đỉnh cao của Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế.
Vì lý do đó, các tay vợt thường chỉ có thể thi đấu một số giải trong khu vực Đông Nam Á, và đi xa nhất tới Đài Bắc Trung Hoa, hoặc Macao Trung Quốc. Chỉ có một vài VĐV hàng đầu mới có thể xin kinh phí, đồng thời vận động tài trợ để thi đấu nước ngoài. Cùng thời điểm Thùy Linh tham dự tour đấu châu Âu, những tay vợt nam như Lê Đức Phát và Nguyễn Hải Đăng cũng đang bước trên con đường của người đàn chị cùng đội tuyển. Hải Đăng đến Australia tham dự liên tiếp 2 giải đấu thuộc hệ thống International. Trong khi đó, Đức Phát đến Trung Đông dự Abu Dhabi Masters, giải đấu có cấp độ Super 100 tương đương Vietnam Open.
Bên cạnh việc cải thiện thứ hạng nhằm hướng đến Super Series trong tương lai, Đức Phát và Hải Đăng còn nhắm tới một đích đến khác. Đó là tấm vé tham dự Olympic Paris, nơi Đức Phát tạm thời dẫn trước người đồng đội trong cuộc đua đến Pháp. Nếu thi đấu với phong độ như thời điểm hiện tại, suất dự Thế vận hội sẽ đến với Đức Phát. Nhưng nếu anh chơi không tốt, mọi thứ sẽ rất khác. Trong năm 2023, cầu lông Việt Nam còn có một tay vợt liên tục thi đấu quốc tế là Vũ Thị Anh Thư. Tuy nhiên, thành tích của Anh Thư lại không ấn tượng như các đàn anh, đàn chị. Vì lý do đó, sau 14 giải đấu quốc tế đã tham dự trong năm 2023, Anh Thư đang tạm thời nghỉ ngơi để hướng đến những mục tiêu xa hơn trong tương lai.