TAND tỉnh Hải Dương ngày 29-9 đã quyết định tuyên phạt Phạm Kim Lâm mức án 6 năm tù; Nguyễn Khắc Sơn, 5 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”. Hai bị cáo này là cựu Chủ tịch và cựu Tổng giám đốc Công ty Nhiệt điện Phả Lại.
Các bị cáo khác thuộc Nhiệt điện Phả lại cũng bị tuyên phạt tội danh trên gồm: Lê Văn Anh, cựu Trưởng phòng Kế hoạch Vật tư và Lê Thế Sơn, cựu Kế toán trưởng, cùng bị áp dụng mức án 4 năm 6 tháng tù; Nguyễn Hữu Sơn, cựu Phó phòng Kế hoạch Vật tư nhận 3 năm 6 tháng tù; Trịnh Tiến Dũng, cựu cán bộ Phòng Kế hoạch Vật tư lĩnh 36 tháng tù nhưng được hưởng án treo.
4 bị cáo khác bị tuyên án về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đó là Nguyễn Văn Thịnh, cựu Trưởng phòng An toàn và Phạm Bá Thản, cựu Phó phòng Kỹ thuật, cùng phải nhận mức 33 tháng tù; Nguyễn Văn Nhuận, Phó chánh văn phòng và Đào Thị Khương, Kế toán phòng tài chính cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù được hưởng án treo.
Theo cáo trạng Nhiệt điện Phả Lại có 51% vốn của Tập đoàn điện lực EVN và được EVN phê duyệt báo cáo khả thi dự án “Hệ thống làm sạch bình ngưng Dây chuyền 1” với tổng mức 67,5 tỷ đồng.
Năm 2011, Nhiệt điện Phả Lại triển khai dự án hình thức trọn gói (EPC) nhưng nâng tổng mức đầu tư lên 101 tỷ đồng dù việc này trái quy định của Bộ Xây dựng. Nguồn vốn thực hiện dự án được lấy từ tiền “Khấu hao cơ bản”.
Cũng trong năm 2011, doanh nghiệp này tổ chức mời thầu và có 4 liên danh tham gia, gồm liên danh của Công ty cổ phần Việt Long nhưng tất cả đều không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên, bị cáo Phạm Kim Lâm, Chủ tịch Nhiệt điện Phả Lại khi đó ra văn bản, yêu cầu tiến hành lắp đặt hệ thống làm sạch bình ngưng phải được tiến hành theo nội dung, phương án đã duyệt.
Do vậy, Tổ chuyên gia chấm thầu của Nhiệt điện Phả Lại tiến hành xem xét lại và đến tháng 5-2012 đã duyệt Công ty Việt Long “đủ yêu cầu kỹ thuật”. Phía Việt Long cũng đưa ra mức giá thầu hơn 129 tỷ đồng nhưng được chủ thầu yêu cầu “xem xét lại mức giá”.
Cho ý kiến việc này, bị cáo Nguyễn Khắc Sơn nêu, EVN chỉ đồng ý tính vào giá điện chi phí sửa chữa lớn là 250 tỷ nên cần: “Xem xét đầu tư khoảng 100 tỷ cho việc lắp đặt hệ thống làm sạch bình ngưng trong năm 2012”.
Công ty Việt Long sau đó đồng ý giảm giá thầu hơn 200 triệu, điều chỉnh giá hợp đồng xuống gần 129 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dù chưa trúng thầu nhưng Việt Long dường như “biết trước sẽ trúng” bởi từ tháng 4-2012, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng mua máy móc từ Đức trị giá 2,7 triệu EUR để lắp vào Nhiệt điện Phả Lại. Hai tháng sau, bị cáo Phạm Kim Lâm mới ký văn bản phê duyệt kết quả lựa chọn Công ty Việt Long trúng thầu. Trong năm 2013, Nhiệt điện Phả Lại trả cho Công ty Việt Long gần 129 tỷ đồng.
Quá trình điều tra vụ án, cơ quan chức năng trưng cầu giám định thiệt hại từ EVN, Bộ Xây dựng, viện Năng lượng… nhưng các cơ quan này đều từ chối giám định với lý do không có người hoặc không có chức năng.
Cơ quan điều tra tính thiệt hại bằng cách lấy gần số 129 tỷ đồng Nhiệt điện Phả Lại đã thanh toán trừ đi chi phí hợp lý của Công ty Việt Long khi thực hiện gói thầu là 102 tỷ để ra con số 26,4 tỷ đồng.