Nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Tính đến nay đã có 8/11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được đưa vào khai thác với tổng chiều dài 519km đã giúp người dân di chuyển được thuận tiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; kết nối các địa phương, các vùng kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên hàng loạt dự án đường cao tốc đi vào khai thác với chiều dài cả trăm km nhưng chưa có trạm dừng nghỉ đã gây ra không ít phiền toái cho tài xế, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Hiện cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Ninh Bình đến Nghệ An gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu đã thông xe đưa vào khai thác với chiều dài 171,85km.
Anh Minh (quê huyện Diễn Châu, Nghệ An) chia sẻ, gia đình đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội. Được biết, cao tốc Bắc - Nam thông xe tới tận Nghệ An nên cả gia đình quyết định sử dụng ô tô cá nhân để về quê nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 vừa qua.
Mọi năm di chuyển trên Quốc lộ 1 với nhiều điểm giao cắt, chỉ cần có va chạm cũng có thể gây ùn tắc và đi cùng với xe máy, các phương tiện khác nên tốc độ không được cao. Năm nay được đi trên cao tốc từ Hà Nội về quê, gia đình cảm thấy rất thoải mái, đường đẹp và tiết kiệm thời gian.
Quá trình di chuyển cũng xảy ra chuyện “dở khóc, dở cười” khi cậu con trai 7 tuổi muốn đi vệ sinh nhưng tìm mỏi mắt trên tuyến cao tốc Mai Sơn - Quốc Lộ 45 khoảng 50km cũng không thấy được trạm dừng nghỉ. Cực chẳng đã, anh Minh đành phải tấp vào dải dừng khẩn cấp để cho con xuống “giải quyết”.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết - Dầu Giây với chiều dài khoảng 200km nhưng cũng không có trạm dừng nghỉ nào. Thống kê trên cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt xe qua lại, riêng các ngày cuối tuần là hơn 20.000 lượt.
Tài xế Minh Nhật lái xe du lịch tuyến Phan Rang - TP. Hồ Chí Minh cho biết, đoạn cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 100km chỉ có 2 làn xe chạy nên có sự cố là nguy hiểm vô cùng. Tài xế phải dừng các điểm khẩn cấp để vệ sinh vừa mất mỹ quan vừa nguy hiểm nhưng không còn cách nào khác.
Đặc biệt vào ban đêm xe tải và container dừng trên tuyến chính ở khu vực nút giao rất nhiều để ngủ nghỉ là sai quy định khi chạy trên cao tốc.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, theo quy định lái xe 4 giờ phải nghỉ ngơi thì phải có điểm dừng nghỉ cho lái xe, nhất là trên cao tốc. Ngoài ra, trạm dừng còn phục vụ kỹ thuật, cung cấp xăng, thay lốp để đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Việc di chuyển trên một tuyến đường dài sẽ không tránh được những lúc mệt mỏi hay phương tiện di chuyển gặp vấn đề. Trạm dừng nghỉ không chỉ giúp phục vụ nhu cầu cá nhân của chủ phương tiện mà còn để đảm bảo an toàn giao thông.
Cần đẩy nhanh tiến độ triển khai
Bày tỏ quan điểm về vấn đề thiếu trạm dừng nghỉ trên cao tốc, PGS. TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam khẳng định, trạm dừng nghỉ là một hạng mục công trình không thể tách rời với hệ thống đường cao tốc. Chức năng của đường cao tốc là chạy liên tục với vận tốc cao, lái xe chỉ được dừng ở những điểm cố định đã được quy ước.
Trạm dừng nghỉ trên cao tốc ngoài phục vụ hành khách còn phải kinh doanh được mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Ảnh: TL
Lái xe, hành khách, kể cả máy móc ô tô cũng cần có thời gian dừng nghỉ nhất định. Vì thế, trong tiêu chuẩn đường cao tốc quy định khoảng cách từ 60km - 120km có thể tìm thấy điểm dừng cần thiết. Khoảng cách 60km cần có những điểm dừng phục vụ sinh hoạt thông thường (nghỉ ngơi, uống nước, nhà vệ sinh,…); khoảng cách 120km trở lên cần những trạm dừng nghỉ lớn hơn (có cây xăng, nhà nghỉ).
Để giải bài toán thiếu trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc hiện nay, cần ưu tiên cho những vị trí cấp bách, lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai. Trình tּự vẫּn phải tuân thủ nhưng cơ quan quản lý có thể rút ngắn các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi... PGS. TS Trần Chủng đề cập.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, hiện nay có tình trạng mặc định là trạm dừng nghỉ thuộc địa bàn tỉnh nào thì tỉnh đó quyết định đầu tư, trong khi nhà đầu tư của địa phương chưa chắc đã đủ tiềm lực.
Vì vậy, các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam cần công bố cụ thể thiết kế, vị trí, quy mô từng trạm để nhà đầu tư lựa chọn và tham gia. Thực tế một số vị trí trạm không phát huy hiệu quả.
Trạm dừng nghỉ ngoài phục vụ hành khách còn phải kinh doanh được mới đủ hấp dẫn nhà đầu tư. Trước bối cảnh vốn đầu tư công phải dành cho phát triển đường cao tốc, Nhà nước không bỏ tiền ra làm những công trình có khả năng thu hút đầu tư.
Trường hợp đặc biệt, các vị trí ở vùng sâu, vùng xa, Nhà nước có thể bỏ kinh phí đầu tư hạ tầng đồng bộ cả tuyến đường và trạm dừng nghỉ. Ðến khi lưu lượng xe tăng cao, có thể bán quyền quản lý khai thác cho tư nhân.
Theo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), khi thiết kế các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 (giai đoạn 1) đều có định hướng vị trí đặt trạm dừng nghỉ.
Tuy nhiên trạm dừng nghỉ có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nhờ các dịch vụ thương mại đi kèm nên ưu tiên phương án kêu gọi đầu tư xã hội hóa, không đưa vào hạng mục đầu tư sử dụng vốn của dự án cao tốc (vốn ngân sách).
Tháng 8 vừa qua, Bộ GTVT đã phê duyệt mạng trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông với 36 trạm dừng nghỉ được xây dựng phục vụ chủ phương tiện nghỉ ngơi, đổ xăng, ăn uống... khi lưu thông trên tuyến cao tốc này.
Trong số 36 trạm dừng nghỉ được phê duyệt có 6 trạm đã đầu tư đưa vào khai thác, 3 trạm đang đầu tư và 27 trạm chưa đầu tư. Trạm có quy mô lớn nhất lên đến hơn 13 ha mỗi bên; trạm có quy mô nhỏ nhất là 2,5 ha mỗi bên.
Bộ GTVT giao các Ban Quản lý dự án 2, 6, 7, 85, Thăng Long, đường Hồ Chí Minh, Mỹ Thuận và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam lập danh mục dự án, lựa chọn nhà đầu tư triển khai đầu tư xây dựng công trình trạm dừng nghỉ thuộc dự án, dự án thành phần do Bộ quản lý, bảo đảm tuân thủ quy định Pháp Luật, công khai, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu khai thác đồng bộ các đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông.